Khi sàn diễn thời trang “bội thực siêu mẫu”

Tổng hợpThứ Tư, 24/08/2011 01:20:00 +07:00

Những tít bài quá sốc đang gây xôn xao dư luận thời gian này đều gặp nhau ở một điểm chung, trước mỗi cái tên “khổ chủ”.

“Ngọc Quyên nude để bảo vệ môi trường”, “Sơn Tùng lột xiêm y Hằng Nguyễn”, “Vĩnh Thụy bị truy cứu trách nhiệm hình sự”, “Sốc với ảnh nude 100% của Ngọc Tình” …  Những tít bài quá sốc đang gây xôn xao dư luận thời gian này đều gặp nhau ở một điểm chung, trước mỗi cái tên “khổ chủ” đều đính kèm danh xưng giống hệt nhau - “siêu mẫu”….

 

 

Giấc mơ đẹp mang tên “người mẫu”

Ít năm trước, đạo diễn trẻ Vũ Ngọc Đãng lần đầu vén tấm màn nhung, hé lộ những câu  chuyện hậu trường thâm cung bí sử của giới người mẫu trong chính tác phẩm điện ảnh đầu tay của anh. Những cô gái chân dài tập hợp cả một dàn những ngôi sao trên  bầu trời thời trang Việt còn rất non trẻ lúc đó. Và giống như Thủy (do Anh Thư thủ vai) - cô gái quê lần đầu ra thành phố ôm mộng đổi đời, ánh sáng lộng lẫy của sàn diễn thời trang và vẻ đẹp hào nhoáng đầy phù phiếm của những cặp chân dài miên man đã hút hồn rất nhiều thiếu nữ vốn được tạo hóa ưu ái ban tặng cả vóc dáng, chiều cao lẫn gương mặt ưa nhìn. Người mẫu đã trở thành cái đích thời thượng trong những giấc mơ lấp lánh hào quang của rất đông người đẹp.

Đường đến với danh xưng người mẫu cũng muôn nẻo, nhiều lối. Từ biến danh hiệu giành được trong một cuộc thi nhan sắc trong nước lẫn quốc tế làm bệ phóng (như Hà Kiều Anh, Đàm Lưu Ly, Ngô Thanh Vân, Anh Thư, Thanh Hằng, Trương Ngọc Ánh, Xuân Lan, Ngô Mỹ Uyên…) đến may mắn sở hữu giải thưởng – Vàng, Bạc, Đồng đều được trong những kỳ Siêu mẫu Việt Nam “đến hẹn lại lên”. Từ cố gắng nổi tiếng trong một lĩnh vực khác như điện ảnh, ca nhạc … rồi tiện thể “rẽ ngang” làm người mẫu  (như Bằng Lăng, Hồ Ngọc Hà, Ngọc Thúy, Phi Thanh Vân…) đến chọn cách đi đường vòng từ nước ngoài ngược về Việt Nam (như BB Minh Thúy, Hà Anh, Bảo Hòa…).

Những thế hệ người mẫu hàng đầu (top model) nối tiếp nhau “đóng đinh” trong trí nhớ người yêu thời trang. Giai đoạn sơ khai từ 1993 đến 1996 nổi lên những Vũ Cẩm Nhung, Thúy Hằng – Thúy Hạnh, Quang Mão, Hà Kiều Anh, Trương Ngọc Ánh, Thanh Xuân… Bốn năm kế tiếp (1996 – 2000) là sự tỏa sáng của những Thân Thúy Hà, Ngô Thanh Vân, Trần Bảo Ngọc… Những gương mặt ấn tượng Xuân Lan, Bình Minh, Đức Tiến, Dương Yến Ngọc, Anh Thư, Bằng Lăng, Hồ Ngọc Hà… chiếm lĩnh sàn diễn suốt từ 2000 đến 2005. Từ đó tới nay, thế hệ thứ tư được định hình với những Thanh Hằng, Vũ Thu Phương, Võ Hoàng Yến, Kim Minh, Ngọc Quyên, Trang Nhung, Tiến Đoàn, Hà Anh…).  Trong muôn vàn gương mặt đẹp giông giống nhau, những cặp chân dài na ná nhau, chỉ rất hiếm hoi những cái tên kể trên có thể thăng hạng, như một người mẫu hạng A, một vedette (ngôi sao luôn xuất hiện cuối cùng trong một bộ sưu tập mới). Số còn lại, những cái tên hạng B (đẹp nhưng chưa có danh hiệu), hạng C chuyên diễn lót hoặc thấp hơn – những PG (promotion girl)… nhiều không đếm xuể. Người thực sự say nghề, người kiên nhẫn chờ thời, người trông chờ một phép màu bỗng dưng xuất hiện… họ tạo nên một đội ngũ đông đảo, họ giúp bức tranh thời trang nước nhà thêm phong phú, đa dạng sắc màu.

 

 

Và khi sàn diễn “bội thực siêu mẫu”

Nghề gì cũng có phân định đẳng cấp rõ ràng. Ai cũng hiểu, để bước lên đỉnh cao “siêu mẫu”, những người mẫu phải đầu tư rất nhiều công sức và nỗ lực tự thân hết mình. Và khi đột nhiên danh xưng siêu mẫu được dễ dàng gắn cho con số rất đông những gương mặt nhạt nhòa ấn tượng (từ tiềm ẩn đôi chút hào quang đến mới toanh chưa kịp để công chúng nhớ mặt thuộc tên), nhiều khán giả đã phải thốt lên, “quái lạ, siêu mẫu ở đâu ra mà lắm thế?!”    

Thử lục lại từ điển Wikipedia, «siêu mẫu» dùng để chỉ những người mẫu thời trang cao cấp được trả lương cao, thường nổi danh trên khắp thế giới và thường có kinh nghiệm về thời trang cao cấp và làm người mẫu thương mại. Khái niệm này được Gianni Versace lần đầu đưa ra năm 1991 và được phổ biến trong văn hóa đại chúng suốt thập niên 90. Những siêu mẫu thường làm việc cho những nhà thiết kế và nhãn hiệu thời trang hàng đầu. Họ có những hợp đồng và chiến dịch trị giá hàng triệu đô la. Họ được xem là những cái tên của mọi gia đình và được cả thế giới công nhận sự nghiệp. Họ “phủ sóng” trên bìa của nhiều tạp chí nổi tiếng khác nhau như Vogue, Elle, Harper’s BAZAAR, Numéro, GQ... Được nhận ra ngay lập tức là một dấu hiệu của địa vị siêu mẫu trong ngành công nghiệp thời trang”.

Và suốt dọc những kinh đô hay đế chế thời trang hùng mạnh - nơi những bộ sưu tập hàng “khủng” của những nhà thiết kế danh tiếng hàng đầu nối nhau ra đời, suốt cả thời hoàng kim chục năm cuối TK 20, người ta cũng chỉ lập ra được một danh sách siêu mẫu của thế giới với hai chục cái tên nổi đình đám như Cindy Crawford, Christy Turlington, Claudia Schiffer, Elle Macpherson, Eva Herzigova, Kate Moss, Naomi Campbell, Linda Evangelista… Và cho dù sau đó, những nữ hoàng sàn diễn đã có rất nhiều “hậu duệ” thì tới giờ phút này, vị trí super model của họ chưa bao giờ thay đổi, mặc nhiên không bàn cãi.

 

Cứ xét theo định nghĩa nói trên thì thời trang Việt bói cả ngày cũng chẳng ra một “siêu mẫu”. Dù theo quan điểm khá thoáng của một số nhà thiết kế có tên tuổi, một vài cái tên như Bảo Hòa, Hà Anh, Thanh Hằng… cũng đã manh nha chút tố chất đẳng cấp này. 

Nhưng kỳ lạ ở chỗ, nghề siêu mẫu dường như đang phát triển với tốc độ chóng mặt ở ta. Khán giả có thể gặp nhan nhản siêu mẫu ở bất cứ đâu, trong các cuộc thi, ở các buổi trình diễn nghệ thuật, trên các spot quảng cáo, tạo dáng làm duyên trong các sự kiện lớn nhỏ, góp mặt trong phim điện ảnh – truyền hình, lấn sân sang kịch nói – ca nhạc… Hình ảnh các người đẹp, từ bí ẩn – mong manh đến lạnh lùng – kiêu bạc tràn ngập bìa báo, tạp chí đến các website – báo điện tử.

Và cũng chỉ có ở Việt Nam, một cuộc thi gọi thẳng Siêu mẫu Việt Nam – dành cho từ dân nghiệp dư đến hoàn toàn tay mơ với sàn catwalk cứ đều đặn mỗi năm tổ chức một lần. Với cái tên khởi đầu Tìm kiếm người mẫu Châu Á năm 2002 do Tạp chí Thời trang trẻ khởi xướng, năm 2003, Siêu mẫu Việt Nam chính thức được khai sinh. Bảy cuộc thi đã đi qua, đã cho ra lò cả loạt giải Vàng – Bạc – Đồng với dư luận ì xèo ngày càng tăng, uy tín giải thưởng ngày một sút giảm. Những gương mặt đăng quang, dù dư luận tâm phục khẩu phục hay không đều nghiễm nhiên được “gắn mác” siêu mẫu!

Hoạt động thời trang quy mô lớn rất hiếm hoi, mỗi năm chỉ lèo tèo dăm ba cuộc. Các công ty đào tạo người mẫu nổi đình đám như New Talent, Venus, PL… chỉ chăm chăm luyện “gà” cho các cuộc thi nhan sắc nhằm tìm kiếm con đường ngắn nhất để các gương mặt độc quyền mặc nhiên thăng hạng top model hay vedette… Và cũng chỉ ở Việt Nam, những cô bé chưa đủ tuổi vị thành niên như Bảo Trân, Huỳnh Tiên, Hồng Quế (Pink Q) … cũng được tung hô siêu mẫu, vedette … như ai.

Người mẫu là nghề có tuổi thọ rất ngắn. Trong một môi trường cạnh tranh quyết liệt, thiếu chuyên nghiệp nhưng luôn thừa áp lực đào thải khắc nghiệt, cuộc chiến tìm con đường ngắn nhất đến với cái đích nổi tiếng ngày càng căng thẳng. Không lo trau dồi nghề nghiệp, tập luyện giữ gìn hình thể, bỏ qua những nỗ lực chuyên nghiệp hóa cần thiết, các siêu mẫu tự phong đang dùng đủ chiêu thức PR, đánh bóng, tạo scandal… để nhanh chóng một bước lên sao. Những bộ hình nude 100%, bán nude 50% của hàng loạt siêu mẫu đã có đôi chút tên tuổi như Ngọc Quyên, Ngọc Tình, Kim Minh, Thu Hoài, Tiến Đoàn… đến những gương mặt lạ hoắc như Hằng Nguyễn, Sơn Tùng, Quang Hòa… đang ngày ngày làm “bỏng mắt” độc giả. Dư luận dậy sóng là họ thành công, dù tai tiếng ấy chẳng có gì đáng tự hào. Rồi chuyện vạch áo cho người xem lưng giữa Xuân Lan – Phi Thanh Vân, chuyện Trang Trần tố cáo một bộ ảnh người người mẫu sẵn sàng bán thân và cả những gương mặt vướng vào vòng lao lý như Vĩnh Thụy…

“Chưa bao giờ tôi thấy thị trường nghệ thuật nói chung và người mẫu ở Việt Nam nói riêng lại loạn và xuống cấp thế này” là tâm sự đau xót của bà Thúy Nga – Giám đốc Elite  Việt Nam, khi những nhố nhăng, bát nháo rất phi nghệ thuật phủ những đám mây đen kịt lên ngành công nghiệp thời trang nội địa đang chập chững những bước sơ khai để tiến tới hội nhập toàn cầu.

NTK Văn Thành Công từng thẳng thắn, “vì có nhiều cuộc thi siêu mẫu nên danh xưng này được treo vào cổ những thí sinh vừa đăng quang hay đoạt giải. Trong khi đó, trên thế giới  danh hiệu siêu mẫu chỉ trao cho số lượng người mẫu ít ỏi chỉ đếm trên đầu ngón tay. Ảo tưởng và tham vọng quá lớn sẽ làm mất đi cái gọi là tính chất chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp cho các thế hệ người mẫu sau này. Đua nhau đi chỉnh sửa sắc đẹp hay nâng cấp vòng một đã thành một trào lưu mới để các người mẫu Việt Nam mất đi sự tự tin và thể hình một cách chuyên nghiệp”.

Còn với bà Thúy Nga, “siêu mẫu ở Việt Nam đang áp đảo số người mẫu thường, cảm giác cứ ra đường là có thể gặp siêu mẫu. Có lẽ siêu mẫu trên khắp thế giới cộng lại vẫn còn ít hơn ở Việt Nam”. Lỗi ở đây, theo bà, đến từ cả hai phía: Sự tung hô hào phóng của báo giới và sự ảo tưởng, không biết mình là ai của những người được xưng tụng thiếu cơ sở. Mỗi show trình diễn thường sử dụng khoảng 7 người mẫu hạng A và 3 hạng B. Và hầu như tất cả đều được khoác chung tấm áo “siêu mẫu”, loạn cào cào trên những tấm bandroll, tờ rơi quảng cáo. Tình trạng loạn “siêu mẫu” đang trở thành vấn đề bức xúc của những người quan tâm đến thời trang. Một người mẫu mới đây đã phải đau xót mà thốt lên rằng “từ Siêu mẫu không còn ý nghĩa ở Việt Nam. Nhiều quá hóa nhàm, hóa thành rẻ rúng”.

Người mẫu hay siêu mẫu không chỉ khác nhau về tên gọi mà kèm theo đó là sự nỗ lực, phấn đấu một thời gian khá dài mới được công nhận và “lên hạng”. Vì thế, đã đến lúc cần phải đặt địa vị và danh xưng đúng với khả năng và cấp độ của mỗi người mẫu để thấy được giá trị mà họ đã phải trả bằng mồ hôi và nước mắt mới đạt được.

Hồ Huyền Nga

Bình luận
vtcnews.vn