Khi nhà hát Âu Cơ ngập tràn không khí Nga

Văn hóa - Giải tríThứ Năm, 25/04/2013 11:25:00 +07:00

(VTC News) – Kỷ niệm thật nhiều, niềm vui và cả những giọt nước mắt lăn dài trên má, những người yêu nước Nga đã cùng nhau gặp gỡ trong Một thời tuổi trẻ.

(VTC News) – Kỷ niệm thật nhiều, niềm vui và cả những giọt nước mắt lăn dài trên má, những người yêu nước Nga đã cùng nhau gặp gỡ trong chương trình Một thời tuổi trẻ để ôn cố tri tân.

Chương trình là cuộc hạnh ngộ của những người đã từng sinh sống, học tập tại Nga, những người đã từng đến và chưa từng đến nhưng dành cho xứ bạch dương những tình cảm đặc biệt. Ở đó, người ta gặp những câu chuyện thật sự xúc động, xoay dòng thời gian về những ký ức đẹp đẽ.

MC Lại Văn Sâm, người dẫn chuyện, người đã từng có nhiều năm học tập ở Liên Xô nói về chủ đề Một thời tuổi trẻ, một ý tứ trong bài hát "Chúng ta từng trẻ trung làm sao
" nổi tiếng của nữ nhạc sỹ Pakhmutova để làm chương trình. Hẳn có thật nhiều ý nghĩa. Và nhân vật chính của chương trình, họ cũng đã sống những năm tháng ý nghĩa giữa lạnh giá, những bông tuyết và tình người.

Một thời tuổi trẻ
Các cháu thiếu nhi biểu diễn trong chương trình Một thời tuổi trẻ. 
Trong không gian ấm cúng của Nhà hát Âu Cơ (Hà Nội), giữa cơn mưa bất chợt đầu hè, vậy mà chật kín. Khách của chương trình, hình như ai cũng có thể nói vài câu tiếng Nga. Họ gặp nhau, tay bắt mặt mừng. Có lẽ, hiếm có những chương trình nghệ thuật nào lại như thế.

Ở hàng ghế khán giả, người ta vẫn thỉnh thoảng hồi nhớ về những tháng năm cũ, nói về nước Nga, những người từng gặp. Họ đã cùng vỗ tay, cùng hát vang ca khúc Thời thanh niên sôi nổi ở đầu chương trình. Sức mạnh của ca khúc này, của tình yêu nước Nga, của chút tính cách Nga đã khiến họ như xôm hơn.

Khách mời và những người làm chương trình, không có khoảng cách. Lần đầu tiên, ông Trần Bình Minh, Tổng Giám đốc Đài VTV đã đứng trên sân khấu, hát vang sôi nổi như thế. Ông cũng hứa, sẽ tổ chức chương trình hàng năm và chương trình thật lớn vào năm 2015, có đầu cầu Hà Nội, TP.HCM và hai điểm cầu ở gồm Matxccơva và Saint Petersburg.

Có lẽ vì tính chất “người nhà” nên những câu chuyện trong cuộc gặp gỡ này rất cởi mở. MC Lại Văn Sâm cũng nói, ở chương trình này, phần nghệ thuật, chỉ đòi hỏi người hát có cảm xúc, hiểu những gì mình đang hát và có tình yêu với những ca khúc đầy kỷ niệm ấy.

Chương trình ghi hình, sẽ phát trên VTV3 vào tháng 5 tới, nhân dịp kỷ niệm chiến thắng phát xít, (9/5). Cuộc trò chuyện với những nhân vật đã từng sống ở Nga, học tập và trưởng thành ở mảnh đất này có nhiều điểm xúc động.

Trong đó có thể kể đến bà Tuyết Minh, một trong những tác giả của Đại Từ điển Bách Khoa Việt Nga 8 vạn từ, Đại tá Hà Minh Tân - Phó Giám đốc Công an tỉnh Phú Thọ; Trung tướng Nguyễn Đức Soát, dịch giả Thụy Anh, nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân và tiến sỹ Hoàng Vĩnh Giang.
Một thời tuổi trẻ
Chị Tuyết Hoa biểu diễn ca khúc Mẹ ơi hãy nói với con bằng tiếng Nga rất tình cảm. 
Bà Tuyết Minh là người được cử sang Liên Xô học năm 1954, có gần 30 năm sống ở Nga. Bà Tuyết Minh cho hay, thực sự hạnh phúc khi được Bác Hồ cử đi Nga học. Ở nhà bà, hiện vẫn còn trao bức hình chụp chung với Bác thời điểm ấy thật trang trọng. Tình yêu nước Nga trong bà quá lớn.

Cuốn bách khoa Việt Nga được làm trong 30 năm thì có đến 26 năm bà tham gia cùng biên soạn. “Nhờ tiếng Nga mà tôi biết tiếng Việt tốt hơn” – bà Minh nói.

Trong chương trình, con gái Tuyết Hoa của bà cũng hát ca khúc Mẹ ơi hãy nói với con bằng tiếng Nga thật tình cảm. Hai mẹ con đã ôm nhau trong khủng cảnh của kỷ niềm ùa về như thế. Bà Tuyết Minh dặn con hãy giữ tiếng Nga, bởi nó sẽ làm con trưởng thành và là một người tốt.

Dịch giả Thụy Anh là thế hệ đi sau, sang Nga từ những năm 90 nói, dù có khoảng cách về tuổi tác, nhưng những người ở đây đều có chung một điểm là tuổi trẻ ở Nga và tình yêu với xứ sở này thì rất lớn. Khi về nước, Thụy Anh mới hiểu hết được điều gì đó thật thiêng liêng, gần gũi và không muốn xa cách.

Chị đã viết bài thơ Tạm biệt nước Nga theo lối tự sự, một câu chuyện dài với đủ cảm xúc và kỷ niệm về xứ Bạch Dương. Tình yêu ấy có lẽ chẳng ai có thể hiểu nó sâu sắc đến mức nào. Nhiều người vẫn nói, bài thơ này là tác phẩm hay nhất của Thụy Anh.

Điều bất ngờ là trong cuộc hạnh ngộ, Thụy Anh đã gặp lại người phụ trách đội của mình khi học tại Nga sau bao lâu tìm kiếm. Ông đang là Tham tán Công sứ ĐSQ LB Nga tại Việt Nam. Cuộc gặp gỡ sau 25 năm vì thế dù ngắn ngủi, người trên sân khấu, kẻ ở hàng ghế khán giả cũng thật xúc động.

Tiến sỹ Hoàng Vĩnh Giang kể câu chuyện của mình, kỷ niệm thì nhiều, nhưng ông đã từng suýt bỏ mạng tại xứ Bạch Dương vì võ Vịnh Xuân Quyền. Hiện là phó chủ tịch ủy ban Olympic Châu Á, với Hoàng Vĩnh Giang, Liên Xô không chỉ giúp đỡ Việt Nam phát triển thể thao, truyền đạt cho những người làm thể thao Việt Nam về kiến thức.

Lần ấy, ông về nước với 2 container đồ vật dụng thể thao vì dạy võ mà không lấy tiền. Hiện, ông vẫn phát triển những bộ môn thể thao với những vật dụng được tặng ấy.

Và còn nhiều câu chuyện khác, như nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân sáng tác cả Những con đường Nga để viết về tình cảm của cô gái Việt với anh Hồng quân Liên Xô. Ca khúc được Tấn Minh thể hiện rất tình cảm cùng tiếng piano của Dương Cầm.
Một thời tuổi trẻ
MC Lại Văn Sâm trò chuyện cùng dịch giả Thúy Anh và nhạc sỹ Đỗ Hồng Quân 
Ngoài phần trò chuyện với khách mời, chương trình còn là một bữa tiệc nhạc Nga thịnh soạn. Ngoài các tiết mục được biểu diễn bởi các nghệ sỹ Việt còn có sự góp mặt của Dàn dây tứ tấu đến từ Matxcơva, Nghệ sỹ nhân dân Nga Lyudmila Safonova và Nghệ sỹ Công huân Dmitri Zhyuzev.

Họ đã đem đến chương trình 12 tiết mục, tiếng đàn, giọng hát Nga cực kỳ ấn tượng bởi cao độ và tình cảm đã lôi cuốn người xem đến kỳ lạ. Khán giả đã đứng lên, vỗ tay không ngừng khi nghe những ca khúc quen thuộc như Chúng ta từng trẻ trung làm sao.

Nếu Dmitri Zhyuzev có một giọng hát sáng và ấm áp thì Nghệ sỹ nhân dân Nga Lyudmila Safonova lại khoe được những nốt cao đến bất ngờ. Họ biểu diễn mà như không muốn dừng lại. MC Lại Văn Sâm cũng cho biết, các nghệ sỹ Nga nói anh chỉ cần giới thiệu đầu, còn để các nghệ sỹ tự biểu diễn.

Phía Việt Nam, NSƯT Ngọc Khang cũng gây bất ngờ không kém khi đem đến ca khúc Nhựa bạch dương và biểu diễn chung với hai nghệ sỹ Nga Chúng ta từng trẻ trung làm sao.

Một giọng hát được coi là đỉnh cao hát nhạc Nga ở Việt Nam, cao, tròn đầy và tha thiết. Có lẽ, lần biểu diễn này với Ngọc Khang cũng cực kỳ ấn tượng. Anh là một trong những người lồng ngực nóng luôn sẻ chia về nước Nga, luôn hướng tới miền kỷ niệm này để sống tốt hơn và có ý nghĩa.
Một thời tuổi trẻ
MC Thanh Bạch và NSND Nga Lyudmila Safonovaở hậu trường 
MC Thanh Bạch, đến với chương trình, không phải để dẫn chuyện mà là để hát ca khúc Đôi mắt huyền. Từng học tập tại Nga, nên Thanh Bạch thể hiện ca khúc này đẫm lệ, day dứt và cũng có những lúc cực sôi nổi đúng theo kiểu của anh.

Ngoài ra, Một thời tuổi trẻ cũng đem đến trích đoạn vở Bale Hồ thiên nga, màn biểu diễn của vợ chồng nghệ sỹ Trinh Hương và Bùi Công Duy, Phương Nhung với nhạc nhẹ đương đại Nga.

Kết thúc trong nhiều luyến tiếc, kỷ niệm, có lẽ, những khán giả của chương trình, những người yêu nước Nga sẽ giữ nhiệt huyết, sẽ giữ mong chờ và hẹn những cuộc gặp đầy ắp cảm xúc như thế vào kỳ tới.

Trần Lê

Bình luận
vtcnews.vn