Khi người có chữ khoe… “Danh”!

Tổng hợpThứ Tư, 27/07/2011 12:03:00 +07:00

Phàm cái xấu phải giấu biệt thì phần đa đều na ná giống nhau nhưng “tốt khoe” thì muôn hình vạn trạng.

“Xấu che, tốt khoe”, “đẹp phô ra, xấu xa đậy lại”, các cụ ta xưa nói cấm có sai câu nào. Phàm cái xấu phải giấu biệt thì phần đa đều na ná giống nhau nhưng “tốt khoe” thì muôn hình vạn trạng. Bởi cái sự “tốt” muốn phô bày cho cả đám đông cùng ngưỡng mộ, trầm trồ thì mỗi giới mỗi khác.

 

“Phải có danh gì với núi sông”

“Đại gia” khoe đám “chân dài” dập dìu vây quanh, nhan sắc này đi có ngay người đẹp hơn bội phần chiếm chỗ. Lắm bạc nhiều tiền thì khoe giàu, khoe sang. Được Trời ban cho “body” đẹp thì khoe thân, phô bày vòng 1 khủng, vòng 2 thon, vòng 3 siêu kích cỡ. “Sao” khoe đẳng cấp “pro”, khoe từ biệt thự, du thuyền đến máy bay, xế hộp triệu đô. Nghệ sĩ khoe giải thưởng, danh hiệu, khoe tài năng xuất chúng tiềm ẩn đang chờ ngày phát lộ… Sự khoe của người nổi tiếng trong giới showbiz thường có mẫu số chung đại loại như thế, tùy thuộc vào quan niệm của từng cá nhân coi yếu tố nào được ưu tiên xếp lên hàng số 1.

Người “có chữ”, được gọi chung là trí thức sở hữu cái gì đáng để khoe? “Nhà văn, nhà báo, nhà giáo, nhà đài”. Tiền bạc, nhà lầu, xe hơi, tài khoản “khủng” trong ngân hàng ư? Hãy cứ “mơ về nơi xa lắm”. “Trai tài” ắt sẽ có “gái sắc” kề bên ư, còn khuya! Tài sản lớn nhất mà họ có là vốn tri thức. Là “mấy bồ chữ thánh hiền” gom góp suốt một đời cặm cụi, học, đọc và dày công nghiên cứu. Là những công trình, tác phẩm đã công bố và chờ sự thẩm định của công chúng. Cái này không đo đếm, định giá nổi bằng tiền, vậy nên nó trở thành “vô giá”. Thiên hạ thì bĩu môi, “chữ có mài được ra mà ăn”. Dân trí thức vốn đành phải quen dần với nếp sống “hàn sĩ” thì thở dài đánh thượt, “vô giá nỗi gì, có mà vô giá trị”. 

Vậy nên, giai tầng được coi là tinh hoa của xã hội này chỉ có duy nhất một thứ để “trưng trổ” với công chúng: Cái danh. Cụ thể hóa, danh là học hàm, học vị, chức tước, là uy tín, là tiếng nói có trọng lượng. Có danh, thường mới có quyền, rồi từ đó có tiền. Nói như cụ Nguyễn Công Trứ, “phải có danh gì với núi sông”, nỗ lực phấn đấu để có chút danh phận với đời là ước mơ đẹp của tất cả mọi người. Nhưng từ “háo danh”, muốn có danh bằng mọi giá đến đạt được – được rồi thì phải “khua chiêng gõ mõ” cho “cả làng cả tổng cùng hay”, cái nỗ lực phía sau này mới gây ra lắm chuyện bi hài, cười ra nước mắt.

Nhà sử học Dương Trung Quốc

Từ những tấm danh thiếp “bội thực” thông tin

Bạn nghĩ sao, nếu được cầm trong tay một tấm danh thiếp có nội dung thế này: “Ông T - Đại học H, Nguyên Hiệu trưởng, Nguyên Bí Thư Đảng Ủy, Nhà giáo ưu tú, Giảng viên cao cấp, Huy chương Sự nghiệp giáo dục; Huy chương Khoa học công nghệ; Bằng khen Thủ tướng Chính phủ, Huân chương Lao động hạng Ba”?

Bạn cảm giác thế nào, khi phải gồng mình chịu trận những lời giới thiệu dài dằng dặc về đầy đủ thành phần khách mời quan trọng có mặt trong một hội nghị, hội thảo nào đó. Vị nào cũng được tuân thủ tuyệt đối theo đúng một công thức bất di bất dịch, kiểu như:  “Xin trân trọng giới thiệu Ông X + chức danh + học vị + toàn bộ danh hiệu đã được phong + toàn bộ giải thưởng đã được tặng + toàn bộ chức vụ quản lý, chức vụ Đảng đang có (hoặc từng có)”?

Nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, trong một bài viết có tựa đề “Tôi chỉ là Ashkenazy hay quốc nạn loạn chức danh học vị” đã mượn xưa nói nay một cách rất thú vị thế này. «Mời bạn tham khảo thêm tên và tước hiệu của cụ Phan Thanh Giản (1796-1867) một đại thần triều Nguyễn phong kiến như sau: Hiệp biện Đại học sỹ, lãnh Lễ bộ thượng thư, kiêm quản Hộ bộ ấn triện, sung Kinh diên giảng quan, sung Cơ mật viện đại thần, kiêm Quốc tử giám sự vụ, kiêm quản Văn thần phò mã đô uý, Phan Thanh Giản, tự Tĩnh Bá, hiệu Ước Phu» (tất cả 50 từ). Ôi, nếu cụ sống lại và đến dự một cuộc họp nội bộ của chúng ta ngày nay, và được ta giới thiệu với đầy đủ chức danh như trên thì chắc cụ rất hãnh diện. Vì con cháu chúng ta sao mà giống thời các cụ thế! Tiếp nối được truyền thống cha ông xưa. Và vẫn đang liên tục phát triển.

Đấy là một trong những “nỗi khổ” khó được gọi bằng tên mà nghề nghiệp mang lại cho tôi. Là một phóng viên chuyên trách mảng văn hóa – xã hội, cơ hội gặp gỡ, trò chuyện với những nhân sĩ, trí thức hàng đầu trong nhiều lĩnh vực đã giúp tôi có được những bài viết chi tiết, tỉ mỉ về chặng đường đời không trải sẵn hoa hồng mà họ đã phải vượt qua để đạt tới vị trí hàng đầu đáng nể trọng ấy. Những điều tốt đẹp nhất về đời và nghiệp của họ, đã theo những con chữ của phóng viên, hiển hiện sống động trên mặt báo. Nhưng cũng có khá nhiều điều tai nghe, mắt thấy – với một số ít nhân vật – mà tôi đành cất giữ lại cho riêng mình, kèm theo một chút băn khoăn xen lẫn thất vọng. Nói như dịch giả Cao Xuân Hạo, “thói háo danh có thể tăng rất nhanh theo cấp số nhân và biến thành một bệnh dịch quật ngã hàng triệu người”.

Kỷ lục “khoe danh” mà tôi được biết thuộc về một vị quan chức tầm trung của Bộ ngoại giao đã nghỉ hưu. Tấm card – visit của ông dành hẳn một mặt cho 13 cái gạch đầu dòng thừa mứa thông tin quan lộ của chủ nhân, mà “sốt dẻo” nhất, mang tính thời sự nhất là Hội trưởng Hội sinh vật cảnh phường X. Và tấm danh thiếp ấn tượng nhất, trong mắt tôi, thuộc về một cộng tác viên nhiệt tình mà danh sách tòa soạn ông gửi tin bài được liệt kê chi tiết kín cả hai mặt lên tới số thứ tự… 30.  Danh xưng Giáo sư, Tiến sĩ vốn rất đáng tự hào được chễm chệ trước cái tên cha sinh mẹ đẻ đã đành, giờ đến cả Cử nhân, Thạc sĩ cũng không chịu “lép vế”. Cầm tấm card mà chả biết nên cười hay mếu!

 

Nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên

Đến những người “nói không” với “khoe mẽ”

“Viện Văn có một Phạm Xuân/ Nguyên là cán bộ cử nhân phê bình”. Cây viết phê bình đình đám này “sở hữu” nhiều sự lạ đến mức ngược đời, “khó tin nhưng có thật” mà câu vè tồn tại bao năm ở Viện Văn học nói trên là một ví dụ điển hình. Hiện là Trưởng phòng Nghiên cứu văn học so sánh của Viện Văn học nhưng trong thời buổi loạn chức danh, sính học hàm học vị, ông vẫn “bình chân như vại” là một cử nhân trong khi ai cũng tưởng Nguyên mèng mèng cũng GS, TS từ lâu rồi. Bạn bè tếu táo, “Viện Văn chỉ có hai người không có bằng Tiến sĩ – Phạm Xuân Nguyên và bà bán nước chè đầu cổng”. Cử nhân nhưng nhiều người làm luận án tiến sĩ đều đến mượn sách, tham vấn. Cử nhân nhưng rất đắt show đi dạy, đi nói chuyện với cử tọa đều từ trình độ… cử nhân đổ lên!

Ông kể, ngày còn làm Tạp chí Văn học, trong danh sách Ban biên tập in trang trọng đầu trang, người ta lần lượt xếp theo thứ tự từ trên xuống dưới GS -  PGS - TS rồi thạc sĩ. Chỉ riêng ông, chắc vì tế nhị, họ chỉ đề mỗi cái tên. “Phải bổ sung chữ cử nhân cho đầy đủ, viết thế hóa ra tôi chẳng có bằng cấp nào trong khi chẳng gì thì tôi cũng đã tốt nghiệp đại học. Vậy là ban biên tập in thêm hai chữ CN vào trước tên họ Phạm Xuân Nguyên. Nhưng rất hiếm người luận được hai chữ đó chính xác, đa phần cứ đọc thành… chủ nhiệm!”

Là tên tuổi tung hoành trong lĩnh vực phê bình – dịch thuật đã mấy chục năm với rất nhiều bài viết và khá nhiều đầu sách dịch mang bút hiệu Ngân Xuyên, hiện nay lại còn đang ngồi ghế Chủ tịch Hội nhà văn Hà Nội, nhưng khối người chưng hửng khi biết Nguyên chưa hề là hội viên Hội nhà văn VN. “Tiêu chí của tôi là được sống theo ý mình, được làm những điều mình thấy đúng. Chuyện trọn đời là cử nhân, chuyện không viết đơn xin vào Hội nhà văn VN là lựa chọn của riêng tôi. Ai bảo đồ gàn, ai khích bác cũng chẳng sốt ruột hay xấu hổ.” Về chuyện này, nhà văn Di Li trong bài viết về ông đã bình luận, “chỉ những người rất tự tin vào tri thức của mình, chỉ những người đã có danh tiếng, danh vị mà coi nó như thứ phù du mới có thể đứng giữa thiên hạ mà  nghênh ngang đến thế”.

Ông từng thẳng thắn, “việc một số người có chữ chọn cách suốt đời mưu mô kiếm chút  danh lợi khiến tôi rất bức xúc. Danh xưng cử nhân, vì thế, cũng là cách tôi giữ gìn giá trị của chính mình, khi đặt nó trong thế đối lập với những thứ hữu danh vô thực. Và biết đâu, trong trường hợp cần thiết nào đó, nó sẽ giúp tôi vạch trần và đưa ra ánh sáng những giá trị ảo đang đánh lận con đen. Hi vọng thế”.

Nhà sử học Dương Trung Quốc cũng là một trường hợp “lạ”. Nhiều cây viết hay gán cho ông thêm hai chữ GS, dù về bằng cấp, ông cũng giống như “ông em cũng đầu bạc” Phạm Xuân Nguyên. Không học hàm, chẳng học vị nhưng nhà sử học Dương Trung Quốc là một ông nghị rất được lòng dân khi liên tục mấy khóa được bầu là Đại biểu quốc hội, với tiếng nói thẳng thắn, có trọng lượng chốn nghị trường. Ông cũng là Tổng thư ký Hội Khoa học Lịch sử Việt Nam, Tổng Biên tập tạp chí Xưa & Nay và chủ tịch Hiệp hội Câu lạc bộ UNESCO Hà Nội. Hoàn thành bài viết, tôi gửi ông xem lại trước khi đăng. Điều khiến tôi nể trọng, như trước một nhân cách lớn chính là lời đề nghị chỉnh sửa lại một vài chi tiết của ông. Thay vì cả loạt những thông tin “rất đáng liệt kê” phía trên của tôi, ông gạch đi và thay bằng cụm từ: “một người đang vướng víu vào quá nhiều chức danh và các hoạt động xã hội”. Không thể khiêm tốn và đầy đủ nội dung hơn.

Mới đây, tôi được chuyện trò với Nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và môi trường Đặng Hùng Võ. Vị quan chức “khác người”, một đời nói không với lợi lộc chức quyền này đã được báo giới ca ngợi rất nhiều. Tuy đã về hưu nhưng hiện ông vẫn là Chủ nhiệm bộ môn Địa chính -  Đại học Quốc gia Hà Nội, cố vấn cao cấp cho Tổng cục Quản lý đất đai và tư vấn độc lập cho nhiều tổ chức phát triển quốc tế. Ông được đánh giá là một trong những chuyên gia hàng đầu VN về chính sách đất đai, kinh tế bất động sản, hạ tầng thông tin địa lý.

Khác với hai “gã đầu bạc” kể trên, “ông quan điền thổ” này hầu như chẳng thiếu bất cứ danh xưng cao quý nào.  Từng tốt nghiệp khoa Toán Đại học Tổng hợp HN, năm 1984, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Đại học Bách khoa Varsaw, Ba Lan. Năm 1988, nhận học vị tiến sĩ khoa học tại Học viện Mỏ - Luyện kim Krakow. Năm 1992, ông được phong học hàm Giáo sư. Năm 2005, ông được nhận giải thưởng Hồ Chí Minh về khoa học - công nghệ Cùng năm, ông được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Ông tâm sự, “tính tới khi chính thức cầm sổ hưu, tôi đã có 12 năm làm quan chức. Trong đó khoảng 7,5 năm làm Phó Cục trưởng Cục Địa chính và 4,5 năm làm Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường. Chuyện quan chức đến với tôi tự nhiên như là cơ may của số mệnh”. Nghe thắc mắc của tôi, rằng “sao ông không nghĩ mình lọt vào con mắt xanh của các cấp lãnh đạo nhờ năng lực chuyên môn vượt trội”. Ông cười xòa, “Lẽ đời đâu giản dị như vậy, nếu có quá nhiều ứng viên thì yếu tố quyết định chưa chắc là năng lực. Mà hiện nay cũng chẳng thấy thang bậc giá trị nào để đánh giá thực lực. Khuôn mẫu giá trị con người hiện nay cũng chỉ là hình thức. Tuổi tác hay chức danh khoa học chẳng ăn nhập gì với năng lực thực. Đúng là học hàm, học vị của tôi cũng đã ở tột đỉnh, cũng chỉ để chứng minh kết quả của một số kỳ thi, khả năng biện bạch trước một số hội đồng. Dùng chứng cứ này làm thang bậc giá trị để đánh giá năng lực thực của một con người thì chẳng chính xác, nhất là khi thật giả lẫn lộn càng chẳng biết đâu mà lần nữa. Năng lực thực nằm ở nội dung mà ta vẫn chưa gọi được tên thật”.

Nghe tôi vặn vẹo, rằng «vậy ông có thể đưa ra thang bậc chính xác để đánh giá thực lực một con người?», ông nói giản dị, «giao cho người đó một công việc cụ thể, xem kết quả đạt được ở mức độ nào. Ở nước ngoài, một cá nhân (từ Nguyên Thủ trở xuống), sau khi hoàn tất một đầu việc nào đó đều phải có một bản báo cáo tổng kết. Nội dung ấy sẽ được công khai cho đám đông phán xét hay dở, sai đúng. Và cái nhìn của rất nhiều người về năng lực thực sự của một người, vì thế sẽ có độ chính xác rất cao ».

 

Nguyên Thứ trưởng Bộ tài nguyên và Môi trường Đặng Hùng Võ

Chỉ thực danh mới trường tồn

Cũng trong bài viết kể trên của nhạc sĩ Đặng Hữu Phúc, ông có kể một câu chuyện có thật về nghệ sĩ piano nổi tiếng Vladimir Ashkenazy. Trong chặng dừng chân tại TP.HCM, ông nhận lời biểu diễn một buổi duy nhất cho giới âm nhạc. Đáp lại những câu hỏi rất máy móc của Ban tổ chức về những danh xưng đi kèm (phục vụ cho việc quảng bá, in tờ rơi), ông chỉ nhắc đi nhắc lại một câu duy nhất, với độ khó chịu ngày càng tăng: «Tôi chỉ là Ashkenazy». Một điều đơn giản mà những người trọng nước sơn hơn tốt gỗ ấy không hiểu, bản thân cái tên ấy đã là một thương hiệu, không bàn cãi. Và nội hàm trong nó chứa đựng tất cả những gì cao quý nhất, tốt đẹp nhất mà một nghệ sĩ biểu diễn có thể đạt tới.

Với ba nhân vật cụ thể vừa nêu, tôi dám chắc chỉ cái tên của họ cũng đủ để nói lên tất cả, khỏi cần thiết đính thêm những phụ kiện trang trí lóng lánh sắc màu. Tài năng, nhân cách giúp cái tên họ có thể đứng độc lập, giản dị nhất mà cũng đáng kính trọng nhất.

Liệu có ai nghĩ cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sẽ được yêu quý hơn, sang trọng hơn khi trước cái từ giản dị nhạc sĩ của ông lủng củng những NSND, giải thưởng A, Giải thưởng B trong lĩnh vực VHNT... Liệu có ai quan niệm, những danh nhân văn hóa trong lịch sử sẽ kém oai, nếu thiếu đi những giải thưởng, vinh danh trúc trắc, khó nhớ ấy.  Người sáng tác còn lại tác phẩm sống mãi cùng thời gian, quan chức để lại những việc ích nước lợi dân, nhà nghiên cứu khoa học lưu danh những công trình phục vụ con người. Và tất cả những tinh hoa ấy giúp cái tên của họ neo lại trong trí nhớ hậu thế.

Đợt này, báo giới đang «um xùm» những khiếu kiện «vạch áo cho người xem lưng» xoay quanh việc xét tặng danh hiệu NSND và Giải thưởng HCM, Giải thưởng Nhà nước trong lĩnh vực điện ảnh lẫn âm nhạc. Những đồng nghiệp cùng sát cánh bên nhau, giờ bới móc, hạ bệ nhau trong con mắt công chúng cũng vì một chữ «danh». Bởi nếu có được, người ta sẽ có cái để in danh thiếp, để phô trương và để «nổ» với đám đông, rằng «tôi mới xứng đáng là người số 1». Những «đứa con tinh thần» vô giá để lại cho đời sau ư, hậu xét!

«Giá trị nằm ở thực danh», một chân lý đơn giản đến thế mà sao nhiều người «đầy bồ chữ» vẫn không hiểu, lạ thế !

Hồ Cúc Phương

Bình luận
vtcnews.vn