Khi cái "ảo" đang ăn mòn cuộc sống thực

Tổng hợpThứ Hai, 16/09/2013 04:10:00 +07:00

Đã từng có thời, người ta say sưa với những triết lý sâu sắc, những lý tưởng sống cao đẹp, trong sáng và mạnh mẽ với “Thép đã tôi thế ấy”...

Xưa, người trẻ coi sách là bạn. Đã từng có thời, người ta say sưa với những triết lý sâu sắc, những lý tưởng sống cao đẹp, trong sáng và mạnh mẽ với “Thép đã tôi thế ấy”, “Chiến tranh và hòa bình”. Đã từng có thời, người trẻ sống và yêu mãnh liệt với những câu chuyện tình lãng mạn như “Cuốn theo chiều gió”, “Đồi gió hú”, “Kiêu hãnh và định kiến”…
Nay, người trẻ coi mạng xã hội là bạn. “Hãy cho tôi xem bình luận của bạn, tôi sẽ nói cho bạn biết bạn là người như thế nào”, một câu nói vui cũng đủ khiến người ta phần nào mường tượng ra cuộc sống hiện đại của thế hệ trẻ. Với sự phát triển của công nghệ, đời sống tinh thần của giới trẻ đã có sự thay đổi rõ rệt. Kể từ khi mạng xã hội ra đời, suy nghĩ và hành động của người trẻ dễ dàng bị phơi bày trước người khác, chỉ bằng một cú click chuột. Không thể phủ nhận lợi ích của mạng xã hội tới giới trẻ, nhưng ảnh hưởng tiêu cực của nó cũng không hề ít. Đến với mạng xã hội, giới trẻ được vươn ra thế giới nhưng đổi lại, họ mất vô số thời gian, các mối quan hệ và cơ hội được giao tiếp thật, được sống thật. Ngoài ra, “kẻ địch” này còn tiếp tay cho không ít những trò đùa tai ác làm hình ảnh của những người Việt trẻ trở nên xấu xí trước mọi người, trước cả bạn bè quốc tế.

 

Thói a dua hay trò đùa xấu xí của “trẻ trâu”
Ngày 9/9, trang Facebook chính thức của Bill Gates - người từng là tỷ phú giàu nhất thế giới, cựu CEO tập đoàn Microsoft, đăng tải hình ảnh dây điện chằng chịt ở Việt Nam kèm theo lời bình luận “Energy demand in Vietnam is growing by up to 14% a year. This is putting its old power grid under considerable strain. How will countries like Vietnam tackle the growing demand?”. Tạm dịch là: Nhu cầu năng lượng ở Việt Nam đang tăng lên đến 14% một năm. Sự tăng trưởng này khiến mạng lưới điện cũ chịu áp lực đáng kể. Làm thế nào các quốc gia như Việt Nam giải quyết nhu cầu năng lượng ngày càng tăng? Ngay sau khi hình ảnh này xuất hiện và chia sẻ rộng rãi tới cư dân mạng, một bộ phận bạn trẻ đã vào Facebook Bill Gates, buông những lời lẽ không mấy tích cực, thậm chí là sẵn sàng văng tục. Những dòng “comment” vô tư và không biết lễ độ là gì kiểu như: Việt Nam vào điểm danh, ông nghĩ mình là ai mà chê đất nước tôi?… xuất hiện với tần suất đáng ngại. Trong con số gần 40.000 người like và 6.000 bình luận phía dưới bức ảnh, thì chiếm phần lớn là người Việt.
Lần giở lại lịch sử, từng có nhiều sự việc đáng tiếc về chuyện cư dân mạng đua nhau chơi trò "điểm danh", chửi tục trên trang Facebook của những người nổi tiếng ở nước ngoài. Có thể kể đến một số ví dụ điển hình như việc fan cuồng MU với trọng tài Cakir, cô gái gốc Việt múa cột hay “cô gái tự tin” người Thái Happy Polla… 

 

Trong đó, thói a dua của một bộ phận người Việt trẻ đã từng nhận lấy bài học đắt giá từ trường hợp của nữ MC xinh đẹp gốc Thái Peaw Sumaporn Wandee. Sinh năm 1991, Peaw Sumaporn Wandee là người dẫn chương trình của kênh truyền hình dành riêng cho nam giới Maxxi TV, nổi tiếng với gương mặt xinh xắn và thân hình đẹp. Trang Facebook của cô thu hút hàng trăm nghìn lượt follow (theo dõi thông tin) và từng nổi tiếng như cồn trong cộng đồng mạng. Điều đáng nói ở đây là một số cư dân mạng Việt Nam, sau khi ghé thăm trang cá nhân của cô đã để lại nhiều lời bình luận có nội dung không lịch sự, thiếu văn hóa, thậm chí hỏi một cách rất khiếm nhã rằng cô… “có phải là pede (người đồng tính) hay không”! Quá bực tức, Wandee viết status thể hiện thái độ như sau: "Gửi các bạn Việt Nam. Tôi rất không ưa khi các bạn lấy hình chụp của tôi đăng tải lên những trang web không phù hợp và có những lời lẽ bình luận thô tục. Các bạn bình luận gì tôi không hiểu, nhưng xin phép được xóa hết những bình luận của người Việt Nam. Tôi biết là có người hiểu và không hiểu nên xin lỗi những bạn nào có ý tốt thật sự. Còn với những bạn không tôn trọng tôi thì tôi cũng không cần phải giao lưu làm gì cả!". Không chỉ thế, cô còn thẳng thừng yêu cầu những người Việt Nam nếu muốn nói chuyện với cô thì nên lịch sự viết bằng tiếng Anh thay vì dùng tiếng Việt.
Rõ ràng, ở trường hợp này, những trò đùa của một bộ phận giới trẻ Việt đã không chỉ dừng lại ở sở thích nữa, mà còn đang trực tiếp gây ảnh hưởng xấu tới hình ảnh một đất nước Việt Nam thân thiện trong mắt bạn bè quốc tế. Thậm chí, người ta đã phải dùng những cụm từ không mấy tích cực như “anh hùng bàn phím”, “trẻ trâu”… để gọi tên những người Việt trẻ xấu xí như thế.

 

Đừng trở thành những “kẻ nghiện” đáng thương của thế giới ảo!
Không chỉ những người nổi tiếng ngọai quốc, không ít bạn trẻ Việt Nam cũng trở thành nạn nhân của những trò đùa xấu xí của cư dân mạng. Chắc hẳn mọi người vẫn chưa quên cô gái người Hải Phòng với sở thích ăn mặc lòe lọet và chụp ảnh tự sướng với biệt danh “hot girl Big C” đã từng trở thành tâm điểm của những trò chế giễu ác ý của đám thanh niên “anh hùng bàn phím”. Hay một cô bạn khác có nick-name “Thắm Tây” cũng từng phải khốn đốn vì trở thành mục tiêu chế giễu của nhiều bạn trẻ, lý do chỉ bởi vì cô có gương mặt không được xinh xắn cho lắm. Sau bốn năm bị trêu chọc, cô bạn “Thắm Tây” (tên thật là Ngọc Anh) đã phải đăng một lá thư bày tỏ sự buồn bã, thất vọng kể lại những năm tháng tuổi học trò của mình đã bị đánh cắp bởi những trò đùa ác ý của cư dân mạng. 
Kém may mắn hơn “hot-girl Big C” và cô bạn “Thắm Tây”, một cô gái sinh năm 1995 ở Thạch Thất (Hà Nội) đã tự kết liễu cuộc đời vì quá uất ức sau khi bị bạn học cùng lớp chụp ảnh chân dung rồi ghép vào ảnh một cô gái xinh đẹp mặc áo cổ rộng và đưa lên facebook. Ở trời Tây, người ta cũng đang đau đầu vì những hệ quả xấu ảnh hưởng tới giới trẻ từ thế giới ảo này. Mới đây, cộng đồng mạng nước Ý đã phải xôn xao trước vụ việc một nữ sinh 14 tuổi nhảy lầu tự tử do bị bạn bè dùng lời lẽ lăng mạ và xúc phạm, sau đó đăng tải hình ảnh của cô bé lên mạng xã hội. Và còn rất nhiều những câu chuyện đáng buồn khác cho thấy rằng mạng xã hội đang dần “gặm nhấm” và “đục khoét” đời sống thực của giới trẻ. Mạng xã hội đã không chỉ dừng lại ở thế giới ảo, rõ ràng những ảnh hưởng của nó đã khiến cuộc sống thực của giới trẻ phải “dậy sóng” với đủ thứ hệ quả đau xót. Những trò đùa quá lố hay suy nghĩ méo mó tưởng chừng vô hại lại có thể để lại những vết thương vĩnh viễn không thể nào lành trong tinh thần của các bạn trẻ. 
Mạng xã hội đang ngày càng phổ biến và kèm theo đó là đủ thứ vấn đề phát sinh. Gọi là “ảo” nhưng đây cũng là một cộng đồng với thành phần đa dạng, phức tạp. Cũng như khi giao tiếp, sinh sống cùng nhiều người, ai cũng cần có những chừng mực nhất định trong việc thể hiện bản thân. Tuy nhiên, cách thể hiện như thế nào cho đúng vẫn là điều đáng để các bạn trẻ phải đầu tư suy ngẫm. Trong câu chuyện về bức ảnh chia sẻ trên trang facebook của Bill Gates, ngoài những mảng tối đáng buồn thì đâu đó vẫn còn le lói một chút hy vọng về ý thức và lòng tự trọng của người Việt trẻ. Bên cạnh những câu nói xấu xí, vẫn còn một số bạn trẻ có ý thức hơn đã nỗ lực “cứu vãn” hình ảnh giới trẻ Việt Nam trong mắt Bill Gates và bạn bè quốc tế. Người ta phần nào cảm thấy ấm lòng hơn khi bắt gặp những lời lẽ lễ độ như: “Cảm ơn ông vì sự quan tâm đến Việt Nam, đất nước chúng tôi mới chỉ đang phát triển vẫn còn nhiều khó khăn, bất cập. Mong rằng sẽ nhận được sự giúp đỡ của bạn bè thế giới, những người Việt Nam thân thiện luôn chào đón các bạn”. Dù chỉ là những hành động nhỏ, nhưng đây cũng được coi là nỗ lực đáng khen ngợi của những nhân tố đang muốn có thay đổi tích cực trong suy nghĩ và hành động của thế hệ trẻ Việt Nam. Còn những người Việt trẻ, hãy là những người dùng thông minh, đủ để tránh xa những cạm bẫy trên thế giới ảo, đủ để nhận ra rằng cuộc sống thực mới là thứ mà họ đáng phải trân trọng và bảo vệ. Đừng tự ghi tên mình vào danh sách người Việt trẻ xấu xí và trở thành con nghiện đáng thương hại của mạng xã hội và công nghệ!

Thu Hương
Bình luận
vtcnews.vn