Khi bóng đá đường phố “tuyệt chủng” ở Nam Phi, Brazil

Tổng hợpChủ Nhật, 06/06/2010 02:18:00 +07:00

World Cup lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Phi, quốc gia phát triển nhất châu Phi về kinh tế nhưng chỉ có đội tuyển quốc gia bóng đá thuộc loại trung bình.

World Cup 2010 lần đầu tiên được tổ chức tại Nam Phi, quốc gia phát triển nhất lục địa đen về kinh tế nhưng chỉ có đội tuyển quốc gia bóng đá thuộc loại khá ở châu Phi.


Giấc mơ Pele, giấc mơ Garrincha

Đến với World Cup lần này, Brazil (từng 5 lần vô địch thế giới) được xem là một trong những ứng cử viên sáng giá nhất. Bóng đá Brazil được biết đến với những chi tiết đã trở thành truyền thuyết nhưng tính ngẫu hứng, sự sáng tạo xuất phát từ nguyên nhân chính là rất nhiều danh thủ trong lịch sử bóng đá xứ sở samba trưởng thành từ bóng đá đường phố. Cũng như nhiều quốc gia khác, Nam Phi cũng có bóng đá đường phố nhưng về tính chất và trình độ, đẳng cấp khác xa bóng đá Brazil.

Bóng đá đường phố đang dần biến mất.

Bóng đá đường phố Brazil phổ biến từ khi người Brazil bắt đầu yêu bóng đá cuồng nhiệt vào đầu thế kỷ 20. Một quốc gia nghèo, thiếu cơ sở vật chất, diện tích rộng (so với mặt bằng dân số) thì dễ phát triển bóng đá đường phố. Vua bóng đá Pele từng nói ông thành danh là nhờ những kỹ năng đá phủi học được từ bóng đá đường phố. Vua lừa bóng qua mọi thời đại Garrincha cũng là ông vua của bóng đá đường phố.

Từ những ngôi sao kiệt xuất như Pele hay Garrincha, bóng đá đường phố trở thành niềm đam mê và hy vọng của rất nhiều thế hệ cầu thủ trẻ muốn thành công trong sự nghiệp bóng tròn.

Nam Phi muốn mà không được

Nam Phi là đất nước kỳ lạ nhất châu Phi, nơi mà sự phân biệt giàu nghèo lớn hơn bất kỳ quốc gia nào tại lục địa đen. Bóng đá Nam Phi không phát triển như ý muốn vì trở ngại từ chế độ Apartheid. Mãi đến năm 1996, Nam Phi mới tạo được tiếng vang khi giành cúp châu Phi. Từ đó, bóng đá mới phát triển nhanh sau hàng chục năm trì trệ.

Bóng đá đường phố tại Nam Phi. 

Phân biệt màu da luôn là vấn đề gây nhức nhối ở Nam Phi. Bóng đá là môn thể thao dành cho người da đen, tức những người nghèo. Những người giàu, tức người da trắng, đa phần thích bóng bầu dục. Muốn phát triển bóng đá, yếu tố tiên quyết là lòng đam mê và sự đầu tư về mặt tiền bạc, cơ sở vật chất. Chỉ một nhúm nhỏ người hy vọng thay đổi cả thế giới, tất nhiên bất khả thi!

Chế độ Apartheid sụp đổ cũng là lúc bóng đá Nam Phi mới có cơ hội và triển vọng cất cánh. Sự ra đời của CLB bóng đá Ajax Cape Town vào năm 1999 đánh dấu một bước tiến mới về bóng đá trẻ - bước tiếp theo của bóng đá đường phố - nhưng mức độ phát triển không như ý. Cũng dễ hiểu, vì ngay cả CLB “mẹ” là Ajax Amsterdam (Hà Lan) còn đang khốn đốn thì nói gì đến các đội bóng “sân sau” như Ajax Cape Town.

Bóng đá phản ánh xã hội

Bóng đá đường phố muốn phát triển không thể theo hướng manh mún, tự phát như xưa. Chỉ cần một bãi đất trống, một quả bóng làm bằng giẻ rách hoặc bất kỳ vật liệu gì miễn sao có hình cầu là được, thế là đã có bóng đá đường phố với những cầu thủ chơi theo cảm hứng không chịu bất kỳ sự ràng buộc vào từ đôi chân cho đến cái đầu. Ở Nam Phi có không ít khu ổ chuột, những con đường, những khu vực dơ dáy với những đứa trẻ da đen quần thảo với trái bóng từ sáng đến tối nhưng như thế không thể xem là thứ bóng đá đường phố sẽ góp phần vào sự phát triển của bóng đá Nam Phi trong tương lai.

Có đến Nam Phi, người ta mới chứng kiến bộ mặt của bóng đá Nam Phi. Chuẩn bị cho World Cup, chính phủ giải tỏa những khu ổ chuột, đẩy người nghèo đến trại tập trung ở tạm (có thể là ở luôn cũng không biết chừng). Chính phủ Nam Phi muốn trình diện một bộ mặt đẹp, sạch sẽ ở các con đường, thành phố tổ chức các trận đấu World Cup. Những đứa trẻ da đen có sức khỏe, có suy nghĩ sẽ không lêu lổng như chúng bạn du thủ du thực. Thay vào đó, chúng sẽ cố gắng tranh thủ đi làm các công việc phục vụ World Cup kiếm tiền phụ giúp gia đình và bản thân.

Bóng đá không chắc là phương tiện đổi đời hiệu quả. Trong khi đó, học nghề hoặc học văn hóa là sự lựa chọn tốt hơn cho cuộc sống sau này. Đại đa số lứa trẻ Nam Phi hiểu họ cần lựa chọn như thế nào.

Brazil không còn bóng đá đường phố

Không tuyệt đối, nhưng gần như là thế. Điển hình bóng đá đường phố Brazil tạo nên những danh thủ cho Selecao đã là chuyện xưa lắm rồi. 4 thập kỷ qua, bóng đá đường phố tại Brazil đã được thay thế bằng thứ bóng đá cộng đồng được phát triển có định hướng và rất hiệu quả. Một quan chức của LĐBĐ Việt Nam từng sang Brazil thăm CLB Flamengo đã chứng kiến bóng đá cộng đồng tại Brazil hoạt động như thế nào. Những sân bóng mini, các giải thi đấu vào cuối tuần hoặc vào buổi tối, hằng hà sa số sân bóng mọc lên được sự tài trợ và theo dõi sát sao của các đội bóng khắp Brazil cạnh tranh quyết liệt trong khâu tuyển chọn, phát hiện nhân tài trẻ.

Kaka không phải là sản phẩm bóng đá đường phố tại Brazil. 

Ngày nay, bóng đá đường phố được hiểu là những cầu thủ trẻ, cầu thủ nhí đến cọ xát, thi đấu, thư giãn tại các hoạt động bóng đá cộng đồng do các CLB chuyên nghiệp tổ chức. Đó là cách làm bóng đá đường bố mang tính chuyên nghiệp chứ không nghiệp dư như tại Nam Phi hoặc một số quốc gia châu Phi khác.

Brazil hàng năm xuất khẩu gần 1.000 cầu thủ nhưng nguồn lực cầu thủ nội vẫn dồi dào. Bóng đá là nghề có thể kiếm sống, không quá sung túc thì ít nhất cũng đủ ăn, đủ mặc. Các trường đào tạo trẻ của các CLB khắp đất nước Brazil đủ sức chứa tất cả những tài năng bóng đá thật sự có tài. Không có tiền vẫn có thể đến với bóng đá cộng đồng. CLB Sao Paulo chẳng hạn, hơn 3 thập kỷ qua, Marcelo Figueiredo Portugal Gouvea đã phát hiện không ít nhân tài. Edmilson, Luis Fabiano, Julio Baptista và nhất là Kaka     xuất thân từ bóng đá trẻ Sao Paulo. Thông qua bóng đá cộng đồng, Kaka tự tìm đến Sao Paulo thay vì ngược lại. Goueva không gọi đó là bóng đá đường phố vì sân bóng không còn là bãi đất trống mà có đủ 2 cầu môn, giới hạn biên thậm chí trọng tài.

Bóng đá Brazil chuyên nghiệp từ lứa tuổi nhi đồng, thảo nào đây vẫn là nền bóng đá số 1 thế giới về thành tích cũng như các tài năng xuất chúng.


Theo Thể thao 24h

Bình luận
vtcnews.vn