Khỉ bị giết dã man là loài có nguy cơ tuyệt chủng

Thời sựThứ Tư, 18/07/2012 01:10:00 +07:00

(VTC News)- Loài khỉ bị Quang giết rồi khoe trên Facebook chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam với số lượng khoảng 200 cá thể.

(VTC News) - 2 con khỉ bị giết được lan truyền trên facebook mới được biết đến khoảng đầu thế kỷ 20, tính đến nay, loài này chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam với số lượng khoảng 200 cá thể.

Trao đổi với VTC News, ông Vương Tiến Mạnh, chuyên gia của Văn phòng CITES Việt Nam (một cơ quan có thẩm quyền thực thi Công ước CITES - Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp - tại nước ta) cho biết, loài linh trưởng trong những bức ảnh đó là chà vá (còn gọi là voọc ngũ sắc). Tên quốc tế của nó là Pygathrix.

Theo CITES kể từ ngày 10/7/2006, chà vá chỉ còn ba loài là: chà vá chân nâu (Pygathrix nemaeus), chà vá chân đen (Pygathrix nigripes) và chà vá chân xám (Pygathrix cinerea).

Chà vá chân xám rất có thể là loài bị Quang cùng đồng bọn giết hại dã man. (Ảnh Internet)

Ông Mạnh nêu rõ, các tên gọi dùng chung cho ba loài này là voọc vá, voọc chà vá, voọc linh, khỉ chú lính (cách gọi của người Tày), dộc (cách gọi của người Mường), elơva (cách gọi của người Ê Đê).

Cả ba loại chà vá nói chung có thân lông xám với vết lông trắng ở mông. Lông vai và tay màu đen. Lông trên đầu màu xám nhưng có một vành đen phía trên trán. Chúng có vành râu quai nón màu trắng trong khi phía cổ thì lông hơi ngả sang màu hung đỏ. Mắt chúng hơi xếch. Tay chà vá dài hơn chân. Đuôi dài, sắc lông trắng.

Theo ông Mạnh, chú khỉ bị giết hại nhiều khả năng là chà vá chân xám (người Quảng Nam còn gọi là “khổ mới”). Nó được giới khoa học biết đến từ khoảng đầu thế kỷ 20 và tính cho đến thời điểm này, chà vá chân xám chỉ còn tồn tại duy nhất ở Việt Nam với số lượng ước chừng dưới 200 cá thể.

Hành động của Quang cùng bạn bè đáng bị lên án. 

Chà vá chân xám thường sống theo đàn từ 10 cho đến 15 con. Hoạt động kiếm ăn giống như chà vá chân đen vào buổi sáng và buổi chiều ở trên cây. Thức ăn của chúng chủ yếu là chồi và lá.

Hiện ở Việt Nam, mới chỉ phát hiện chà vá chân xám ở ba tỉnh là Quảng Nam, Kon Tum và Bình Định. Đây là một loài hiếm, phân bố hẹp và có giá trị khoa học lớn.

"Đây là loài cần được bảo vệ bởi số lượng của chúng liên tục giảm kể từ năm 1995 do nạn phá rừng. Hiện Việt Nam đã ra lệnh nghiêm cấm chặt phá rừng nơi có chà vá chân xám sinh sống" - ông Vương Tiến Mạnh cho biết.

Trong khi đó, trả lời báo giới ông Trần Việt Hưng, Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên (ENV) khẳng định: Hai cá thể bị hại trong ảnh được xác định là loài Voọc chà vá. Loài Voọc này đã được sách đỏ Việt Nam xếp vào nhóm 1B tức là rất nguy cấp, có nguy cơ tuyệt chủng. Loài Voọc này được pháp luật bảo vệ, đối xử như hổ, gấu… Mọi hành vi giết hại, buôn bán đều bị pháp luật xử lý.

“Hành vi giết hại hành hạ con vật trong ảnh cực kì đáng lên án và không thể chấp nhận được”- ông Hưng nhấn mạnh.

Tùng Phong

Bình luận
vtcnews.vn