TS Lê Đăng Doanh: Doanh nghiệp dân tộc sẽ giúp nền kinh tế tăng trưởng bền vững

Khát vọng việt nam 2019Thứ Ba, 05/02/2019 17:16:00 +07:00

Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương - TS. Lê Đăng Doanh đánh giá, nền kinh tế Việt Nam những năm gần đây có bước tăng trưởng tích cực song không bền vững do trụ cột chưa phải là các doanh nghiệp dân tộc.

Công cuộc đổi mới từ 1986 với chủ trương “nhiều thành phần" đã giúp nền kinh tế Việt Nam thay da đổi thịt, chuyển dịch theo hướng hiện đại, dần hình thành đầy đủ các yếu tố thị trường, hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới. 

Tuy nhiên, nhìn từ phía doanh nghiệp, nền kinh tế Việt Nam hiện nay đang bộc lộ nhiều vấn đề. Nổi cộm là sự “lệch pha” giữa khối doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (27% GDP) và các doanh nghiệp tư nhân trong nước (12% GDP).

Trả lời VTC News, TS Lê Đăng Doanh đã phân tích về bức tranh kinh tế hoàn toàn không bình thường này.

C2 3

 

- Tại sao khu vực doanh nghiệp tư nhân trong nước chưa thể trở thành trụ cột của nền kinh tế, dù chúng ta đã có hơn 30 năm kinh tế thị trường phát triển rực rỡ, thưa ông?

Trước kia, người ta không muốn kinh tế tư nhân phát triển, sợ kinh tế tư nhân phát triển mạnh sẽ làm thay đổi định hướng nên chỉ để doanh nghiệp tư nhân phát triển ở mức độ nhất định và hạn chế tư nhân tham gia vào một số lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin.

 
Rủi ro ở đây là chúng ta có giá trị gia tăng rất thấp, ví dụ một cái điện thoại di động Samsung xuất khẩu thì giá trị gia tăng của Việt Nam trong cái điện thoại đó chỉ chiếm 18%.

TS. Lê Đăng Doanh

Những năm gần đây, việc cải cách thể chế có nhiều chuyển biến nhưng chậm, còn tồn tại nhiều rào cản như giấy phép con “hành” doanh nghiệp.

Thứ nữa là sự phiền hà của bộ máy quản lý, dẫn đến doanh nghiệp phải chi tiêu ngoài pháp luật, phải “bôi trơn”. Doanh nghiệp càng lớn thì thanh tra càng nhiều, càng trùng lặp. Càng báo cáo lãi nhiều thì sự phiền hà càng lớn. Môi trường kinh doanh không an toàn tiềm ẩn nhiều rủi ro pháp lý cũng khiến doanh nghiệp e ngại.

Ngoài ra, có tình trạng một số doanh nghiệp không muốn phải thực hiện theo Luật Doanh nghiệp, Luật Kế toán và phải chịu rất nhiều các loại thuế… nên đăng lý hoạt động dưới vỏ bọc kinh tế hộ gia đình, dù xuất khẩu hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Đây là xu hướng bất lợi đối với Việt Nam khi hội nhập bởi vì muốn hội nhập, xuất khẩu, cạnh tranh với nước ngoài phải có nhãn hiệu, có công nghệ, thương hiệu trên từng sản phẩm cụ thể. Đằng này anh chẳng có cái gì cả.

- Năng lực nội tại của doanh nghiệp dân doanh trong nước thế nào, thưa ông?

Khu vực này năng lực khoa học công nghệ còn hạn chế, thiếu hụt lao động có kỹ năng, lại quản trị chủ yếu theo kiểu gia đình, sức cạnh tranh không cao. Một số doanh nghiệp thành công nhờ dựa vào quan hệ không lành mạnh với giới hoạch định chính sách, khai thác lợi thế đất đai, tài nguyên. Cách làm này sẽ ảnh hưởng lâu dài đến sự phát triển bền vững của nền kinh tế.

Trong thời đại công nghệ mà doanh nghiệp không đầu tư vào khoa học, công nghệ thì sự tụt hậu đã hiển hiện, nguy cơ mất thị phần đã thấy rõ. Gần đây có Vingroup, đầu tư mạnh vào trường học, công nghệ, dữ liệu lớn…

- Nền kinh tế gần đây nổi lên nhiều doanh nghiệp tên tuổi song điểm chung là đa số đều xuất phát từ bất động sản, thưa ông?

Doanh nghiệp bao giờ cũng có tích luỹ ban đầu, mà ở Việt Nam bất động sản là dễ nhất. Tuy nhiên, trong thời đại kinh tế số hoá, một doanh nghiệp không đẩy mạnh công nghệ sẽ rất khó khăn để phát triển. Đây cũng là nguyên nhân chính khiến chúng ta đang phát triển dưới tiềm năng.

Trong khi đó, doanh nghiệp Nhà nước thay vì là quả đấm thép thì lại thành ông chủ nợ. Đấy là vấn đề lớn của chúng ta. Phải cải cách doanh nghiệp Nhà nước, để doanh nghiệp nhà nước phát huy năng lực của mình. Bởi doanh nghiệp Nhà nước hiện nay sử dụng lượng rất lớn tài nguyên, nguồn vốn.

C3 5

 

- Công nghệ là động lực cho phát triển bền vững nhưng theo ông thì tại sao doanh nghiệp Việt Nam ít đầu tư vào công nghệ?

Đầu tư vào công nghệ đòi hỏi vốn, thời gian dài và phải có các trung tâm nghiên cứu, nhân sự chất lượng cao… Nhưng họ không có. Trong khi đó, lợi nhuận bằng việc ăn chênh lệch giá đất lại quá hấp dẫn, dễ dàng hơn nên tội gì không làm. Giống như dòng điện, sẽ đi theo con đường nào có điện trở thấp nhấp. Doanh nghiệp cũng vậy, sẽ đi theo cung đường có lợi nhuận cao nhất.

- Với tâm thế như vậy, doanh nghiệp Việt sẽ làm được gì trong sân chơi lớn là các hiệp định thương mại?

Doanh nghiệp Việt sẽ đứng trước nhiều thách thức. Nhưng, người Việt Nam có đặc điểm mỗi khi có thách thức sẽ nhảy giãy lên. Nếu không có thách thức thì coi như bình thường, nhưng khi có sức ép sẽ tạo nên động lực tích cực.

- Chính phủ cần làm gì để nuôi dưỡng doanh nghiệp dân tộc, thưa ông?

Chính phủ phải cải cách môi trường kinh doanh để có động lực, niềm tin lâu dài cho nhà đầu tư. Doanh nghiệp Việt đang phải san sẻ nguồn lực cho những vấn đề vốn không nên tồn tại như phải đầu tư rất nhiều tiền bạc, công sức cho các nhóm lợi ích, ô dù, quan hệ thân hữu mà ít có động lực đầu tư cho khoa học công nghệ.

 
Chính ra nền kinh tế Việt Nam phải dựa vào các doanh nghiệp dân tộc, những doanh nghiệp tư nhân hoạt động theo Luật Doanh nghiệp.

TS. Lê Đăng Doanh

Chúng ta phải tạo điều kiện để các hộ gia đình vươn lên thành doanh nghiệp, chúng ta phải tạo điều kiện và phải tuyên dương những doanh nghiệp có đóng góp trở nên lớn mạnh.

Tất nhiên, muốn phát triển phải thay đổi. Bộ máy phải khác đi, còn thể chế cũ thì không thể phát triển được. Một thể chế đàng hoàng, thúc đẩy khoa học kỹ thuật thì doanh nghiệp sẽ phát triển. Giống như Hàn Quốc, trước kia cũng nghèo như mình, nhờ được thúc đẩy đã vươn lên.

Gần đây Chính phủ với tinh thần kiến tạo đã cắt giảm 50% điều kiện kinh doanh, cải thiện môi trường, xây dựng chính phủ điện tử… Tuy nhiên, nhiều doanh nghiệp nói với tôi rằng giờ nhiều thủ tục làm qua mạng giảm được nhiều khâu, bớt được nhiều thời gian nhưng khâu cuối cùng thế nào cũng phải gặp người nào đấy mới lấy được quyết định. Cho nên là phải phong bì, mà phong bì phải nặng hơn rất nhiều.

C1 3

 

- Cộng đồng doanh nghiệp thì sao, thưa ông?

Ở Việt Nam giờ có rất nhiều hiệp hội, đa số lãnh đạo trong số đó chưa làm doanh nghiệp bao giờ. Toàn là bộ trưởng, thứ trưởng, viện trưởng về hưu đứng ra làm. Hiệp hội, hội nhẽ ra phải bám sát doanh nghiệp, đứng lên đấu tranh, thúc đẩy cải cách giúp doanh nghiệp lớn lên thì làm câu chuyện không rõ ràng, kém năng động, không hiệu quả.

- Còn các doanh nhân, họ cần phải làm gì để xác lập vị trí của doanh nghiệp mình trong nền kinh tế, khẳng định tên tuổi bản thân và đóng góp cho sự phát triển của đất nước?

Họ phải có chiến lược dài hạn, tầm nhìn xa trông rộng, và dám đầu tư vào khoa học công nghệ. Hiện nay mới chỉ có một số ít doanh nghiệp tư nhân có vai vế, có mối quan hệ, có trình độ hiểu biết mới đầu tư khoa học công nghệ và có chiến lược dài hạn.

Tôi thấy đáng tiếc là hiện nay đã hình thành thế hệ doanh nhân trẻ, thông minh, năng động nhưng rất thực dụng.

- Xin cảm ơn ông!

Hoàng Hưng
Bình luận
vtcnews.vn