Khát vọng đem công​ ​nghiệp tri thức​ phát triển đặc khu kinh tế Vân Đồn

Khoa học - Công nghệThứ Ba, 07/11/2017 08:00:00 +07:00

Trong ba dự án Đặc khu kinh tế đang được nhà nước thực hiện, Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, đặc khu Vân Đồn có rất nhiều lợi thế địa phương cộng với học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hứa hẹn sẽ là một mô hình đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Sự cần thiết của Công nghiệp tri thức (CNTT) trong các Đặc khu Kinh tế (ĐKKT)

Mô hình ĐKKT hành chính, khởi đầu từ những năm 1980 với ĐK Thâm Quyến, ngày nay đã được nhân rộng ra nhiều quốc gia trên thế giới như  Ấn độ, Mexico, Hàn Quốc, Châu Phi... Xây dựng đặc khu kinh tế tại Việt Nam hiện nay là một giải pháp tốt cho nền kinh tế, nhất là khi các khu công nghiệp bắt đầu thể hiện những hạn chế.

Trong ba dự án ĐKKT đang được nhà nước thực hiện, Vân Đồn, Bắc Vân Phong và Phú Quốc, đặc khu Vân Đồn có rất nhiều lợi thế địa phương cộng với học hỏi kinh nghiệm quốc tế, hứa hẹn sẽ là một mô hình đầy tiềm năng tại Việt Nam.

Từ mô hình đầu tiên vào năm 1980 đến nay, ngành công nghiệp thế giới đã có rất nhiều sự thay đổi, dẫn đến sự thay đổi của các mô hình ĐKKT. Hiện nay ngành Công nghệ thông tin trên thế giới đang có sự chuyển mình quan trọng với sự vươn lên của Trí tuệ nhân tạo, sử dụng Vạn vật kết nối (IoT), khai thác Dữ liệu lớn (Big Data) và Điện toán đám mây (Cloud).

images879479_Phoi_canh_tong_the

Tổng thể dự án đặc khu kinh tế Vân Đồn. 

Đây là ngành công nghệ có giá trị thặng dư lớn, được ứng dụng trong nhiều lĩnh vực. Công nghệ thông tin cùng với các công nghệ khác như công nghệ In 3D, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp Robots ... đang tạo thành một cuộc cách mạng lần thứ 4 cho ngành công nghiệp thế giới : Công nghiệp tri thức.

Do đó việc xây dựng, sử dụng và phát triển ngành CNTT trong Vân Đồn là điều kiện quyết định sự thành công. Có rất nhiều hệ thống CNTT có tiềm năng phát triển cho ĐKKT Vân Đồn:

Dịch vụ Công: Các giải pháp CNTT phát triển Chính phủ điện tử, quản trị thành phố; Các hệ thống trí tuệ nhân tạo Smart city quản lý giao thông, phương tiện, an ninh, năng lượng, nước…

Dịch vụ Hỗ trợ: các giải pháp CNTT hỗ trợ các ngành kinh tế khác của ĐKKT: hỗ trợ sản xuất, kinh doanh, du lịch, kết nối người tiêu dùng và nhà cung cấp dịch vụ… và rất nhiều ứng dụng trong các lĩnh vực khác nữa như chăm sóc sức khỏe, logistics, vận tải, hàng không, vũ trụ…Sử dụng các hệ thống CNTT trong quản lý ĐK và hỗ trợ các ngành công nghiệp khác

Trong giai đoạn đầu tiên, Vân Đồn cần phát triển các dịch vụ công vừa nhằm giải quyết bài toán xây dựng cơ bản, vừa tạo lập một hệ thống hành chính công tối ưu có thể chịu được áp lực lớn của sự phát triển nhanh chóng ở Vân Đồn, với những chi phí lâu dài thấp nhất và dịch vụ tốt nhất. Với lợi thế đi sau, chúng ta hoàn toàn có thể tận dụng các tài nguyên có sẵn giúp giảm chi phí và thời gian thực hiện.

Hệ thống chính phủ điện tử trong Đặc khu hành chính sẽ giúp minh bạch hóa thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, giảm chi phí công. Lợi ích lớn hơn là tăng sự tin tưởng của người dân và doanh nghiệp vào bộ máy hành chính, chính quyền.

Hệ thống trí tuệ nhân tạo phân tích hình ảnh âm thanh kết hợp với IoTs sẽ tăng cường an toàn, giảm tội phạm, tăng cường kiểm soát về người và vật, hỗ trợ xử lý các tai nạn, sự cố như cháy nổ v.v..

Trên thế giới, sự thành công của chính phủ điện tử đã được thừa nhận rộng rãi từ lâu. Các hệ thống trí tuệ nhân tạo, hệ chuyên gia, các công nghệ Smart City đang phát triển hàng ngày với những quốc gia tiên phong như Mỹ, Nhật, TQ, Châu Âu và các thành phố thông minh trên khắp thế giới , có thể kể đến:

- Thành phố Redwood City, Calif. với hệ thống bãi đỗ xe thông minh và hệ thông quản lý nước tự động

- Thành phố Amsterdam đang thử nghiêm với hệ thống tiết kiệm năng lương các tòa nhà, hệ thống quản lý đèn đường tự động

- Thành phố Madrid hợp tác với IBM để thực hiện các giải pháp tự động cho các vấn đề xã hội...

Đồng thời, các dịch vụ hỗ trợ cũng cần được phát triển tùy theo nhu cầu của các ngành kinh tế khác, nhất là ngành du lịch, nhằm thúc đẩy các ngành kinh tế này phát triển mạnh mẽ, bài bản và đồng bộ hơn. Các dịch vụ hỗ trợ cũng góp phần vào việc quảng bá Vân Đồn không chỉ đến người dân Việt nam mà còn ra thế giới, giúp thay đổi hình ảnh của Vân Đồn-Việt nam.

Với kế hoạch 5 năm, chúng ta hoàn toàn có thể hoàn thành hạ tầng CNTT, xây dựng một nền hành chính công và dịch vụ điện tử cho Vân Đồn, hỗ trợ các ngành kinh tế phát triển, biến Vân Đồn thành một thành phố thông minh.

Video: Hiệp sĩ tý hon mơ trở thành siêu nhân công nghệ thông tin 

Từng bước đưa CNTT thành nền kinh tế mũi nhọn

CNTT đã, đang và vẫn sẽ là một ngành kinh tế mạnh, mang lại giá trị thặng dư lớn, đồng thời cũng là một ngành kinh tế xanh, sạch và bền vững giúp bảo tồn được môi trường và tài nguyên của Vân Đồn.

Trong thế giới phát triển theo công nghệ hiện đại, hơn một nửa dân số thế giới sống trong thành phố-đô thị, mỗi tuần có thêm 1,5 triệu cư dân thành thị. Theo ước tính của PwC, trong 10 năm tới, thế giới sẽ đầu tư 78.000 tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng và 85% GDP trên thế giới được tạo ra từ các thành phố-đô thị.  

Hiện tại có khoảng 200 thành phố được coi là đô thị thông minh, trên tổng số 5000 thành phố tiềm năng (vừa và lớn, với trên 150.000 dân). Đó là một thị trường rất lớn ứng dụng CNTT trong quản lý, giao thông, năng lượng, điều tiết, tương tác… (PwC – Megatrends & Rapid Urbanisation & Smart Cities growing new markets Report- Michael Sullivan (2017)).

Đối với Vân Đồn, sau thời kỳ đầu phát triển Dịch vụ công và Dịch vụ hỗ trợ, sẽ tích lũy được các kinh nghiệm nhất định về CNTT, và trở thành một ĐKKT ứng dụng nhiều CNTT. Vân Đồn có thể thu hút được các chuyên gia tài năng, sự đầu tư và hợp tác của các công ty công nghệ hàng đầu trên thế giới, song song đó là sự phát triển mạnh mẽ của các công ty công nghệ địa phương.

Với yếu tố nhân lực được cải thiện, văn hóa công nghệ được hình thành, cùng với các chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực, chúng ta có thể bước vào giai đoạn kế tiếp (2024-2030): phát triển CNTT thành một ngành kinh tế mũi nhọn cho Vân Đồn phục vụ khách hàng trong cả nước cũng như trên thế giới.  

Hình ảnh Vân Đồn là một Smart City đầu tiên của Việt Nam sẽ được tạo dựng, từ một Vân Đồn với nền kinh tế chính là khai thác tài nguyên (than, khoáng sản, ngư nghiệp) sẽ trở thành  một Vân Đồn thông minh, xanh, sạch và bền vững.

Phát triển CNTT thành một ngành kinh tế mũi nhọn: bao gồm các thành phần như:

1) Gia công phần mềm, sản xuất linh kiện.

2) Nghiên cứu và phát triển sản phẩm công nghệ AI+BigData+IoTs thông qua các start-ups, vườn ươm công nghệ.

3) Ứng dụng công nghiệp 4.0.

4) Nghiên cứu và phát triển R&D và cao hơn nữa là Nghiên cứu và Sáng tạo R&I thông qua các trung tâm nghiên cứu và các công ty công nghệ.

Để thực hiện được điều này, sự ủng hộ của Chính phủ là không thể thiếu. Với các chính sách hỗ trợ, tạo điều kiện cho các công ty Công nghệ lớn đến đầu tư; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao kết hợp với đào tạo tại chỗ; đơn giản hóa thủ tục visa cho các cá nhân đến học tập và làm việc trong các lĩnh vực liên quan; kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường và doanh nghiệp, Vân Đồn sẽ nhanh chóng đáp ứng được nguồn lực, phát triển mạnh trong giai đoạn 2 và 3, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách.

Đặc khu kinh tế Vân Đồn hứa hẹn sẽ là một trung tâm kinh tế đầy tiềm năng của VN trong tương lai. Chúng ta hoàn toàn có lý do để tin tưởng rằng với những chính sách đầu tư hợp lý đúng đắn, Vân Đồn sẽ sớm trở thành một “Hub" công nghệ trong khu vực và trong một tương lai không xa có thể cạnh tranh trên toàn thế giới ra thế giới.

T.S.Nguyễn Như Văn
Bình luận
vtcnews.vn