Khan nguồn cung, giá hàng xách tay Nhật tăng vọt

Kinh tếThứ Năm, 24/03/2011 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Nguồn cung cấp hàng xách tay bên Nhật bị gián đoạn khiến giá cả nhiều mặt hàng kĩ thuật số tăng nhẹ.

(VTC News) – Theo nhiều người kinh doanh hàng điện tử xách tay thì do thì nguồn cung từ Nhật  bị gián đoạn sau trận động đất vừa diễn ra, khiến giá cả các mặt hàng xách tay nhập Nhật tăng nhẹ từ 5 – 15 USD/sản phẩm.

Hai mặt hàng công nghệ được ưa chuộng là điện thoại, máy nghe nhạc và máy ảnh từ Nhật. Trong đó dòng điện thoại chủ yếu là hàng của Docomo, Sharp, Toshiba và máy ảnh thường của Canon, Nikon, Sony và Olympus.

Một tháng, Thắng (Định Công) có thể kiếm được cả chục triệu đồng nhờ kinh doanh điện thoại nội địa Nhật. Nhưng do trong hai năm gần đây smartphone lên ngôi, những chiếc Docomo, Sharp có giá từ 3 triệu đồng trở lên nhưng không thể dùng được 3G ở Việt Nam dần bị loại bỏ.

Theo Thắng, điện thoại xách tay từ Nhật trong nước thường là hàng cũ mua lại hoặc hàng của du học sinh (đến ngày về nước đăng kí dùng dịch vụ để lấy không máy) nhưng số này không nhiều, còn lại là hàng ăn cắp (Manbiki), còn máy ảnh thì có đồ outlet (hàng tồn), máy ảnh cũ và máy ảnh Manbiki.

Một chiếc EOS 400D hàng "cắt quai" được chủ nhân giới thiệu là mua với giá rẻ hơn hàng hãng 80 USD

“Máy ảnh mới trong các cửa hàng của Nhật thật ra không hề rẻ, thậm chí có thể đắt hơn ở Việt Nam nhưng dân buôn máy ở Việt Nam vẫn có nhiều cách để mua được nguồn hàng giá rẻ”, Thắng khẳng định.

Một chiếc máy ảnh 7D chính hãng Canon do Bảo Minh phân phối có giá 35 triệu đồng, trong khi cũng chiếc  máy ảnh tương đương hàng xách tay chỉ có giá khoảng 30 triệu đồng, vì có giá chênh lệnh như vậy nên dân chơi máy ảnh ở Việt Nam rất ít người chịu bỏ tiền mua hàng chính hãng, mặc dù hàng hãng bao giờ cũng an tâm hơn về chế độ bảo hành cũng như chất lượng của máy.

“Dân Việt Nam khả năng tài chính thấp trong khi máy ảnh cũng là đồ hay mất giá nên người dùng vẫn thích tâm lý mua đồ giá rẻ”, Phùng Thái (Lê Thanh Nghị) giải thích lý do mà mình dùng chiếc Canon 40D hàng ngoài thay vì hàng hãng.

Chiếc Len EFS 17 - 85 có xuất xứ Nhật, không có tem của Lê Bảo Minh (công ty phân phối Canon chính hãng tại Việt Nam)

Máy ảnh có nhiều đặc điểm mà dân công nghệ có thể dễ kiểm tra hơn so với các loại đồ khác. Nếu
laptop là hàng tồn, hàng trưng bày sẽ rất nguy hiểm vì timelife (thời gian sử dụng) ngắn hơn máy mới rất nhiều, do phải bật liên tục để cho khách dùng thử, trong khi thời hạn sử dụng của phần cứng máy ảnh tồn kho không ảnh hưởng đáng kể.

Hiện không hiếm những cửa hàng máy ảnh tại Hàng Bài, Tràng Thi chuyên bán hàng xách tay, họ cũng có thể cung cấp VAT cho người  mua (chênh lệch thêm 10%) so với không có VAT.

Vài ngày sau khi Nhật xảy ra động đất, sóng thần và rò rỉ phóng xạ, giá các loại sữa, mỹ phẩm được nhập trước ngày 11/3 (ngày xảy ra động đất) ngoài thị trường tăng vọt do người dân lo lắng về nguy cơ khan hàng nên đã vội vã mua gom.

Tuy nhiên, đồ công nghệ lại không thể mua gom do giá cả đắt đỏ, hơn nữa một người không dùng hai sản phẩm công nghệ giống hệt nhau, nhưng giá các loại máy ảnh và ống kính cũng tăng nhẹ do nguồn hàng từ Nhật về bất ổn hơn.

“Cách đây hai tuần, giá của chiếc Canon 50D hàng lướt (chụp khoảng 4.000 shots) chỉ khoảng 835 USD, nhưng hiện tại giá này đã được đẩy lên 850 USD, do hiện giờ hàng khá hiếm”. Máy ảnh DSLR và Lens giá tăng khoảng 20 USD/chiếc (khoảng 330.000 đồng) so với trước động đất, dòng máy ảnh P&S cấp thấp hơn cũng tăng giá nhẹ từ 5 – 10 USD/chiếc.

Giá từ nguồn cung tăng nên giá hàng xách tay cũng tăng chứ thật ra người kinh doanh nhỏ như bọn mình không muốn lên giá, vì như thế sẽ đẩy giá tiến sát gần giá của hàng chính hãng nên sẽ khó bán hơn", Minh Tuấn (kinh doanh đồ công nghệ) cho biết. Hàng của Tuấn được nhập chủ yếu từ Tokyo và các vùng lân cận, mặc dù những vùng này chỉ bị ảnh hưởng bởi động đất nhưng cuộc sống ở đây cũng bị xáo trộn nhẹ.

Thông thường, một chủ hàng tại Việt Nam phải gom đủ hàng mới nhập về Việt Nam để tiết kiệm chi phí vận chuyển nên thường phải đợi đủ số lượng hàng và lấy từ nhiều nguồn hàng khác nhau. Chỉ cần một khâu bị “gãy” thì sẽ phải đợi hàng lâu hơn, hoặc vẫn chuyển hàng về nhưng chi phí cao hơn, đấy cũng là nguyên nhân khiến giá hàng xách tay tăng.

Theo Tuấn, động đất cũng làm cho việc kinh doanh của mình bị ảnh hưởng và đó một sự cố không lường trước được. Khi mới bắt đầu vào việc buôn bán hàng nhập từ Nhật, Tuấn cũng đã từng bị lỗ nặng khi nhập máy quay chuyên nghiệp về, bởi truyền hình về Việt Nam dùng hệ Pal, trong khi máy quay của Nhật dùng hệ NTSC nên khi nhập về không ai mua.

Hiện giới kinh doanh đồ công nghệ ở Việt Nam chủ yếu nhập đồ cũ, nhưng hiện nguồn hàng này cũng không thực sự dồi dào nên giá hàng xách tay cũng đang ngày càng trở nên tiến gần với hàng chính hãng.

Bài, ảnh:Cao Cường


Bình luận
vtcnews.vn