Kinh dị phong tục nuôi dưỡng 'hài nhi' đã chết

Khám pháThứ Sáu, 01/01/2016 12:22:00 +07:00

Một bộ lạc châu Phi đã "nuôi nấng" những hình nhân của các đứa bé đã chết và xem chúng như người đang còn sống.

Một bộ lạc châu Phi đã "nuôi nấng" những hình nhân của các đứa bé đã chết và xem chúng như người đang còn sống.


Thế giới quanh ta luôn chứa đầy ắp những chuyện bất ngờ. Trong số đó là chuyện người sống "nuôi" những hình nộm bằng cách cho ăn, cho mặc, và xem những hình nhân này cứ như thể là người đang sống. Vì sao họ lại làm như thế? Mời bạn đọc cùng khám phá bài viết bên dưới của một bộ lạc sống ở Benin, Tây Phi.

Chuyện khó tin nhưng có thật hoàn toàn! Một bộ lạc châu Phi đã "nuôi nấng" những hình nhân của các đứa bé đã chết và xem chúng như người đang còn sống: cho các búp bê hình nhân này ăn uống, cũng đặt chúng lên giường đi ngủ và kỳ lạ hơn khi họ còn gửi "lũ trẻ" đến trường.

Chúng ta đang nói đến bộ lạc Fon sinh sống tại nước Cộng hòa Benin thuộc Tây Phi, nước này có tỷ lệ tử vong khá cao đối với các ca sinh sản, vì lẽ đó mà chuyện sinh nhiều con không phải là chuyện quá hiếm gặp, cứ 20 bà mẹ mang thai thì chí ít sẽ có một người đẻ ra một cặp song sinh.
Các Hohovi đang chuẩn bị bữa ăn trưa.
Các Hohovi đang chuẩn bị bữa ăn trưa. 

Tuy nhiên, nhiều trẻ sơ sinh đã vắn số bởi những căn bệnh thời thơ ấu, mà nguyên nhân chính là căn bệnh sốt rét, nhưng bù lại các cặp song sinh lại được đánh giá rất cao trong xã hội người Benin, khi mà nếu lỡ có 1 hoặc cả 2 đứa trẻ chẳng may qua đời, thì người bộ lạc Fon sẽ tạo ra những bức tượng nhỏ mà họ âu yếm gọi chúng là "Hohovi" như một cách bày tỏ tình thương vô bờ bến với người đã khuất núi.

Người bộ lạc Fon tin rằng, linh hồn của những đứa trẻ yểu mạng đã ngụ cư bên trong những con búp bê bằng gỗ, vì thế các nghệ nhân đã cố gắng điêu khắc tỉ mỉ nên những con hình nộm, và chúng được đối xử y chang như những đứa trẻ đang sống, người ta cho những hình nhân này thức ăn - là những món mà sinh thời đứa trẻ thích hoặc đã ăn; họ còn cẩn thận tắm rửa cho các hình nhân; hay mang hình nhân bên người rồi mang tới trường như thể dẫn đứa trẻ đi học, kỳ thú hơn là đặt hình nhân lên giường để ngủ chung với cha mẹ chúng.

Người bộ lạc quan niệm là nếu cha mẹ đang sống mà có hành vi ngược đãi con cái đã chết của họ thì họ sẽ chuốc lấy xui xẻo vào người; ngược lại nếu chăm sóc chu đáo thì sẽ nhận lấy nhiều niềm vui và may mắn cho gia đình. Trong loạt ảnh độc đáo của mình, nhiếp ảnh gia người Pháp-Eric Lafforgue, đã lột tả lại tỉ mỉ về cuộc sống sinh động của bộ lạc Fon.
Bà mẹ khốn khổ Hounyoga mang những bức tượng gỗ trên ngực như một cách biểu thị tình thương con vô bờ bến cho cặp song sinh, con bà.
Bà mẹ khốn khổ Hounyoga mang những bức tượng gỗ trên ngực như một cách biểu thị tình thương con vô bờ bến cho cặp song sinh, con bà. 

Ông Eric Lafforgue hóm hỉnh kể: "Ba tháng sau khi người mẹ sinh hạ cặp song sinh, nếu những đứa trẻ vẫn sống khỏe, cha mẹ chúng sẽ đi thu thập những món quà tặng từ những thành viên khác trong cộng đồng để làm đồ chơi cho các con. Song nếu chẳng may, một hoặc cả 2 đứa trẻ chẳng may chết yểu, thì khi đó người mẹ sẽ đem những bức tượng gỗ quanh ngực và đi vòng quanh cùng với một chiếc khay đặt trên đầu bà, với ngụ ý bà sẽ nhận bố thí cho cặp song sinh. Tất cả vật hiến tặng có thể là tiền bạc hoặc thức ăn".

Ở Bopa (Nam Benin), nhiếp ảnh gia Eric Lafforgue tình cờ gặp ông chồng Dah Tofa và bà xã Hounyoga, họ có 9 đứa con bao gồm một cặp sinh đôi đã qua đời không lâu. Ông Eric bùi ngùi kể lại: "Bà Hounyoga bước vào nhà và quay ra với 2 bức tượng được vận y phục sặc sỡ. Bà ấy giới thiệu với tôi đây là 2 đứa con đã quá cố của mình: con trai Zinsou và con gái Zinhoue".

Video hủ tục hiến tế trẻ em ở Uganda


Ông Eric tiếp tục kể: "Hounyoga nói chuyện với hai cái hình nộm cứ như thể đấy là những đứa bé đang còn sống không bằng. Bà ấy nhẹ đặt "các con" xuống những cái ghế bằng sắt bé xíu quanh chiếc bàn nơi chúng tôi hiện diện. Đó là khoảng giờ trưa, Hounyoga nói rằng đây là giờ ăn trưa của lũ trẻ.

Thấy mặt tôi đầy vẻ hoài nghi, Hounyoga ôn tồn phân bua: "Ngày nào chúng tôi cũng phải cho các Hohovi ăn uống đầy đủ. Nếu không ăn, chúng cũng sẽ đói như chúng tôi". Bà ấy lấy ra một cái đĩa lớn đựng món đậu hầm dầu cọ. Đi kèm với món ăn chính là một chai nước và đồ uống có carbonate. Hounyoga giải thích rằng cặp song sinh con bà khoái hai thứ đồ uống Fanta và Coca-Cola.
Mỗi tuần, những đứa trẻ lại được mang ra sông tắm một lần.
Mỗi tuần, "những đứa trẻ" lại được mang ra sông tắm một lần. 

Bà mẹ tiếp tục kể: "Khi màn đêm buông xuống, chúng tôi cởi hết quần áo của hai bức tượng và đặt "các con" lên giường". Khi nói đến đây, cử chỉ của bà Hounyoga trở nên chậm rãi, thận trọng và đầy vẻ dịu dàng như mẹ hiền.

"Cách sắp xếp chỗ ngủ của "hai đứa trẻ" cũng rất kỳ lạ, cho thấy tình thương của đôi vợ chồng với những đứa con đã quá cố của họ là hết sức phi thường. Ông Eric vẫn còn ngạc nhiên, trợn mắt kể: "Chiếc giường của "hai đứa trẻ" được bện bằng rơm và được phủ một tấm vải trắng thật sạch sẽ. Trái ngược với chiếc giường của "con", giường của hai vợ chồng Dah Tofa với tấm trải khá cáu bẩn, họ mắc mùng để ngủ. Trong văn hóa của người Fon, những gì tốt nhất sẽ được cha mẹ dành cho các con sinh đôi.

Ngày hôm sau, bà Hounyoga mời tôi quan sát nghi lễ buổi sáng của gia đình họ. Đó là khung cảnh khá lạ khi bà Hounyoga nhẹ nhàng tắm rửa cho "các con", cử chỉ âu yếm cứ như đối xử với trẻ con đang sống vậy. Vẻ mặt của một số Hohovi thể hiện sự được âu yếm, chăm sóc quá mức, có khi khuôn mặt các bức tượng bị mờ đi hoặc biến mất hoàn toàn vốn là hệ quả của việc được tắm rửa thường xuyên".

Nhiếp ảnh gia Eric chậm rãi kể: "Mỗi tuần, bà Hounyoga lại mang "các con" đến tắm ở hồ Aheme. Nghi thức tắm rửa này không chỉ nhằm làm sạch cơ thể "trẻ" mà còn nhằm tống khứ hồn ma quỷ dữ. Bà Hounyoga cọ rửa cơ thể "các con" bằng xà bông và một chiếc lá rau. Rồi bà hong khô các bức tượng, xịt một chút nước hoa lên các con hình nhân trước khi mặc quần áo trở lại. Nếu các "nữ chúa gia đình" không có thời gian để chăm sóc "con cái" thì khi đó vị Tù trưởng bộ lạc phải cáng đáng thay. Nếu cả cha mẹ đều bận rộn, thì khi đó họ phải mang các bức tượng đến nhà trẻ của cộng đồng.

Trước khi bước vào không gian linh thiêng của nhà trẻ, tôi phải tháo giầy. Hàng tá bức tượng được mặc quần áo sặc sỡ đặt xung quanh nơi đây. Chính sự hiện diện đông đúc của các Hohovi chính là bằng chứng cho thấy tỷ lệ tử vong trẻ sơ sinh cao. Cả gia đình phải chăm sóc chu đáo các cặp song sinh và công việc còn bận bịu hơn nếu những đứa trẻ sống khỏe mạnh. Chưa từng có ví dụ nào về việc người bộ lạc Fon sử dụng các Hohovi này làm đồ chơi, mặc dù chúng nhìn không khác đồ chơi là mấy".


Nguồn: Nguyễn Thanh Hải (CAND)
Bình luận
vtcnews.vn