Khám phá vẻ đẹp của trường Học viện Cảnh sát Nhân dân

Giáo dụcThứ Năm, 17/09/2015 06:56:00 +07:00

Học viện Cảnh sát nhân dân là ngôi trường có những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử và giáo dục văn hóa truyền thống.

(VTC News) - Học viện Cảnh sát nhân dân là ngôi trường đặc biệt với những công trình mang đậm dấu ấn lịch sử và giáo dục truyền thống văn hóa.

Trong những năm vừa qua, Đảng ủy, Ban Giám đốc Học viện Cảnh sát Nhân dân luôn quan tâm đến công tác giáo dục lịch sử, văn hóa truyền thống, coi đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm.
Học viện Cảnh sát Nhân dân luôn đầu tư, xây dựng và hoàn thành nhiều công trình văn hóa, phục vụ công tác giáo dục truyền thống cho cán bộ, giảng viên và học viên nhà trường.
Từ cổng chính vào là Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng nhân kỷ niệm 40 năm ngày thành lập Học viện và hưởng ứng cuộc vận động “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh - Công an nhân dân vì nước quên thân, vì dân phục vụ”. Năm 2008, Học viện Cảnh sát Nhân dân đã báo cáo và xin phép Bộ Công an xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Học viện. Công trình là nơi cán bộ, giảng viên và học viên Học viện Cảnh sát Nhân dân thường xuyên tổ chức lễ dâng hương, dâng hoa trong các ngày lễ kỷ niệm, sự kiện trọng đại của đất nước
Thư viện Nghiệp vụ Học viện Cảnh sát gồm 12 tầng với các trang thiết bị hiện đại nhằm cung cấp, cập nhật hệ thống tri thức khoa học đầy đủ, phục vụ công tác giảng dạy và nghiên cứu. Thư viện đã khánh thành giai đoạn I vào đúng dịp kỷ niệm 45 năm ngày truyền thống của Học viện và khai giảng năm học 2013-2014.
 Tượng thầy Lê Quân - Hiệu trưởng đầu tiên của trường Cảnh sát Nhân dân được đặt trang trọng ở tiền sảnh tầng 1 Thư viện Nghiệp vụ Cảnh sát.
Tại tầng 1, Thư viện Nghiệp vụ đang trưng bày các tác phẩm điêu khắc tiêu biểu từ chất liệu gốc, rễ cây do Thiếu tướng, Nhạc sỹ, Nhà điêu khắc Trần Gia Cường (Cục trưởng Cục Hợp tác Quốc tế, Bộ Công an) sáng tác trong suốt 40 năm quân ngũ.
Khu Văn Miếu Học viện Cảnh sát Nhân dân được xây dựng vào năm 2012 mô phỏng theo mô hình Văn Miếu Quốc Tử Giám Hà Nội. Công trình Văn Miếu nhằm góp phần giáo dục truyền thống hiếu học, tôn sư trọng đạo của các thế hệ cha ông cho các sỹ quan Cảnh sát tương lai của nước nhà trong thời kỳ hội nhập quốc tế. Đồng thời thúc đẩy toàn thể cán bộ, giảng viên, học viên không ngừng phấn đấu thi đua học tập, rèn luyện, nghiên cứu khoa học để góp phần nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo của nhà trường.Tại Khu Văn Miếu, Học viện thường tổ chức các sự kiện giáo dục quan trọng của nhà trường như: Trao bằng Tiến sĩ, trao danh hiệu Giáo sư, Phó Giáo sư. Đây cũng là nơi để lớp lớp các thế hệ cán bộ, giảng viên và học viên Học viện CSND dâng hoa, dâng hương thể hiện lòng thành kính đối với người thầy giáo mẫu mực Chu Văn An.
Mô hình máy bay thật được đặt gần khu vực Văn Miếu
 Nằm bên cạnh Khu Văn Miếu là công trình Nhà trưng bày trang phục truyền thống các dân tộc Việt Nam, được khởi công xây dựng từ cuối năm 2012 trên nền diện tích 127m2. Nhà trưng bày trang phục các dân tộc Việt Nam là không gian văn hóa, nơi lưu giữ trang phục truyền thống và hiện vật của các dân tộc, thể hiện nét văn hóa, tính đa dạng phong phú trong nền văn hóa đa sắc tộc của dân tộc Việt Nam.
Nhà trưng bày trang phục các dân tộc Việt Nam là không gian văn hóa, nơi lưu giữ trang phục truyền thống và hiện vật của các dân tộc Việt Nam.
Khu chủ quyền lãnh thổ quốc gia: Xây dựng và bảo vệ quyền chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia là nội dung quan trọng của sự nghiệp xây dựng, bảo vệ Tổ quốc.  Năm 2011, Học viện đã xây dựng Khu chủ quyền quốc gia thu nhỏ với các mô hình: Dải đất Việt Nam hình chữ S, mô hình Bia chủ quyền của Quần đảo Trường Sa, đá Trường Sa - Khánh Hòa, đá Lũng Cú - Hà Giang, cát Đất Mũi - Cà Mau, cát Côn Đảo - Bà Rịa Vũng Tàu, cát Đảo Lý Sơn - Quảng Ngãi. Công trình mang ý nghĩa lớn trong việc giáo dục về chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và góp phần bồi dưỡng, vun đắp tình yêu Tổ quốc cho mỗi học viên của nhà trường. Đây là khu chủ quyền lãnh thổ quốc gia duy nhất ở Việt Nam có đầy đủ đất, đá, cát các địa danh nổi tiếng của đất nước.
Một lớp học của Học viện Cảnh sát nhân dân
Những công trình văn hóa độc đáo của trường Học viện Cảnh sát Nhân dân được xây dựng bằng tiền đóng góp của các đồng chí lãnh đạo, cán bộ công an các đơn vị, địa phương, các thế hệ cán bộ, học viên của trường và các nhà hảo tâm.
Khu bể bơi của Học viện Cảnh sát nhân dân phục vụ việc rèn luyện thể chất, sức khỏe cho các chiến sĩ cảnh sát tương lai

Lưu Ly


Bình luận
vtcnews.vn