Khám phá căn hầm bí mật dưới dinh Gia Long ở Sài Gòn

Thời sựChủ Nhật, 15/05/2016 10:07:00 +07:00

Nằm tại trung tâm Sài Gòn, căn hầm được cho là có lối thông đến Chợ Lớn giúp Ngô Đình Diệm chạy trốn trong cuộc đảo chính năm 1963.

Nằm tại trung tâm Sài Gòn, căn hầm được cho là có lối thông đến Chợ Lớn giúp Ngô Đình Diệm chạy trốn trong cuộc đảo chính năm 1963.

Dinh Gia Long (quận 1, TP HCM) rộng khoảng 2 ha, được bao bọc bởi 4 trục đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tôn và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Công trình do kiến trúc sư người Pháp Alfres Foulhoux thiết kế, xây dựng từ năm 1885 đến năm 1890.

Tòa nhà từng được sử dụng làm Bảo tàng Thương Mại rồi thành dinh thự cho thống đốc Nam Kỳ Hoefel. Sau năm 1975, Dinh Gia Long trở thành Bảo tàng TP HCM. Ngoài ý nghĩa lịch sử, công trình mang kiến trúc độc đáo phương Tây còn ẩn chứa nhiều câu chuyện huyền bí xoay quay căn hầm bí mật được xây dựng bên dưới.
Lối dẫn xuống hầm dưới dinh Gia Long. Ảnh: Duy Trần
Lối dẫn xuống hầm dưới dinh Gia Long. Ảnh: Duy Trần 
Sự ra đời của căn hầm bắt nguồn từ việc dinh Độc Lập bị dội bom hư hại nặng hồi tháng 2/1962. Khi đó, Ngô Đình Diệm và vợ chồng Ngô Đình Nhu dọn sang dinh Gia Long ở tạm. Lo sợ bị đảo chính hoặc ném bom tương tự ở dinh Độc Lập nên gia đình họ Ngô nghĩ đến việc thiết kế căn hầm trú ẩn.

Kiến trúc sư Ngô Viết Thụ được giao thiết kế căn hầm nhưng sau đó ông sang Mỹ, công việc được kỹ sư Phan Đình Tăng tiếp quản. Căn hầm được khởi công từ tháng 5/1962, đến 30/10/1963 hoàn thiện với tổng kinh phí hơn 12,5 triệu đồng - số tiền rất lớn lúc bấy giờ.

Hầm được đào sâu xuống đất 4 m, đúc bằng ximăng cốt thép (170 kg sắt trên một m3 bêtông), có tường dày đến một mét. Theo thiết kế, hầm có thể chịu được các loại pháo và bom 500 kg.

Tổng diện tích mặt bằng hầm khoảng 1.400 m2. Hai đầu tòa nhà chính của dinh là hai cầu thang dẫn theo bậc tam cấp xuống tầng hầm.

Hầm được chia làm 6 phòng thông nhau qua các hành lang. Nền hầm tùy từng đoạn được tráng ximăng hoặc lót gạch hoa. Hầm có lối thoát ra đường Nam Kỳ Khởi Nghĩa và Pasteur với hai lô cốt nhỏ.

Cửa ra vào các phòng dưới hầm được đúc bằng sắt tấm nguyên khối, đóng mở bằng cách xoay bánh lái như cửa tàu thủy. Phía trong còn có chốt sắt lớn để cài khi gặp sự cố.

Hầm có cầu thang thông lên phòng làm việc. Nếu có sự cố, chỉ sau 5 phút các yếu nhân đã được đưa xuống với đầy đủ hệ thống thông tin liên lạc kết nối bên ngoài.

Nóc hầm được ngụy trang bằng nhiều chậu cây cảnh cùng hệ thống điện thắp sáng. Nước sạch và cống dẫn thải cũng được thiết kế đầy đủ để hầm được hoạt động thông suốt.
Phòng tiếp khách của Ngô Đình Diệm dưới căn hầm. Ảnh: Duy Trần
Phòng tiếp khách của Ngô Đình Diệm dưới căn hầm. Ảnh: Duy Trần 
Rất nhiều giai thoại ly kỳ được đồn thổi xung quanh căn hầm bí mật dưới dinh Gia Long. Theo đó, hệ thống hầm có nhiều lối thông ra ngoài để trốn thoát như ngã thứ nhất từ dinh đâm ra sông Sài Gòn trổ lên dinh Hải quân một cửa. Cửa còn lại chạy thẳng đến Sở thú.

Đường thứ hai từ dinh đến nhà thờ Đức Bà, trổ một cửa ra bên trong. Đường thứ ba, từ dinh Gia Long chạy thẳng vào Chợ Lớn. Những con đường này theo đồn đoán sẽ thành các phương án thoát hiểm cho gia đình Tổng thống Diệm.

Ngoài ra, nhiều tài liệu cho rằng việc đào hầm được giao cho 200 tù binh không tung tích. Họ chia làm 10 toán, mỗi toán 20 người luân phiên đào. Số tù binh này được đưa tới bằng xe bít bùng, mỗi người đều bị bịt mắt lại khi tới phòng mới mở ra. Nhóm này phải làm việc trong đêm khuya, bên ngoài không ai hay biết. Nhiều người còn cho rằng đội ngũ thi công, thiết kế hầm sau đó bị thủ tiêu để giữ bí mật. 

Tuy nhiên, trong bảng tính chi phí xây dựng hầm, số tiền trả nhân công đào hầm là 150.000 đồng. Số liệu này cho thấy việc dùng tù binh xây hầm như các tài liệu nói trên là không có cơ sở.

Việc dùng đường hầm có lối thông đến Chợ Lớn để anh em Diệm - Nhu trốn thoát trong cuộc đảo chính ngày 1/11/1963 cũng không có cơ sở. Khi xảy ra đảo chính họ trốn xuống hầm nhưng sau đó dùng ôtô di chuyển qua Chợ Lớn rồi trốn trong nhà thờ cha Tam. Sau đó, anh em họ Ngô bị lực lượng đảo chính bắt giết.
Cửa sắt có bánh xoay như trên tàu thủy, hiện nhiều hạng mục bên dưới được rào chắn để duy tu vì ngập nước. Ảnh: Duy Trần
Cửa sắt có bánh xoay như trên tàu thủy, hiện nhiều hạng mục bên dưới được rào chắn để duy tu vì ngập nước. Ảnh: Duy Trần 
Theo Tiến sĩ Đặng Văn Thắng - Bảo tàng TP HCM - nhiều câu chuyện về căn hầm trong dinh Gia Long bị thêu dệt không đúng sự thật, tạo nên sự ly kỳ.

Hiện, hầm bí mật của Dinh Gia Long vẫn được Bảo tàng TP HCM bảo tồn khá nguyên vẹn. Mặc dù đường hầm được xếp hạng di tích cấp quốc gia - nhưng do nhiều đoạn bị ngập nước nặng, đang sửa chữa nên đường hầm chỉ mở cửa một phần cho du khách tham quan.

Nguồn:Vnexpress
Bình luận
vtcnews.vn