Khaisilk: Làm sao để lừa được người tiêu dùng hơn 30 năm?

Kinh tếThứ Bảy, 28/10/2017 11:28:00 +07:00

Vụ việc KhaiSilk kinh doanh lụa tơ tằm xuất xứ Trung Quốc nhưng gắn mác Việt Nam đang một lần nữa tạo ra một dư luận không hề tốt về các sản phẩm được gắn mác “Made in Vietnam”; nhưng làm thế nào để thực hiện hành vi lừa đảo này hơn 30 năm và quan trọng hơn là qua mặt các cơ quan chức năng?

Con đường Hoàng Khải trở thành đại gia

Là một người xuất thân từ âm nhạc nhưng xem ra ông Hoàng Khải lại bén duyên với nghề kinh doanh từ cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Lúc đó, ông Khải được coi là người tiên phong, là đầu tàu của nghành sản xuất và buôn bán tơ lụa Việt Nam với cơ sở đầu tiên ở Hàng Gai, Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Và thật sự, không có gì quý bằng một người Việt tâm huyết, trăn trở với việc làm nên thương hiệu Việt từ chính những sản phẩm được làm nên bởi bàn tay của những người Việt.

khaisilk15-2read-only-1509066016301-0-0-575-1024-crop-1509066117441 7

Cửa hàng Khaisilk trên phố Hàng Gai (Hà Nội) đã đóng cửa, tạm dừng hoạt động vào chiều 26/10. (Ảnh: Nguyễn Khánh)

Do đó, ông Khải nhanh chóng được tung hô, được ca tụng và gặt hái hết thành công này đến thành công khác.

Cũng như nhiều doanh nhân khác, không vừa lòng với những gì mình có, ông Khải cũng đổ vô số của cải vào đầu tư bất động sản. Cũng là một người tiên phong, ông Khải đã đầu tư hẳn một khu resort cao cấp ở Hội An vào đầu những năm 90, sau đó khu resort này đã được bán lại với một khoản lời không nhỏ cho ông Khải.

Không chỉ dừng lại ở đó, vị đại gia này còn lấn sân vào thử sức tận Tp. Hồ Chí Minh với hàng loạt nhà hàng cao cấp rồi trung tâm thương mại… Có thể đơn cử một vài nhà hàng nổi tiếng của ông Khải là Charm Charm, Nam Phan, Khai’s Brothers...

Dường như vận may không ngừng lại với vị đại gia sinh năm 64 này, ở tuổi 53 ông Khải đã sở hữu khối bất động sản trị giá hàng triệu USD, hàng loạt các xe sang mà rẻ nhất cũng tầm 4 tỷ đồng.

Để khẳng định vị thế của mình, ông này còn chịu chơi chi hẳn 1 triệu USD để tậu chiếc xe siêu sang Rolls – Royce Phantom. Và vào thời điểm năm 2000 thì quả thực đó là điều không một đại gia nào làm được.

Nhưng điều làm nên sự khác biệt của ông Khải, đó chính là việc ông là người tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu lụa tơ tằm Việt Nam, rồi quảng bá thương hiệu này với cả thế giới.

Thương hiệu KhaiSilk được khách du lịch khắp thế giới biết đến, được người Việt tự hào nhưng hoá ra tất cả đều dính quả lừa vô đối của ông Khải! Và quả lừa này được dàn dựng công phu đến mức suốt 30 năm qua không ai phát hiện ra, không cơ quan chức năng nào biết?

KhaiSilk đã lừa người tiêu dùng Việt thế nào?

Vụ rùm beng của KhaiSilk vừa rồi đã làm dấy lên một làn sóng dư luận về tính chân thực của các sản phẩm được gán mác “Made in Vietnam”. Một đại gia lớn như vậy, với tài sản lên tới hàng trăm triệu USD vậy mà lại đi mua đồ Trung Quốc rồi gắn mác sản xuất ở Việt Nam.

Chỉ một câu để lột tả toàn bộ hành vi này của KhaiSilk, đó là: “Treo đầu dê, bán thịt chó”. Và không chỉ riêng KhaiSilk, mà hàng loạt các mặt hàng khác được kinh doanh ở Việt Nam cũng đều có tình trạng tương tự.

Việc “treo đầu dê, bán thịt chó” thật sự đã và đang xuất hiện nhan nhản ở Việt Nam, từ giày, dép, quần áo cho đến những đồ dùng khác. Các nhà kinh doanh Việt dường như chỉ được thời gian đầu, nói nôm na là kinh doanh nghiêm túc để lấy tiếng, nhưng chỉ sau một thời gian thì chất lượng các mặt hàng đi xuống trầm trọng, rồi hàng tàu được bày bán thay hàng Việt.

Vấn đề này bị dư luận và báo chí lên án nhiều lần, thật sự rất bức xúc nhưng cuối cùng cũng đành nhắm mắt buông xuôi vì bây giờ không biết đâu là hàng ta, đâu là hàng tàu.

Rất dễ hiểu cho các nhà kinh doanh này, bởi mua hàng tàu, hay đặt hàng tàu không những được mẫu mã y trang mà giá cả còn rẻ hơn đến một nửa hoặc hơn. Mà chẳng ai buôn bán lại muốn bỏ ra nhiều vốn cả.

Riêng trường hợp của KhaiSilk, vị đại gia Hoàng Khải đã thừa nhận việc sử dụng hàng tàu bán cho người tiêu dùng. Và ông này cũng thừa nhận một sự thật phũ phàng, đau đớn rằng, việc này đã được KhaiSilk làm từ 30 năm nay!

Một chiếc khăn lụa y hệt thiết kế của KhaiSilk xuất phát từ Trung Quốc chỉ có giá 25-30.000 bán sỉ, nhưng về tới tay của cửa hàng KhaiSilk thì có giá lên tới hơn 600.000 đồng. Đây là một cái giá quá đắt cho một chiếc khăn tàu!

Video: Âm thầm bán khăn Trung Quốc suốt 30 năm, KhaiSilk sẽ bị xử lý ra sao?

Trên phố Đinh Liệt, giá một chiếc khăn ở đây có giá rao động từ 25.000 đồng đến 90.000 đồng tuỳ chất lượng và cũng tuỳ cửa hàng bán.

Khăn lụa được nhiều nước trên thế giới sản xuất, với đủ các giá khác nhau từ vài trăm nghìn đến hàng chục nghìn USD cũng có. Tất nhiên, một chiếc khăn giá vài chục nghìn đô đã thuộc một đẳng cấp hoàn toàn khác.

Hàng Trung Quốc cũng có nhiều loại, nếu là hàng sản xuất nội địa Trung Quốc thì chất lượng khỏi chê, rất nhiều người đã công nhận như vậy mặc dù giá cả không phải rẻ.

Nhưng hàng Trung Quốc xuất khẩu lại là một vấn đề khác, khác ở đây là tuỳ thị trường. Nếu hàng xuất đi Mỹ, châu Âu lại có chất lượng miễn bàn. Nhưng hàng xuất Việt Nam lại có chất lượng cực kỳ kém.

Vậy, tại sao người Việt Nam vẫn phải dùng hàng tàu kém chất lượng?

Thứ nhất, phải kể đến tâm lý tiêu dùng của người Việt. Chúng ta thích dùng đồ đẹp, hàng hiệu nhưng lại không muốn chi tiền, rồi điều kiện kinh tế cũng không cho phép chúng ta trả một khoản tiền lớn cho một món đồ.

Do đó, có cung mới có cầu. Nắm được tâm lý người tiêu dùng, các thương lái được dịp giảm chi phí, ồ ạt đặt và nhập hàng từ Trung Quốc về. Mẫu mã y hệt nhau, gắn cả mác từ Ý, từ Mỹ… không khác một tí gì nhưng dùng chỉ một thời gian ngắn là biết mặt nhau ngay.

Thứ hai, đó là trách nhiệm của cơ quan quản lý thị trường. Nếu không có sự tiếp tay của quản lý thị trường thì không có chuyện hàng tàu, hàng kém chất lượng tràn lan thị trường Việt Nam như bây giờ.

Rồi việc sản xuất hàng nhái ở ngay trong nước cũng không được xử lý một cách quyết liệt. Các phương tiện truyền thông ngày nào cũng ra rả bảo vệ người tiêu dùng, rồi chỗ này làm hàng nhái, chỗ kia làm đồ ăn bẩn thỉu… Nhưng, cách xử lý của chúng ta chỉ mang tính cấp cứu, chắp vá. Dẹp chỗ này lại xuất hiện chỗ khác.

Vì sao không thể xử lý triệt để tình trạng này? Thử hỏi, một cơ sở sản xuất hàng nhái làm sao có thể hoạt động vài năm mà không bị làm sao? Bởi vì có sự bao che của cơ quan chức năng nào đó.

Còn hành vi lừa đảo của đại gia Hoàng Khải, đến bây giờ, năm 2017 mới bị phát hiện và ông này cũng thừa nhận đã lừa người tiêu dùng 30 năm.

30 năm người Việt Nam đã mua đồ nhái, đồ tàu từ một đại gia Việt Nam với cái giá không phải rẻ chút nào. Để thực hiện được hành vi lừa đảo người tiêu dùng của mình, không biết ông Khải đã phải chi bao nhiêu tiền để được bảo kê?

Rồi lợi nhuận từ việc bán đồ tàu của ông Khải trong 30 năm vừa rồi là bao nhiêu? Đây là con số không thể thống kê được!

Sự việc KhaiSilk lừa đảo chỉ được phát hiện ra khi Công ty Cổ phần Tiếp thị và Truyền thông Vinacom đặt mua một lô hàng 60 chiếc với giá 644.000 đồng/chiếc. Vậy trước đó, đã có bao nhiêu người, công ty mua phải khăn tàu của KhaiSilk?

Hành vi lừa đảo của đại gia Hoàng Khải thật sự gây bức xúc trong dư luận, liệu có phải các đại gia đều đi lên từ các hành vi lừa bịp như thế này? Liệu có phải các quan chức giàu có từ việc bảo kê những hành vi thế kia?

Một câu hỏi khác mà dư luận đặt ra, đó là việc xử lý hành vi lừa đảo này của Hoàng Khải thế nào? Bởi hành vi này của ông Khải đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng tới người tiêu dùng, làm mất uy tín của thương hiệu Việt Nam trên thị trường quốc tế.

Đó là một hành vi phải bị lên án, phải bị xử lý nghiêm khắc.

Phong Sơn
Bình luận
vtcnews.vn