Khai trừ đảng viên tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê khai

Thời sựThứ Hai, 05/03/2018 16:22:00 +07:00

Những đảng viên kê khai tài sản thiếu trung thực, tẩu tán tài sản để tránh phải kê khai sẽ bị khai trừ Đảng.

Ngày 5/3, Uỷ ban Tư pháp Quốc hội Khóa 14 họp phiên toàn thể lần thứ 8, cho ý kiến về dự thảo Luật Phòng chống tham nhũng (PCTN) sửa đổi.

Báo cáo giải trình, tiếp thu dự thảo Luật PCTN sửa đổi, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, có nhiều ý kiến khác nhau về đối tượng có nghĩa vụ kê khai tài sản thu nhập.

Sau khi nghiên cứu, Chính phủ vẫn giữ nguyên phương án từng bước mở rộng đối tượng có nghĩa vụ kê khai. Tuy nhiên để đảm bảo tính khả thi, dự thảo luật đã được chỉnh lý về quy định đối tượng có nghĩa vụ kê khai.

leminhkhai2

 Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái.

Theo đó, đối tượng có nghĩa vụ kê khai gồm: các đại biểu Quốc hội (ĐBQH), đại biểu Hội đồng Nhân dân (HĐND) các cấp; người ứng cử ĐBQH, HĐND; cán bộ, công chức; một số chức danh trong quân đội, công an, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước (DNNN) hoặc cử giữ chức danh quản lý trong các doanh nghiệp có vốn nhà nước.

Báo cáo giải trình của Tổng Thanh tra Chính phủ cũng cho hay, sẽ khai trừ Đảng các trường hợp tẩu tán tài sản nhằm trốn tránh việc kê khai tai sản, thu nhập; đối phó, cản trở việc kiểm tra, giám sát, xác minh tài sản, thu nhập.

Cảnh cáo hoặc cách chức các trường hợp kê khai tài sản và giải trình về biến động tài sản, nguồn gốc tài sản không trung thực.

Riêng đối với nhóm đối tượng là cán bộ, công chức khi lần đầu làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc khu vực nhà nước thì việc kê khai chỉ nhằm hình thành cơ sở dữ liệu chung phục vụ cho công tác quản lý cán bộ như đang triển khai trên thực tế hiện nay khi kê khai hồ sơ cán bộ, công chức và không thuộc diện kiểm soát tài sản, thu nhập.

Về xử lý tài sản, thu nhập kê khai không trung thực, không kê khai; tài sản, thu nhập biến động mà không được giải trình một cách hợp lý cũng là vấn đề nhận được nhiều ý kiến từ ĐBQH.

Theo ông Khái, qua tìm hiểu nghiên cứu từ nhiều nước trên thế giới, việc xử lý tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý được thực hiện từ các phương thức chính, bao gồm: xử lý thông qua bản án hình sự của Tòa án, thông qua trình tự tố tụng dân sự, thông qua xử phạt hành chính (tịch thu tài sản, thu nhập) hoặc công cụ về thuế (truy thu thuế thu nhập cá nhân).

Từ đó, Chính phủ đề xuất phương án xử lý thông qua việc truy thu thuế thu nhập cá nhân đối với tài sản, thu nhập kê khai không trung thực hoặc tài sản, thu nhập tăng thêm không được giải trình một cách hợp lý và coi đây như là khoản thu nhập vãng lai phát sinh mà người kê khai hoặc vợ/chồng, con chưa thành niên của người kê khai phải nộp theo quy định.

Ngoài ra, về công khai bản kê khai tài sản thu nhập, nhiều ý kiến ĐBQH tán thành với phương án công khai bản kê khai tại nơi thường xuyên làm việc, công tác. Một số ý kiến đề nghị cần công khai thêm tại nơi người kê khai thường xuyên cư trú.

L.Thủy
Bình luận
vtcnews.vn