Khai thác bôxít: Bảo đảm môi trường, an ninh quốc phòng

Thời sựThứ Tư, 24/11/2010 07:04:00 +07:00

(VTC News) - Thủ tướng khẳng định trước QH tại phiên chất vấn sáng nay (24/11) về khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Thủ tướng cũng làm rõ tình trạng thiếu điện.

(VTC News) - Thủ tướng khẳng định trước Quốc hội tại phiên chất vấn sáng nay (24/11) về khai thác bôxít ở Tây Nguyên. Thủ tướng cũng làm rõ về tình trạng thiếu điện...

Sáng nay (24/11), trước khi các ĐBQH chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có giải trình với Quốc hội về dự án khai thác bô xít tại Tây Nguyên. Người đứng đầu Chính phủ cũng làm rõ các nguyên nhân  của việc thiếu điện và đưa ra giải pháp thoát khỏi tình trạng này.
Sẽ tiếp tục khai thác bô xít khi có kết luận bảo đảm an toàn về môi trường

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng (Ảnh: T.Trần)
Một nội dung được đông đảo ĐBQH quan tâm và dành nhiều thời gian thảo luận trước đó là vấn đề khai thác bô xít ở Tây Nguyên. Giải trình trước Quốc hội sáng nay, Thủ tướng cho biết, việc thăm dò khai thác, chế biến bô xít là chủ trương nhất quán từ Đại hội Đảng 9 đến Đại hội Đảng 10.

Các chủ trương, chỉ đạo đã nêu rõ: việc khai thác, chế biến bô xít gắn với xây dựng ngành công nghiệp sản xuất alumin, nhôm nhằm phục vụ phát triển kinh tế của đất nước, góp phần phát triển KTXH của Tây Nguyên; Nhà nước cần tập trung đầu tư hoặc hỗ trợ đầu tư; việc triển khai phải bảo đảm lợi ích trước mắt, lâu dài và bền vững; có bước đi thích hợp, từ nhỏ đến lớn, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, bảo đảm hiệu quả KTXH, bảo vệ môi trường sinh thái, an ninh, quốc phòng; sử dụng thiết bị và công nghệ hiện đại; trên cơ sở kết quả của 2 dự án Tân Rai và Nhân Cơ tổ chức rút kinh nghiệm để bổ sung hoàn chỉnh quy hoạch và kế hoạch cho giai đoạn tiếp theo.

"Tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XII, một số ĐBQH đã có ý kiến về các dự án bô xít Tây Nguyên - Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành thực hiện việc kiểm tra, tính toán, đánh giá lại hiệu quả kinh tế và tác động môi trường đối với các dự án, đặc biệt chú ý thẩm định thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ, bảo đảm an toàn lâu dài đối với môi trường. Việc thẩm định được tiến hành nghiêm túc, thận trọng và đã khẳng định: các dự án có hiệu quả KTXH, bảo đảm an toàn về môi trường và an ninh, quốc phòng" - Thủ tướng nói.

Về môi trường, Thủ tướng nhấn mạnh, chính việc khai thác bô xít sẽ là điều kiện để cải tạo đất tốt hơn cho phát triển cây công nghiệp và trồng rừng ở Tây Nguyên.

Người đứng đầu Chính phủ cũng cho biết, trong quá trình triển khai Dự án, việc xử lý bùn đỏ đã được xem xét, thẩm định, phê duyệt theo đúng quy định. Bộ Công Thương và Tập đoàn Công nghiệp Than khoáng sản đã nghiêm túc triển khai thực hiện bổ sung các giải pháp kỹ thuật về thoát nước; đang lựa chọn tổ chức tư vấn độc lập nước ngoài có kinh nghiệm để thẩm định lại thiết kế kỹ thuật hồ bùn đỏ dự án Tân Rai; đã làm việc với tư vấn thiết kế để nghiên cứu thêm phương án thải khô đối với dự án Nhân Cơ; đang xây dựng để ban hành các tiêu chuẩn về bùn đỏ, thiết kế và lập quy trình vận hành hồ bùn đỏ đảm bảo an toàn và bền vững cho dự án.

Theo đó, hiện Dự án Tân Rai đã hoàn thành nhiều hạng mục, dự kiến tháng 4/2011 sẽ có alumin thương phẩm; Dự án Nhân Cơ đang hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư, dự kiến đầu năm 2011 sẽ khởi công xây dựng và đưa nhà máy vào vận hành cuối năm 2012.

"Hai dự án thí điểm Tân Rai và Nhân Cơ đang được triển khai theo đúng chủ trương của Đảng và pháp luật của Nhà nước… Riêng về vấn đề an toàn hồ bùn đỏ, Đoàn khảo sát liên ngành tới Hungari đã có báo cáo đánh giá giải pháp công nghệ và quản lý hồ bùn đỏ Tân Rai là hiện đại, có độ an toàn cao. Tuy vậy, sau khi có kết luận thẩm định lại của tư vấn nước ngoài, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét quyết định và chỉ tiếp tục thực hiện Dự án khi bảo đảm an toàn về môi trường" - Thủ tướng khẳng định.

Giá bán điện từng bước theo cơ chế thị trường

Sáng nay (24/11), trước khi các ĐBQH chất vấn, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng có giải trình với Quốc hội về việc đảm bảo cung ứng điện cho sản xuất và đời sống nhân dân.

Theo đó, làm rõ hơn về tình trạng thiếu điện làm ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp và sinh hoạt của nhân dân, Thủ tướng cho biết, phần lớn các dự án điện đều thiếu vốn, để đáp ứng nhu cầu phải bổ sung thêm khoảng 3.000 MW/năm, tương đương vốn khoảng 6 tỷ USD/năm.

Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng, bồi thường, tái định cư tại các công trình nguồn và lưới điện gặp rất nhiều khó khăn, đòi hỏi sự nỗ lực hơn nữa của các Bộ, ngành, địa phương, sự chia sẻ và hợp tác của người dân.

Thủ tướng nhấn mạnh, giá điện thấp, chưa phản ánh đầy đủ các chi phí sản xuất và kinh doanh điện - gây khó khăn cho việc huy động vốn đầu tư vào ngành điện, không khuyến khích việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả.

Năng lực của nhiều chủ đầu tư và nhà thầu yếu kém, kể cả một số nhà thầu nước ngoài trong công tác chuẩn bị đầu tư và thi công các công trình. "Ý thức tiết kiệm và sử dụng điện hiệu quả còn thấp cũng làm tăng nhu cầu và gây sức ép lớn cho việc đầu tư phát triển ngành điện" - Thủ tướng nhận định.

Tình trạng bị thiếu nước những năm gần đây nên sản lượng điện sản xuất của các nhà máy thuỷ điện bị sụt giảm nghiêm trọng trong khi các nhà máy nhiệt điện than mới đưa vào vận hành lại chưa ổn định. Tuy tỷ lệ thiếu hụt không lớn (khoảng 5 - 6% tổng nhu cầu), nhưng do công tác điều hành, tiết giảm điện chưa hợp lý, gây bức xúc trong nhân dân.

Từ thực trạng trên, Thủ tướng nêu rõ, để khắc phục tình trạng thiếu điện năm 2011 và các năm tới, Chính phủ đưa ra giải pháp khai thác tối đa các nguồn phát điện hiện có, kể cả các nhà máy điện sử dụng dầu đốt có giá thành sản xuất cao; nguồn điện Diesel dự phòng của các doanh nghiệp; Tiếp tục nhập khẩu tối đa lượng điện từ nước ngoài;

Cùng với đó, đưa vào vận hành ổn định các dự án nguồn điện, nhất là các dự án nhiệt điện than mới ở miền Bắc; Chính phủ cũng chỉ đạo ưu tiên tích nước cho các hồ chứa thuỷ điện để đảm bảo đến cuối năm 2010 đạt mức nước dâng cao nhất có thể được nhằm huy động tối đa công suất cho giai đoạn mùa khô năm 2011...

Chính phủ cũng sẽ chỉ đạo thực hiện cơ cấu lại ngành điện, sớm đưa thị trường phát điện cạnh tranh vào hoạt động…

Giá bán điện sẽ thực hiện lộ trình từng bước theo cơ chế thị trường nhằm bảo đảm cho các nhà đầu tư thu hồi vốn và có tích lũy hợp lý để tái sản xuất mở rộng, đồng thời với việc hỗ trợ phù hợp cho các hộ nghèo; Khuyến khích tiết kiệm điện trong sản xuất và tiêu dùng, ưu tiên phát triển các ngành tiêu thụ ít năng lượng, sử dụng năng lượng mới và tái tạo. Cùng với đó, nghiên cứu trình Quốc hội sửa đổi Luật Điện lực cho phù hợp với cơ chế thị trường...

Trước những thông tin người đứng đầu Chính phủ đưa ra, trong phần chất vấn, ĐB Võ Thị Hồng Thoại  (Bạc Liêu) cho rằng, những giải pháp Thủ tướng đưa ra là phù hợp, nhưng mà thực hiện trong cuộc sống không phải là đơn giản!

"Tôi xin hỏi Thủ tướng, trong khi Quốc hội chưa có chương trình sửa đổi Luật điện lực thì Quốc hội cần vào cuộc để cùng giúp tháo gỡ những điểm nghẽn cho phát triển điện năng trong trước mắt là gì? Làm thế nào để đến năm 2015 đảm bảo huy động được 50.000 MW công suất điện phục vụ cho mục tiêu phát triển KTXH mà hiện nay chỉ huy động được khoảng 20.900 MW công suất?" - ĐB Thoại chất vấn.

Thủ tướng khẳng định, đây là vấn đề rất quan trọng! Theo đó, với tinh thần Chính phủ làm hết sức bằng mọi giải pháp để đảm bảo đủ điện cho sự phát triển của đất nước.

"Chúng tôi hiểu tinh thần đó và hết sức cố gắng! Chúng tôi cho rằng những giải pháp có ý nghĩa tổng hợp, rất mong các vị đại biểu Quốc hội ủng hộ để chúng tôi triển khai thực hiện được các giải pháp vừa trình bày. Còn làm thế nào để đạt 50 ngàn MW, làm thế nào bình quân 6 tỷ đôla/năm Chính phủ cũng rất trăn trở và tính toán cách làm" - Thủ tướng cho biết.

Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trong cho biết, qua 2,5 ngày tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn trực tiếp tại hội trường đã có 104 lượt ĐBQH đăng ký và đã có 66 ĐB được chất vấn, trao đổi, tham gia thảo luận, giải trình làm rõ hơn các vấn đề nổi cộm được đông đảo ĐB và cử tri cả nước quan tâm. Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng tại kỳ họp này đã có 26 chất vấn bằng văn bản, hôm nay (24/11) tại Hội trường có 19 ĐB đăng ký chất vấn trực tiếp, nhưng do thời gian cho nên đến giờ còn 10 ĐB chưa có điều kiện để hỏi trực tiếp Thủ tướng.

 Trần Vũ

Mọi lúc, mọi nơi mỗi người trong chúng ta đều có thể lập tức giúp đỡ được cho đồng bào miền Trung.

Nhắn tin
theo cú pháp đơn giản UHgửi 1405 (10.000đ/tin) hoặc UH gửi 1409 (18.000đ/tin) của Cổng thông tin nhân đạo quốc gia là bạn đã hành động thiết thực để cứu trợ đồng bào miền Trung ruột thịt.


Bình luận
vtcnews.vn