Khai hội chùa Hương: Giá vé tăng, nạn 'chặt chém' vẫn nhan nhản

Kinh tếThứ Sáu, 03/02/2017 07:37:00 +07:00

Mặc dù giá vé thăm quan di tích chùa Hương tăng từ 49.000 đồng lên 78.000 đồng, tuy nhiên một số tệ nạn cố hữu của chùa Hương là 'cò', chặt chém, chèo kéo khách hàng,… vẫn còn đang tồn tại.

 Giá vé tăng do…. lương tối thiểu tăng

Lý do về việc tăng giá vé chùa Hương, UBND TP Hà Nội cho rằng do mức thu phí Chùa Hương đang thực hiện đã áp dụng được 5 năm (từ năm 2012). Từ năm 2012 đến nay, mức lương tối thiểu cơ bản từ 830.000 đồng đã tăng lên 1.210.000 đồng, các chi phí khác như điện, nước, văn phòng phẩm, nhân công, vật tư nguyên liệu cũng tăng đáng kể theo chỉ số giá tiêu dùng, chỉ số lạm phát hàng năm.

16299519_902704639872693_

Bắt đầu từ năm nay, giá một số dịch vụ ở chùa Hương đồng loạt tăng. Ảnh: Tiểu Lâm

So với mức thu phí của các di tích có quy mô lớn, giá trị văn hóa lịch sử quan trọng trên địa bàn thành phố do HĐND Thành phố quyết định mức phí này tương đối thấp, chưa phù hợp với quy mô và giá trị của di tích.

Bên cạnh đó, UBND huyện Mỹ Đức đã đầu tư xây dựng các công trình tu bổ, tôn tạo di tích. Với mức thu phí đang thực hiện không đủ bủ đắp các chi phí cần thiết, ngân sách nhà nước đang phải bù thêm để có kinh phí thực hiện.

Ngoài việc tăng giá vé thăm quan, giá vé đò cũng sẽ tăng lên 50% so với năm ngoái. Cụ thể, theo ông Nguyễn Văn Hậu, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức, Trưởng ban tổ chức Lễ hội Chùa Hương, lễ hội Chùa Hương sẽ chính thức khai hội ngày 2/2/2017 (tức ngày 6 tháng Giêng). Mức giá vé thăm quan thắng cảnh và đò thuyền phục vụ Lễ hội chùa Hương năm 2017 sẽ thay đổi so với lễ hội chùa Hương các năm trước.

Vé đò thuyền tăng từ 35.000 đồng lên 50.000 đồng/người. Như vậy mỗi du khách vào thăm quan, lễ hội chùa Hương từ năm 2017 sẽ phải mua vé cả đò thuyền và thắng cảnh là: Vé thường: 130.000/người; Vé ưu tiên: 88.000 đồng/người.

Cũng theo ông Hậu, về giá trông giữ phương tiện vẫn giữ nguyên như các năm trước, ô tô 9 chỗ chở xuống là 40.000 đồng/ngày và 60.000 đồng/đêm. Xe ô tô trên 10 ghế là 50.000/ngày và 75.000 đồng/đêm. Xe máy là 3.000 đồng/ngày và 5.000 đồng/đêm.

Riêng giá vé cáp treo thuộc Công ty Cổ phần Vận tải và Du lịch Hương Sơn, đơn vị chủ quản và vận hành hệ thống cáp chùa Hương, là 160.000 đồng/người lớn.

Giá vé tăng, liệu chất lượng có tăng?!

Vấn đề nan giải nhất của du lịch chùa Hương nói riêng và toàn nghành du lịch Việt Nam nói chung đó là nạn, chặt chém, hét giá, lừa đảo, chèo kéo,…. vẫn diễn ra hàng ngày.

16473257_902704786539345_

Bên cạnh tăng giá, các tệ nạn cố hữu của chùa Hương vẫn còn tồn tại. Ảnh: Tiểu Lâm

Không những vậy, hội chùa Hương là lễ hội có thời gian diễn ra lâu nhất tại Việt Nam (trong 3 tháng) và có lượng khách đến thăm quan du lịch cũng thuộc dạng nhất nhì. Năm 2017, Chùa Hương dự kiến đón khoảng 1,3 đến 1,5 triệu khách, thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng. Ngân sách thu từ nhiều năm nay được thành phố cho phép huyện thụ hưởng 100% để tái đầu tư trong khu vực Chùa Hương.

Tuy nhiên, trái với kỳ vọng của nhiều người về sự phát triển của du lịch, năm nay đi hội chùa Hương dù giá mọi thứ đều tăng, nhưng chất lượng không được cải thiện là bao.

Cụ thể, anh Quang Đạo, một du khách đi thăm chùa Hương trước ngày lễ hội 1 ngày bức xúc cho biết: “Mình đi xe đò của nhà xe T.H. Khi bọn mình lên thuyền họ bảo giá cả thắng cảnh và tiền đò là 300.000 đồng/người. Bọn mình lúc đó không đồng ý và yêu cầu quay lại bến nhưng họ nhất quyết không chịu chở bọn mình lại. Họ cứ nằng nặc chở ra tận chùa chính mới thôi. Lúc đó, mình bảo chở bọn tôi quay lại bọn tôi sẽ trả 300.000 đồng tiền đò, (lúc đó bọn mình đi được khoảng 200m)  song họ vẫn chở tiếp. Cuối ngày bọn em trả tiền thì họ đòi đủ 3,9 triệu đồng. Sau một hồi cãi nhau, họ đồng ý lấy 2,5 triệu đồng mới để bọn em thoát thân”.

Đồng tình với quan điểm của anh Đạo, anh An Tiến Hưng, một du khách cho biết: “Năm nay giá đi chùa Hương tăng nhưng mình nghĩ số tiền như vậy là chấp nhận được, không quá cao. Thậm chí, mình nghĩ nên tăng giá hơn nữa để cải thiện các dịch vụ kèm theo kém chất lượng của chùa. Bản thân mình là ví dụ, hôm đi chùa Hương về mình mua một gói bánh bán ven đường ở mang nhãn hiệu ‘chú béo’ về làm quà. Ấy vậy mà bên trong họ độn xốp, ni –lông các kiểu, chừa lại một miếng bánh nhỏ xíu lộ ra bên ngoài”.

Chị Lê Nhi nói: “Giống như mọi năm, vừa mới bước đến cổng chùa Hương là hàng trăm cò đến mời chào. Nhưng kinh nghiệm rồi, cứ đến thẳng ban quan lý chùa Hương mua vé rồi họ sẽ sắp xếp cho mình. Năm này mình khá hài lòng vì không thấy cảnh nhồi nhét khách trên đò như mọi năm. Tuy nhiên, khách du lịch tốt nhất là lên mang theo đồ ăn đi, hạn chế ăn uống trên đó kẻo mất tiền oan”.

16473365_902705183205972_

Năm 2017, Chùa Hương dự kiến đón khoảng 1,3 đến 1,5 triệu khách, thu ngân sách khoảng 100 tỷ đồng. Ảnh: Tiểu Lâm

Tiếp tục “tố” chất lượng dịch vụ chùa Hương, anh Đoàn Huy, một du khách từ TP.HCM đến chùa Hương lần đầu tiên nói: “Lần đầu mình đi không có kinh nghiệm, bị ‘cò’ đến mời chào. Lúc đó, mình tưởng rẻ thật định chèo lên đò thì có anh bảo vệ ra ‘tuýt còi’. Anh ấy bảo, mấy bà đấy quen mặt rồi, toàn lừa đảo hết, cấm mãi rồi cũng không được. Mấy bà đó chỉ chờ anh lên rồi chở lòng vòng ở suối rồi lấy cớ nào đó đuổi anh về mà thôi”.

Anh Huy có mong muốn, các sở, ban, nghành du lịch của Thành phố nên kiêm quyết dẹp bỏ nạn chèo kéo, chặt chém ở chốn linh thiêng chùa, chiền.

Bình luận
vtcnews.vn