Khách "kêu trời" vì cấm đội MBH, che mặt khi dùng ATM

Kinh tếThứ Sáu, 10/12/2010 12:44:00 +07:00

Nhiều khách hàng cho rằng dự thảo cấm đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang khi sử dụng ATM là không thực tế, thiếu khả thi.

Nhiều khách hàng cho rằng dự thảo cấm đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang khi sử dụng ATM là không thực tế, thiếu khả thi. Còn quy định phải cách nhau 1m khi giao dịch có thể khiến người đợi phải đứng dưới lòng đường.


Sau khi đọc thông tin về dự thảo quy định cấm người đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang giao dịch ở ATM, chị Chu Hoàng ở Thái Thịnh (Hà Nội) tỏ rõ băn khoăn. Chị bộc bạch: “Bình thường, tôi vẫn chạy đến máy rút tiền đặt ngay ở ngoài đường và vẫn để nguyên mũ bảo hiểm và khẩu trang. Mục đích là để rút cho nhanh chứ không có ý định gian lận gì và rất nhiều người cũng làm giống như tôi. Nếu quy định đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang khi rút tiền là có dấu hiệu gian lận thì không ổn lắm”.

Anh Tuấn Long ở phố Hai Bà Trưng (Hà Nội) thì cho rằng, giao dịch tại ATM phần lớn diễn ra ở ngoài đường, không có nhân viên ngân hàng giám sát nên việc cấm đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang là không khả thi.

Giao dịch tại ATM thường diễn ra rất nhanh nên khách hàng ngại cởi mũ bảo hiểm.  

“Chỉ có một số ít người đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang khi thực hiện giao dịch để gian lận. Thế nhưng, khi họ gian lận thì cũng chẳng ngăn được vào thời điểm đó bởi không có người giám sát. Thành ra quy định có thể làm phiền người ngay mà không ngăn được kẻ gian”, anh Long nói.

Trong khi đó, chị Nguyễn Thu Hằng ở Trung Hòa, Nhân Chính (Hà Nội) đặt vấn đề, ở một số địa điểm, máy ATM gần sát so với lề đường. Với quy định người đứng chờ phải cách ít nhất 1m so với người đang thực hiện giao dịch họ chỉ còn cách đứng dưới lòng đường mà đợi. “Như vậy thì rất dễ bị xe đi đường tông vào hoặc cũng bị chửi vì đứng chờ ở chỗ quá oái ăm”, chị bình luận.

Theo chị Hằng, nếu như ngân hàng thực hiện nhận diện bằng vân tay trên máy ATM ở bàn phím thì không cần phải dùng đến camera. Tuy nhiên, chị cũng cho rằng nếu người đến giao dịch có ý định giấu nhận diện mặt hoặc vân tay thì họ cũng sẽ “lách” được.

Một chuyên gia có kinh nghiệm trong ngành thẻ nhận xét: “Quy định như trong dự thảo có mục đích tốt nhưng chưa tính tới nhiều yếu tố thực tế nên khó thực thi”. Ông này cho rằng, nếu một vị khách đi vào ngân hàng rút, gửi tiền hay thực hiện các giao dịch khác thì việc đội mũ bảo hiểm và đeo khẩu trang sẽ không phù hợp.

Khi giao tiếp với nhân viên ngân hàng, ở trong những trụ sở sang trọng mà cứ đeo khẩu trang hay đội mũ bảo hiểm thì tự bản thân khách cũng thấy kỳ dị và không cần dùng đến quy định của luật pháp. Thế nhưng, với ATM là một cái máy thì khác. “Trong trường hợp này, họ cần nhanh và sự thuận tiện”, chuyên gia này nói.

Trong khi dự thảo về giao dịch trên ATM vẫn còn tranh cãi xung quanh chuyện mũ bảo hiểm, khẩu trang thì một công ty vàng bạc đá quý đã áp dụng quy định này. Ông Phạm Hải Âu, Phó tổng giám đốc Công ty vàng bạc Phú Quý cho biết, công ty có yêu cầu khách không đội mũ bảo hiểm, đeo kím râm hoặc khẩu trang khi đến cửa hàng giao dịch. Quy định này đã được áp dụng tại cửa hàng của công ty từ năm 2009.

"Đối với ngành vàng bạc, chúng tôi cần sự giám sát chặt chẽ. Nếu khách hàng đeo khẩu trang, đeo kính râm, công tác nhận dạng sẽ trở nên rất khó khăn”, ông Âu nói. Đại diện của Phú Quý cho biết thêm, đa số khách hàng cũng rất thoải mái khi tuân thủ những quy định này.

Tuy nhiên, về điều tương tự sẽ áp dụng cho người giao dịch tại máy ATM, ông Hải Âu lại cho rằng chưa phù hợp. Với ngành vàng bạc, khách vào trong cửa hàng và giao dịch khá lâu nên việc bỏ mũ bảo hiểm, khẩu trang là hợp lý. Còn những người đến ATM đa phần là ghé vào rút tiền rồi đi rất nhanh, do đó việc cởi bỏ mũ bảo hiểm, khẩu trang trở nên bất tiện.

Vị lãnh đạo ngành vàng bạc cho rằng: “Nếu Nhà nước có quy định nào đó thì chỉ nên khuyến khích người dân bỏ mũ bảo hiểm, khẩu trang khi giao dịch tại ATM chứ khó mà cấm được”.

Trong khi đó, một lãnh đạo cấp cao của Ngân hàng Nhà nước – cơ quan dự thảo quy định này, cho biết, rất nhiều trường hợp xảy ra tranh chấp đã đi vào bế tắc. Nguyên nhân là người rút tiền hoặc thực hiện giao dịch trên ATM đội mũ bảo hiểm, đeo khẩu trang hoặc sử dụng các biện pháp khiến cho camera không nhận diện được.

Ông nhấn mạnh, quy định người thực hiện giao dịch ATM phải để cho camera nhận diện nhằm giúp cho khách hàng giảm thiểu rắc rối có thể xảy ra, bảo vệ người gửi tiền chứ không có mục tiêu gây phiền hà. Tuy nhiên, vị lãnh đạo này cũng cho biết, cơ quan quản lý sẵn sàng lắng nghe các ý kiến phản hồi, góp ý từ các ngân hàng thương mại để có được quy định phù hợp nhất.


Theo Vnexpress

Bình luận
vtcnews.vn