Khách hàng nên cẩn trọng khi ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Alma

Kinh tếThứ Bảy, 01/12/2018 20:30:00 +07:00

Nhiều khách hàng ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của Alma đã gửi đơn đến báo điện tử VTC News phản ánh những mập mờ trong hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại dự án này.

Theo đơn phản ánh của bà Nguyễn Thu Hương, tháng 9/2017, bà ký Hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ tại dự án Alma với công ty TNHH Khu du lịch Vịnh Thiên Đường (gọi tắt là công ty Vịnh Thiên Đường).

Theo bà Hương, trước khi ký hợp đồng này, bà được các nhân viên tư vấn của công ty nói đến Noel 2018 sẽ khai trương và được quyền chuyển nhượng nếu không có nhu cầu sử dụng.

Alma

 Cổng vào dự án Alma tại Khánh Hòa vào thời điểm tháng 4/2017. (Ảnh: Vnmedia).

Tuy nhiên đến ngày 2/6/2018, bà Hương nhận được email của công ty thông báo dự án Alma (Nha Trang) sẽ lùi lại ngày khai trương, từ 25/12/2018 đến tháng 10/2019.

"Alma đã không giữ đúng cam kết ban đầu với tôi, tôi thấy mất niềm tin vào công ty. Không biết đến bao giờ tôi mới được sở hữu kỳ nghỉ của mình", bà Hương cho biết.

Cũng theo bà Hương, khi ký hợp đồng, các nhân viên của Alma giục ký rất nhanh nên khách hàng còn chưa kịp đọc. 1 tháng sau họ mới gửi hợp đồng lại và lúc đó khách hàng mới được đọc. Bà Hương cho biết, tổng số tiền bà đã đóng cho Alma là 375.850.000 đồng.

Điều đáng nói, sau khi bị lùi ngày khai trương, bà Hương mới đọc lại hợp đồng và thấy có quá nhiều điều bất lợi cho khách hàng.

Cụ thể, theo hợp đồng: "Thời hạn thực hiện quyền Nghỉ dưỡng có nghĩa là khoảng thời gian bắt đầu từ ngày chính thức khai trương và chấm dứt vào ngày hết hạn dự án...", nhưng cả hợp đồng không thấy ghi ngày khai trương là ngày nào.

Theo luật sư Trương Anh Tú, đây là hợp đồng có nội dung cực kì phức tạp, những người am hiểu pháp luật như luật sư, luật gia cần phải có thời gian nghiên cứu mới hiểu được. Tuy nhiên, theo bà Hương, khách hàng chỉ có thời gian 30 phút để đọc và ký bản hợp đồng rất nhiều trang, nhiều điều khoản.

Với khoảng thời gian như trên, chỉ đủ để khách hàng đọc các chữ có trong hợp đồng mà chưa nói đến việc đọc hiểu, hoặc có ý kiến đối với hợp đồng. Điều này, khẳng định tính tự do, tự nguyện giao kết hợp đồng là không có.

Hợp đồng này cũng có rất nhiều điều bất lợi cho khách hàng. Cụ thể, theo luật sư Trương Anh Tú, tại điều 9 của hợp đồng về "Bồi thường" có ghi: "Theo hợp đồng này, Khách nghỉ dưỡng đồng ý rằng, Khách nghỉ dưỡng sẽ không thực hiện bất cứ khiếu nại hoặc khiếu kiện nào chống lại Công ty".

Theo điểm b khoản 1 điều 16 Luật Bảo vệ người tiêu dùng: “Điều khoản của hợp đồng giao kết với người tiêu dùng, điều kiện giao dịch chung không có hiệu lực trong trường hợp sau đây: "b, Hạn chế, loại trừ quyền khiếu nại, khởi kiện của người tiêu dùng”.

Như vậy, điều này trái với Luật Bảo vệ quyền lợi Người tiêu dùng về quyền được khiếu nại của người tiêu dùng.

Ngoài ra, tại điều 13 về "Bảo mật" có ghi: "không Bên nào cung cấp bất cứ thông cáo báo chí nào hoặc tuyên bố trước công luận hoặc giao tiếp với bất cứ phương tiện thông tin đại chúng hoặc bên thứ ba nào liên quan đến Hợp đồng này hoặc các giao dịch dự kiến tại đây mà không có sự phê chuẩn trước của bên còn lại…”

Theo Luật sư Trương Anh Tú, Điều 13 là vi phạm tại Điều 10, điều 11 Luật Báo chí, cản trở quyền tự do ngôn luận, cản trở hoạt động báo chí. Việc Alma viện dẫn các lý do bảo mật để bảo vệ thông tin cá nhân của khách hàng là không phù hợp. Trong trường hợp này, khách hàng tự nguyện cung cấp thông tin của chính mình thì không được coi là vi phạm.

Còn theo luật sư Nguyễn Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Luật Quốc tế Thiên Việt - Đoàn luật sư Hà Nội, tại điều 19 có ghi: "Khách nghỉ dưỡng không có quyền chuyển nhượng, chuyển giao các quyền và các nghĩa vụ của mình theo hoặc phát sinh từ hợp đồng này (dù toàn bộ hay một phần) cho bất kỳ bên thứ ba nào mà không có sự đồng ý bằng văn bản của công ty".

Trong khi đó, hợp đồng ghi "Sở hữu kỳ nghỉ", vậy khi đã "sở hữu" thì đồng nghĩa với khách hàng được quyền chuyển nhượng, chuyển giao tài sản của mình vậy tại sao hợp đồng lại ghi không được chuyển nhượng?.

Phân tích sâu hơn về bản hợp đồng này, luật sư Trương Anh Tú cho biết, hợp đồng này vô lý ngay từ cái tên "Sở hữu kỳ nghỉ". Đây là cái tên do chủ đầu tư tự nghĩ ra. Kỳ nghỉ là một trạng thái nghỉ ngơi, thì không thể sở hữu.

Thứ hai, dự án Alma là khu du lịch, cung cấp phòng phục vụ cho dịch vụ lưu trú, khách đến lưu trú phải trả phí lưu trú. Nói cách khác, khách chính là người đi ở trọ. Vì thế khách hàng đang mua cái không thuộc về mình.

"Ngoài ra, việc khai thác dịch vụ lưu trú này chỉ được thực hiện khi dự án đã xây xong, đầy đủ nội thất, được kiểm định chất lượng và đủ điều kiện khai thác thì mới được cung cấp dịch vụ lưu trú. Có dịch vụ rồi thì khách mới trả phí, trả tiền. Trong khi dự án này vẫn chưa xây dựng xong, việc ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ là chưa được phép", luật sư Trương Anh Tú khẳng định.

Từ những phân tích trên của các luật sư, khách hàng nên cẩn trọng khi tham gia và ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ của công ty Vịnh Thiên Đường.

>>> Đọc thêm: Hà Nội có 98 công trình chung cư xảy ra tranh chấp, khiếu kiện

Ngọc Vy
Bình luận
vtcnews.vn