Khắc phục “bệnh thừa tiền” để tái cơ cấu kinh tế

Thời sựThứ Sáu, 20/04/2012 05:55:00 +07:00

(VTC News) - Ông Phùng Quốc Hiển cho rằng chúng ta phải cơ cấu lại kinh tế bằng "hai bàn tay" thì mới khắc phục được căn bệnh thừa tiền.

(VTC News) - Góp ý cho Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cho rằng chúng ta phải cơ cấu lại kinh tế bằng "hai bàn tay" thì mới khắc phục được căn bệnh thừa tiền…

Ngày 19/4, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế.

Tại buổi làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho biết về cơ bản, đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Kinh tế nhận thấy cách đặt vấn đề của Đề án chưa nêu bật các điểm đặc trưng của sự cần thiết phải tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng.

Theo đó, Ủy ban Kinh tế đề nghị bổ sung tái cấu trúc nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng cho phù hợp với những diễn biến mới.

Các tiêu chí đánh giá sự phát triển bền vững gồm: tăng trưởng kinh tế ổn định; thực hiện tốt tiến bộ và công bằng xã hội; khai thác hợp lý, sử dụng tiết kiệm và có hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ và nâng cao chất lượng môi trường sống. Việc phân giao nhiệm vụ phải theo hướng ai sử dụng hiệu quả hơn thì được giao nhiệm vụ.

Chủ nhiệm Nguyễn Văn Giàu cũng cho biết đa số ý kiến Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, trong 10 năm tới nên thực hiện theo hướng Chính phủ chỉ hoạch định cơ chế chính sách và chọn một số khâu đột phá trong đó sử dụng nguồn lực từ ngân sách nhà nước, chủ thể thực hiện không chỉ là doanh nghiệp nhà nước mà các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế khác cũng tham gia, đóng vai trò quan trọng.

Ông Phùng Quốc Hiển. 

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển thì nhấn mạnh đến vấn đề nội lực, theo đó bản thân nền kinh tế phải tự thân, phát huy được sức mạnh tự lực cánh sinh.

Ông Hiển cũng góp ý, đề án Chính phủ đưa ra 5 mục tiêu tái cơ cấu kinh tế, tuy nhiên theo Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách thì nên để 2 mục tiêu là tái cơ cấu nền kinh tế phải đáp ứng được nền kinh tế nước ta phát triển ổn định, hiệu quả, bền vững ở mức độ cao hơn; tạo ra được cơ cấu kinh tế về nông nghiêp, công nghiệp và dịch vụ hợp lý, vùng miền hợp lý, cơ cấu ngành hợp lý để hướng tới công nghiệp hóa-hiện đại hóa.

“Nên để 2 mục tiêu  như thế cho rõ”, ông Hiển nói.

Còn theo Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, đây là đề án tổng thể về tái cấu trúc kinh tế gắn với mô hình tăng trưởng, theo đó, tái cấu trúc lại cả nền kinh tế, ngành kinh tế, khu vực kinh tế… - nên đề án cần đề ra trong 5 năm tới nên tập trung 3 khâu: tái cấu trúc ngân hàng, tái cấu trúc đầu tư trong đó tập trung đầu tư công; tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước mà trọng tâm là các tập đoàn kinh tế và các tổng công ty.

“Nội hàm đề án rộng nhưng phải có cái ưu tiên tập trung và theo đó là nên ưu tiên 3 khâu trên,”  Phó Chủ tịch Uông Chu Lưu gợi ý.

Cần làm rõ vai trò tổng chỉ huy của Nhà nước

Cho ý kiến về Đề án tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Phùng Quốc Hiển cũng nhấn mạnh đến vai trò của Nhà nước, theo đó, kinh tế thị trường và “bàn tay” của Nhà nước phải kết hợp với nhau, nhưng kinh tế thị trường là chính, có bàn tay điều tiết của Nhà nước nhưng không can thiệp quá sâu. Như vậy, theo ông Hiển, thì mới khắc phục được căn bệnh… thừa tiền.

Ông Hiển cũng cho rằng phải chuyển dịch tài chính từ nơi kém hiệu quả sang nơi có hiệu quả.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách cũng đề nghị trong đề án Chính phủ nên xây dựng hệ thống các chỉ tiêu cảnh báo rủi ro, ví dụ đối với nền kinh tế như nợ công, xuất nhập khẩu, thị trường lao động…  để nhà đầu tư, doanh nghiệp, nhân dân dựa vào đó để có tiếp tục đầu tư hay không đầu tư.

Liên quan đến vai trò của Nhà nước, Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai cũng nhìn nhận vai trò của Nhà nước trong đề án chưa đậm nét, theo bà Mai, đề án cần nêu rõ vai trò của doanh nghiệp Nhà nước là nòng cốt - “nòng cốt như thế nào cũng làm rõ trong đề án”.

“Vai trò tổng chỉ huy của nhà nước không thể không có, đưa ra 13 nhóm giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế nhưng vai trò nhà nước cần làm rõ”, bà Mai đề nghị.

Tại buổi làm việc, nhiều đại biểu cũng góp ý về vấn đề nguồn lực thực hiện đề án.

Chủ nhiệm Ủy ban các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đặt câu hỏi: “Nguồn lực để tái cơ cấu là gì, trong khi đối với các nước thì nguồn lực rất quan trọng, người ta sử dụng 5-10% GDP, thậm chí có nước còn cao hơn để người ta vượt qua khủng hoảng kinh tế. Chúng ta cần làm rõ nguồn lực nhà nước là bao nhiêu, nguồn lực xã hội là bao nhiêu để tái cơ cấu vì tái cơ cấu mà không có nguồn lực thì không làm được”.

Cũng lưu ý về nội dung này, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh “phải nêu rõ cái gì Nhà nước làm, nếu làm thì Nhà nước làm tới đâu, nếu không khéo sẽ quay trở lại thời kinh tế kế hoạch”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân cho biết, ngày 27/4 tới sẽ có Hội nghị trực tuyến báo cáo đại biểu Quốc hội về đề án này./.

Kiều Minh

Bình luận
vtcnews.vn