Kẹt xe trên cầu xuống cấp, nếu cầu sập ai chịu trách nhiệm?

Thời sựThứ Tư, 29/11/2017 20:21:00 +07:00

“Mỗi lần kẹt xe là phải vài trăm người, cả chục tấn. Lỡ sập cầu, dân nguy hiểm thì ai chịu trách nhiệm?”, cử tri bức xúc.

Chiều 29/11, Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân và Đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM tiếp xúc cử tri tại huyện Nhà Bè. Nhiều vấn đề liên quan đến sạt lở đất bờ sông, hạ tầng giao thông được người dân tiếp tục kiến nghị đến các Đại biểu Quốc hội.

Cử tri Nguyễn Văn Ngọc (xã Phước Kiển) đặt câu hỏi: “Cầu Long Kiển khi nào xong?”. Theo ông Ngọc, kế hoạch xây cầu từ năm 2000 nhưng đến nay chính quyền vẫn nói “sẽ làm”. Tiền đền bù giải tỏa năm 2000 hơn 3,1 triệu đồng, giờ 17 năm rồi thì giá này không còn phù hợp nữa.

Trong khi đó cử tri Huỳnh Văn Mẫm (xã Nhơn Đức) cho biết huyện Nhà Bè hiện vẫn còn sử dụng 4 cây cầu sắt xuống cấp, rất yếu. “Bốn cầu sắt này từ thời Pháp đến bây giờ, người dân rất lo khi đi qua cầu lúc kẹt xe. Trên cầu hàng trăm chiếc xe đi tới không được, đi lui không được, đứng một chỗ. Phụ nữ qua cầu là mặt mày xanh lét, chỉ sợ cầu sập rơi xuống sông”, ông Mẫm nói.

Ket xe tren cau xuong cap, neu cau sap ai chiu trach nhiem? hinh anh 1

 Bí thư Nguyễn Thiện Nhân trao đổi với cử tri Nhà Bè chiều 29/11. (Ảnh: Hà Hương)

Bên cạnh đó, ông Mẫm phản ánh đường lúc nào cũng ngập. “Một tháng 30 ngày thì ngập 26 ngày, còn 4 ngày không ngập. Ngập từ 80 cm đến 1 m, học sinh đi học mặc áo dài, đi lại bị té rất nguy hiểm và tội nghiệp”. Trong khi đó, đường liên xã được thi công nhưng không có cống thoát nước khiến nước ngập hư đường. Đường gắn bảng cấp 8 tấn nhưng xe 20-30 tấn chạy bình thường.

Cử tri Võ Ngọc Dũng (xã Nhơn Đức) bức xúc về đường Lê Văn Lương 2 đã quy hoạch mười mấy năm nhưng vẫn chưa làm. “Người dân sống ở nơi quy hoạch “treo” rất thiệt thòi, hạn chế quyền sử dụng đất, muốn làm gì cũng không được. Đề nghị nếu quy hoạch 3-5 năm mà không thực hiện thì phải gỡ quy hoạch cho người dân được thực hiện các quyền về đất đai của mình”, ông Dũng nói.

Cử tri bức xúc rằng dù mang tiếng là thành phố dẫn đầu về kinh tế, mà lại còn 4 cây cầu không làm nổi, toàn cầu sắt trọng tải 2,5 tấn. “Mỗi lần kẹt xe là phải vài trăm người, cả chục tấn. Lỡ sập cầu, dân nguy hiểm thì ai chịu trách nhiệm?”, ông Dũng phát biểu.

Với những bức xúc của cử tri, Bí thư Nguyễn Thiện Nhân đề nghị Chủ tịch UBND huyện Nhà Bè gửi Đoàn đại biểu Quốc hội danh sách tất cả dự án đầu tư, cả dự án chưa làm song đã hết hiệu lực.

“Sau khi có danh sách, Đoàn đại biểu Quốc hội sẽ đề nghị có đoàn giám sát chủ đề này, vì sao còn có những người dân không đồng tình với chính sách đền bù giải tỏa. Sau đó, đoàn sẽ làm việc với UBND TP.HCM để thành phố có hướng giải quyết”, Bí thư Nhân nói.

Video: Sức công phá của quả bom dưới cầu Long Biên khủng khiếp thế nào?

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn