Kết thúc điều trần công khai, đảng Dân chủ đang 'ủ mưu tính kế' gì?

Thế giớiThứ Sáu, 22/11/2019 12:22:00 +07:00

Đảng Dân chủ sẽ phải quyết định sẽ làm gì tiếp theo sau khi các phiên điều trần công khai luận tội Tổng thống Trump kết thúc theo lịch trình.

"Trong những ngày tới, Quốc hội sẽ xác định phản ứng nào là phù hợp", Chủ tịch Ủy ban Tình báo Hạ viện Adam Schiff nói hôm 21/11. 

Đảng Dân chủ đang bước vào "tuần giải lao" sau các phiên điều trần công khai và cố gắng tìm hiểu xem liệu họ có thể tiến tới mục tiêu dự kiến là tổ chức một phiên điều trần luận tội trước khi kết thúc năm hay không. 

Nhưng trước đó họ vẫn còn nhiều việc quan trọng để làm.

Quyết định có triệu tập thêm nhân chứng hay không

12 nhà ngoại giao, quan chức tham gia vào 2 tuần điều trần công khai. Đại đa số họ mô tả cách Tổng thống Trump thông qua luật sư cá nhân Rudy Giuliani cố gắng gây áp lực buộc Ukraine điều tra cựu Phó Tổng thống Joe Biden.

Nhưng những cái tên mà nhiều người kỳ vọng xuất hiện lại không lộ diện như Ngoại trưởng Michael Pompeo, Quyền chánh văn phòng Nhà Trắng Mick Mulvaney và đặc biệt là cựu Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton.

tump

Tổng thống Mỹ Donald Trump. (Ảnh: Reuters) 

"Chúng tôi chưa kết thúc", Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi nói với các phóng viên hôm 21/11.

Thứ 2 có thể là điểm mốc quyết định cho vấn đề này. Một thẩm phán Mỹ dự kiến sẽ đưa ra phán quyết về việc liệu cựu luật sư Nhà Trắng Don McGahn có phải trả lời các câu hỏi của Ủy ban Tư pháp Hạ viện hay không. Đây có thể sẽ trở thành tiền lệ để giải quyết các tranh chấp giữa đảng Dân chủ và Nhà Trắng liên quan tới vấn đề nhân chứng. 

"Chúng tôi không phó mặc cho tòa án. Tòa án rất quan trong tất cả vấn đề này, những vụ kiện sẽ tiếp tục. Nhưng chúng tôi chưa bao giờ nói rằng chúng tôi không thể thực hiện các vụ kiện mà không có tòa án", bà Pelosi nhấn mạnh. 

Theo đuổi các nhân chứng mới, đảng Dân chủ sẽ phải bỏ thêm thời gian và công sức vào quỹ thời gian eo hẹp của họ. Ở thời điểm hiện tại, hầu hết các thành viên của đảng này đều không hy vọng sẽ có thêm các phiên điều trần công khai. 

Thúc đẩy tài liệu

Chính quyền Trump ra lệnh cho các cơ quan liên bang thách thức trát hầu tòa từ Ủy ban Tình báo về một loạt tài liệu và email. 

Hôm 20/11, Đại sứ Mỹ tại EU Gordon Sondland phàn nàn rằng lời khai của ông bị cản trở vì ông không có được các hồ sơ và ghi chú cần thiết. 

Hôm 23/10, một thẩm phán ra lệnh cho Bộ Ngoại giao Mỹ trong vòng 30 ngày cung cấp các tài liệu liên quan  tới việc chính quyền Trump liên hệ với chính quyền Ukraine.

Tuy nhiên, một số nghị sỹ Dân chủ nghi ngờ liệu Bộ Ngoại giao Mỹ có tuân thủ yêu cầu này ngay sau thời hạn mà thẩm phán đưa ra. 

Báo cáo lên Ủy ban Tư pháp

Sau khi Ủy ban Tình báo hoàn thành giai đoạn thăm dò, họ sẽ đệ trình một báo cáo với các khuyến nghị lên Ủy ban Tư pháp Hạ viện. 

Đảng Dân chủ và các quan chức quen thuộc với hoạt động của Ủy ban tình báo tiết lộ việc soạn thảo các báo cáo sẽ bắt đầu một cách nghiêm túc vào tuần tới với mục tiêu đưa nó tới tay Ủy ban Tư pháp vào đầu tháng 12. 

Chủ tịch Ủy ban Tư pháp Jerrold Nadler có quyền lựa chọn tổ chức các phiên điều trần hay không. Tại các phiên điều trần đó, các đại diện của Tổng thống Trump có thể tham gia theo quy tắc điều tra luận tội được Hạ viện phê chuẩn. Luật sư của tổng thống cũng được phép tham gia và có cơ hội kiểm tra chéo các nhân chứng. 

Bà Pelosi từng thách thức Tổng thống Trump ra làm chứng trực tiếp và nhà lãnh đạo Mỹ nói ông sẽ cân nhắc lời đề nghị này. 

Các công việc ở khâu cuối sẽ thuộc về Ủy ban Tư pháp. Ủy ban này sẽ mất vài tuần để thực hiện công việc của mình sau khi nhận được báo cáo. 

Sau đó, Ủy ban này sẽ bỏ phiếu quyết định có đưa vấn đề luận tội ra thảo luận trước toàn thể Hạ viện hay không. Nếu được thông qua, một phiên họp toàn thể của Hạ viện Mỹ sẽ tiến hành bỏ phiếu về một hoặc nhiều cáo buộc luận tội tổng thống.

Nếu đa số phiếu ủng hộ cáo buộc nhằm vào tổng thống, ông Trump sẽ chính thức bị luận tội tại Hạ viện và chuyển lên Thượng viện phán xét.

Thượng Viện khi đó sẽ tổ chức một phiên tòa để xác định Tổng thống có tội hay không và có phế truất ông hay không. 

Bỏ phiếu luận tội

Theo Bloomberg, mục tiêu bỏ phiếu luận tội Tổng thống Trump trước cuối năm nay đang trở nên khó khăn hơn bao giờ hết. 

Trong trường hợp cuộc bỏ phiếu bị hoãn sang năm tới, nó sẽ trì hoãn phiên tòa tại Thượng viện về việc phế truất Tổng thống đương nhiệm. Với việc chiến dịch chạy đua vào Nhà Trắng đang tới hồi gay cấn, việc trì hoãn sẽ chỉ khiến cử tri bớt quan tâm hơn tới cuộc điều tra điều trần khi mà họ còn đang bận lựa chọn ứng viên mình muốn bỏ phiếu.

Luận tội thành công ông Trump tại Hạ viện có thể là điều khả thi nhưng phế truất Tổng thống lại là chuyện hoàn toàn khác. Để buộc ông Trump rời văn phòng cần 2/3 số phiếu tại Thượng viện mà đảng Cộng hòa đang chiếm đa số ghế. Cho tới nay, không có bất cứ thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa nào nói họ sẽ bỏ phiếu để kết tội ông Trump. Đây được xem là một thách thức lớn và khó có thể vượt qua với đảng Dân chủ. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn