Kết cục của cuộc chiến Console - tương lai nằm ở đâu?

Thế giới gameThứ Hai, 07/06/2010 01:18:00 +07:00

(VTC News) – Cuộc chiến console đã diễn ra khá lâu và dường như đã đến hồi kết. Điện toán đám mây có thể là câu trả lời cho tương lai ?

(VTC News) – Cuộc chiến console đã diễn ra khá lâu và dường như đã đến hồi kết. Điện toán đám mây có thể là câu trả lời cho tương lai ?

 
Nếu quay trở lại thời điểm những năm 80 của thế kỷ trước, bạn sẽ thấy hình ảnh những cỗ máy chơi game kềnh càng nằm dưới chiếc TV chờ bạn cắm « băng » vào chơi là một chuyện hết sức bình thường và phổ biến.

Thuật ngữ « Cuộc chiến Console » là để chỉ sự cạnh tranh giữa những « gã khổng lồ » của ngành công nghiệp phần cứng chơi game trong suốt 3 thập kỷ qua. Tuy nhiên ranh giới của những cuộc chiến giữa các « fan » đã mờ nhạt hơn trong những năm qua, một phần bởi số lượng các tựa game chất lượng được ra mắt độc quyền trên các hệ máy nhất định. Một lý do khác khả dĩ hơn là thế hệ game thủ xưa giờ đã trưởng thành, và họ có đủ nguồn lực để mua tất cả các hệ máy nếu muốn.

 
Không thể phủ nhận Nintendo là đối thủ lâu đời nhất trong thị trường console, nhưng Sony và Microsoft cũng đã có những ảnh hưởng rất lớn đối với sân chơi này và mỗi thay đổi họ tạo ra đều có những tác động rõ ràng tới làng game.

Chúng ta đã chứng kiến sự bắt đầu dịch chuyển sang môi trường online trên Wii, Xbox 360 và PS3. Nhiều chuyên gia trong ngành công nghiệp game dự đoán rằng trong tương lai chúng ta sẽ chơi game theo cách này. Khái niệm này không chỉ thú vị mà còn có khả năng tạo ra những sự thay đổi to lớn trong tình trạng nền kinh tế đang thay đổi nhanh chóng như hiện nay.

Với kỷ nguyên của các nội dung online sắp tới, người dùng sẽ không còn phải mua những chiếc máy console đang được bày bán tràn lan như hiện nay nữa. Chúng ta đang tiến tới thời kỳ được mệnh danh là thế hệ console thứ 8, được dự đoán sẽ rơi vào khoảng năm 2013 và 2014.

Một vài người thậm chí còn khẳng định chúng ta sẽ không thấy thế hệ thứ 8 này, và điều này cũng đúng nếu mọi người đều chơi game thông qua nền tảng online, nghĩa là chẳng cần phải dùng tới console nữa.

 
Cũng phải nói rằng việc loại bỏ các nền tảng chơi game quen thuộc sẽ không phải chuyện một sớm một chiều. Có rất nhiều thứ phải thay đổi : nền tảng kỹ thuật, thói quen… Đó là vấn đề mà những ông lớn như Microsoft, Sony hay Nintendo cần quan tâm tới.

Tuy nhiên, OnLive dường như sẽ mang tới một sự thử nghiệm cho những gì có thể sẽ diễn ra trong tương lai. Có rất nhiều câu hỏi được đặt ra về định hình tương lai của thiết bị chơi game. Microsoft, Sony và Nintendo sẽ có vai trò gì trong mặt trận này ? Liệu khách hàng online có lại bị phân hóa bởi 3 nhà phân phối lớn, hay các hãng phần mềm thứ ba sẽ được dự phần trong chiếc bánh này ? Tại thời điểm hiện tại, không có gì chắc chắn để có thể nói trước được. Nhưng có một điều chắc chắn, đây sẽ là xu hướng và sự thay đổi sẽ diễn ra trong thập kỷ tới.

Dù cho kết quả của xu thế này sẽ ra sao, có một thứ cần phải quan tâm đến đó là vấn đề bản quyền. Các công ty sẽ lại bắt đầu thúc đẩy các điều luật để siết chặt hoặc nới lỏng về những vấn đề liên quan đến bản quyền số.

 
Và không chỉ các công ty phần cứng và phần mềm cảm thấy bất ổn với thời điểm hiện tại, mà những công ty như Game Stop cũng có những vấn đề nghiêm trọng với hình thức kinh doanh hiện nay nếu mọi người từ bỏ thói quen mua game tại các điểm bán lẻ.

Một điều tuyệt vời để giải quyết vấn đề này là các nhân vật chủ chốt của ngành công nghiệp game quyết định ngồi lại với nhau để cùng đưa ra giải pháp và thay đổi một cách toàn diện. Tất cả còn ở phía trước, nhưng một điều mà làng game cần phải cẩn thận đề phòng là sự thống trị của một dịch vụ phân phối phần mềm độc quyền nào đó. Cuộc chiến console có thể đã đến lúc chấm dứt, nhưng một cuộc chiến mới không kém phần gay cấn có thể đang chờ đón ở phía trước.

Hoàng Ngọc

Bình luận
vtcnews.vn