Kết án sai, chủ tọa phiên tòa phải chịu trách nhiệm

Thời sựThứ Ba, 23/09/2014 11:25:00 +07:00

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi để xảy ra án oan sai, chủ tọa phiên tòa phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp.

(VTC News) – Chủ tịch Quốc hội cho rằng khi để xảy ra án oan sai, chủ tọa phiên tòa phải là người chịu trách nhiệm trực tiếp.

Sáng 23/9, Thường vụ Quốc hội tiếp tục thảo luận về dự án Luật tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi) với nhiều nội dung quan trọng.

Đặt câu hỏi cho ban soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng đặt vấn đề: “Khi tòa mở phiên tòa xét xử, không đảm bảo nguyên tắc có tranh tụng thì có đủ điều kiện mở phiên tòa chưa?”.
 Ông Nguyễn Thanh Chấn bị án oan 10 năm
Chủ tịch Quốc hội cho rằng bị can, bị cáo bị bắt giữ có quyền im lặng đến khi có luật sư mới trả lời. Điều này cũng nhận được sự đồng tình của Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường.

Bị can, bị cáo có quyền tự bào chữa, nhờ bào chữa và phải đảm bảo nguyên tắc tranh tụng. Những quyền này phải có để đảm bảo xét xử công bằng. Nếu không đảm bảo điều đó thì tòa không thể đảm bảo công lý được.

“Trong quá trình công tố, không đảm bảo điều kiện ấy thì các đồng chí có dừng lại không?”, Chủ tịch Quốc hội đặt câu hỏi.

Tòa giải quyết mọi vấn đề ở xét xử. Nếu không bảo đảm những điều đó thì tòa không thể đảm bảo công lý, công bằng.

"Khi tòa xử rồi mà xử sai thì tòa phải chịu trách nhiệm. Trách nhiệm ở đây phải là thẩm phán – chủ tọa của phiên tòa", Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Khi để xảy ra án oan sai, Viện kiểm sát phải vào xem lại toàn bộ trình tự pháp lý của phiên tòa này. Bên điều tra cũng phải vào để xem lại có tiêu cực không, có nhũng nhiễu không?

Trả lời về vấn đề này, ông Trương Hòa Bình – Chánh án Tòa án nhân dân tối cao cho biết theo quy định tố tụng hiện nay nếu tòa nhận hồ sơ của Viện kiểm sát gửi sang nếu thấy chưa đầy đủ thì có quyền trả lại yêu cầu điều tra bổ sung. Tuy  nhiên, ông Bình cũng cho biết trong thực tế việc điều tra bổ sung vẫn chưa đảm bảo.
Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao
Ông Trương Hòa Bình - Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao 
Trước khi đưa ra xét xử, tòa phải đảm bảo các điều kiện tranh tụng. Nếu chứng cứ cảm thấy chưa chặt chẽ để không thể tranh tụng thì tòa phải làm cho rõ. Thực hiện quyền tranh tụng, quyền bào chữa, quyền tự bào chữa sẽ được quy định trong luật tố tụng trên tinh thần nguyên tắc tranh tụng được đảm bảo.

Khi đưa ra xét xử, theo tinh thần của Hiến pháp mới, nếu chứng cứ buộc tội không chắc chắn, các cơ quan điều tra không chứng minh được phạm tội thì phải tuyên vô tội. Tòa tuyên không phạm tội thì các cơ quan tố tụng phải nhận trách nhiệm. Ông Bình cũng cho biết, khi để xảy ra án oan sai sẽ liên quan đến việc bồi thường nhà nước.

"Vì vậy, đòi hỏi quá trình thụ lý, điều tra, truy tố, xét xử phải hết sức chặt chẽ và phải làm đúng chức năng của từng cơ quan. Nhiều ý kiến cho rằng tòa có quyền kiểm soát trong quá trình áp dụng các biện pháp để bảo vệ quyền con người, quyền tự do nhân thân", Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao cho biết.

Nhắc nhở ban soạn thảo, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho rằng phải viết cụ thể các nội dung thảo luận vào trong luật các điều kiện để mở phiên tòa, để đảm bảo phiên tòa đó có tranh tụng. Điều này để tránh trường hợp phiên tòa mở ra chỉ có đại diện của bên kiểm sát buộc tội mà không thấy ai tranh tụng. Như vậy thì phiên tòa đó không hợp lệ.

“Phải viết đủ điều kiện này thì được mở, còn nếu chưa thấy những điều đó thì không được mở”, Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.

Phạm Thịnh
Bình luận
vtcnews.vn