Keangnam lại phải hầu tòa, bị đòi gần 5 tỷ đồng

Kinh tếChủ Nhật, 05/07/2015 05:05:00 +07:00

Keangnam Vina lại vừa phải hầu tòa vì khách hàng kiện Keangnam vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và thỏa thuận của hợp đồng, bàn giao căn nhà thiếu diện tích.

Keangnam Vina lại vừa phải hầu tòa vì khách hàng kiện Keangnam vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và thỏa thuận của hợp đồng, bàn giao căn nhà thiếu diện tích.

Sáng 3/7, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm đưa ra xét xử thêm một vụ khách hàng kiện Keangnam.


Thông tin từ báo Đầu tư chứng khoán, nguyên đơn là bà Bùi Thị Bảo Quyên, người đã mua 2 căn hộ A610 và B606 tại 2 Tòa tháp Keangnam vào tháng 12/2009. Căn hộ A610 có giá là 318.154 USD và căn hộ B606 với giá là 523.584 USD.


Keangnam lại phải hầu tòa, bị đòi gần 5 tỷ đồng
Keangnam lại phải hầu tòa, bị đòi gần 5 tỷ đồng 
Tương tự như vụ kiện trước đó, tranh chấp giữa bà Bảo Quyên và Keangnam cơ bản là về vấn đề thanh toán bằng ngoại tệ USD và diện tích căn hộ.


Bà Quyên cho rằng, việc Keangnam quy định việc thanh toán bằng ngoại tệ là vi phạm quy định pháp luật về quản lý và sử dụng ngoại hối trên lãnh thổ Việt Nam. Keangnam không có chức năng được sử dụng ngoại tệ trong việc mua bán, giao dịch nhưng vẫn quy định giá căn hộ và các đợt thanh toán bằng USD. Bản thân Keangnam đã từng bị Ngân hàng Nhà nước kiểm tra xử phạt vi phạm hành chính vì hành vi định giá bằng ngoại tệ trong các hợp đồng mua bán căn hộ.

Do đó, bà Quyên đã yêu cầu Keangnam điều chỉnh lại điều khoản giá căn hộ sang VND và trong thời gian chờ đợi Keangnam điều chỉnh giá căn hộ, bà Quyên sẽ tạm dừng thanh toán. Tuy nhiên, Keangnam không chấp nhận điều này.


Về diện tích, theo hợp đồng, căn hộ A610 có diện tích 118,75m2, phương pháp đo từ tim tường đến tim tường và diện tích sử dụng thực tế của căn hộ là không thay đổi. Diện tích này là diện tích được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu căn hộ.


Bà Quyên cho rằng, với những quy định trong hợp động, quy định của pháp luật có liên quan, có thể thấy rằng, diện tích căn hộ mà khách hàng đã mua là diện tích được tính từ tim tường đến tim tường và không bao gồm diện tích chung. Tuy nhiên, khi căn hộ hoàn thành và xem xét thực tế, bà Quyên phát hiện ra rằng, căn hộ mà Keangnam bàn giao thiếu diện tích so với hợp đồng. Căn hộ bao gồm cả diện tích chung như cột, hộp kỹ thuật, hộp cứu hỏa…


Tổng diện tích còn thiếu của 2 căn hộ so với hợp đồng lên đến 45,61m2. Với mức giá trên 50 triệu đồng/m2 thì bà Quyên chịu thiệt trên 2 tỷ đồng!


Bà Quyên đề nghị Tòa án hủy bỏ hợp đồng mua bán căn hộ giữa bà và Keangnam do vi phạm điều cấm của pháp luật. Bà Quyên cũng đòi Keangnam phải trả số tiền hơn 4,7 tỷ đồng bao gồm tiền mua căn hộ đã nộp cho Keangnam, bồi thường thiệt hại do chênh lệch tỷ giá, lãi suất…


Trước đó, Tòa án Nhân dân quận Nam Từ Liêm cũng đã đưa ra xét xử vụ án bà Tạ Vân T. khởi kiện Keangnam. Tranh chấp giữa bà T. và Keangnam có nội dung tương tự như vụ kiện của bà Bảo Quyên bao gồm 2 vấn đề Keangnam vi phạm quy định về quản lý ngoại hối và vi phạm thỏa thuận của hợp đồng, bàn giao căn nhà thiếu diện tích.

Về vụ này, báo VnExpress đưa tin, TAND quận Nam Từ Liêm cho hay căn cứ Nghị quyết 04 của Hội đồng thẩm phán Tối cao, nếu nội dung hợp đồng kinh tế có thỏa thuận giá cả, thanh toán bằng ngoại tệ trong khi một hoặc các bên không có chức năng thanh toán bằng ngoại tệ nhưng sau đó các bên thỏa thuận thanh toán bằng đồng Việt Nam thì giao dịch đó không bị vô hiệu toàn bộ. Vì lẽ đó “hợp đồng bán căn hộ không bị vô hiệu toàn bộ, chỉ vô hiệu một phần”.


Theo Thông tư 01/2009, tổng diện tích căn hộ được tính bằng cách đo từ tim tường bao ngoài căn hộ và tim tường ngăn cách giữa các căn hộ. Hình ảnh thực tế của căn hộ mẫu thể hiện có cột chịu lực, có hộp kỹ thuật, hộp phòng cháy chữa cháy… Nguyên đơn được xem và không có ý kiến. Do vậy, tòa không có căn cứ chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn chuyển cách tính đo tim tường về cách tính thông thủy.


Với vụ án này, Tòa cấp sơ thẩm đã bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bác yêu cầu phản tố của bị đơn, điều chỉnh vấn đề giá của hợp đồng, buộc Keangnam phải thu tiền bán căn hộ bằng VND, giá căn hộ sau khi đã quy đổi ra VND đã giảm khoảng 700 triệu đồng.


Chung cư Keangnam đi vào hoạt động năm 2011, với hơn 900 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng mỗi m2. Chung cư hiện có 70% diện tích để ở, còn lại được các chủ hộ dùng để cho thuê hoặc kinh doanh thương mại. Từ khi tòa nhà vận hành, đã có nhiều bất đồng giữa cư dân và chủ đầu tư về diện tích, mức phí gửi xe và một số dịch vụ khác... Những tranh chấp liên quan đến phí bảo trì cũng nảy sinh từ cuối năm ngoái nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết.

Nguồn:ĐSPL
Bình luận
vtcnews.vn