Kế hoạch xây căn cứ tàu ngầm nguyên tử của Ấn Độ

Tổng hợpThứ Bảy, 19/06/2010 06:55:00 +07:00

(VTC News) – Hải quân Ấn Độ đang triển khai nghiên cứu căn cứ quân sự mới mang mật danh “Dự án Varso” giành riêng cho tàu ngầm nguyên tử.

(VTC News) – Hãng tin DNA của Ấn Độ mới đây dẫn nguồn tin từ giới chức quân sự cấp cao nước này cho biết, Hải quân Ấn Độ đang triển khai nghiên cứu và dự định sẽ xây dựng một căn cứ mới mang mật danh “Dự án Varso” dành riêng cho tàu ngầm nguyên tử.

 

Ấn Độ chuẩn bị xây dựng căn cứ quân sự đặc biệt dành riêng cho tàu ngầm nguyên tử. 

Hiện tại, thời điểm bắt đầu triển khai, thời gian dự kiến hoàn thành, thời hạn sử dụng, tổng trị giá dự án cũng như vị trí chính xác triển khai xây dựng căn cứ đặc biệt này vẫn chưa được tiết lộ, song theo một số nguồn tin, căn cứ này sẽ được triển khai cách thành phố cảng Visakhapatnam 200 km ở khu bờ Đông của Ấn Độ.

 

Dự án này được xây dựng và thiết kế dựa trên dự án xây dựng căn cứ quân sự dành cho tàu ngầm nguyên tử của Trung Quốc trên đảo Hải Nam. Nhiều khả năng khi tiến hành xây dựng căn cứ đặc biệt này Ấn Độ sẽ phải nhờ đến sự trợ giúp của các chuyên gia nước ngoài.

 

Sơ đồ cấu tạo tàu ngầm nguyên tử đầu tiên Arihant của Hải quân Ấn Độ. 

Tàu ngầm nguyên tử đầu tiên của Hải quân Ấn Độ là hạm ngầm lớp Arihant được  nghiên cứu, thiết kế dựa trên dự án 670 “Scate” của Liên Xô được hạ thủy vào tháng 7/2009, chạy thử nghiệm hành trình trên đại dương vào đầu năm 2010.

Dự kiến, đến cuối năm nay sẽ bắt đầu đợt kiểm tra đánh giá đầu tiên về khả năng cũng như tính năng hoạt động trước khi chính thức đưa vào viên chế trong lực lượng Hải quân nước này với số lượng khoảng 5 chiếc.

 

Đặc tính kỹ-chiến thuật của tàu ngầm nguyên tử đầu tiên thuộc lớp Arihant của Ấn Độ.

Do được nghiên cứu, chế tạo dựa trên phiên bản tàu ngầm nguyên tử dự án 670 “Scate” của Liên Xô nên Arihant có lượng choán nước 6.000 tấn, dài 110 m, rộng 15 m, lượng mớn nước 9 m, trang bị động cơ thủy lực 80 MW chạy bằng uranium đã được làm giàu với một máy tuốc bin 47.000 mã lực cho phép tàu hoạt động ở tốc độ 15 hải lý khi chạy nổi trên mặt nước và 34 hải lý dưới mặt nước, hoạt động ở độ sâu tối đa 300 m, biên chế kíp lái 95 người.

 

Tàu ngầm nguyên tử Arihant lúc chuẩn bị hạ thủy. 

Tàu ngầm nguyên tử loại này thường được trang bị 6 ống phóng mìn-ngư lôi cỡ 533 mm và 12 bệ phóng dành cho tên lửa đạn đạo K-15 Sagarika. Nó có khả năng mang và phóng cả tên lửa đạn đạo ở tầm xa hơn 700 km.  

 

Tàu ngầm nguyên tử tấn công Nerpa chạy thử nghiệm hành trình trên đại dương. 

Hiện nay Nga đã hoàn tất quá trình thử nghiệm tàu ngầm nguyên tử tấn công Nerpa và chuẩn bị chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ thuê trong thời hạn 10 năm vào cuối năm nay.

 

Tàu ngầm nguyên tử K-152 “Nerpa” dự án 971U “Shuka-B” là loại tàu ngầm thế hệ thứ 3 được biên chế 73 thủy thủ đoàn. Đây là một trong những tàu ngầm ít tiếng ồn nhất vầ đồng thời cũng là một trong những tàu ngầm tấn công mạnh nhất không chỉ trong lực lượng Hải quân Nga mà còn trên toàn thế giới.

 

Đặc tính kỹ-chiến thuật của tàu ngầm nguyên tử Nerpa. 

Tàu có trọng tải tối đa 12.770 tấn, tốc độ tối đa đạt 30 hải lý, có khả năng hoạt động độc lập liên tục dưới nước trong khoảng 100 ngày đêm ở độ sâu tối đa 600 m. Vũ khí trang bị trên tàu bao gồm 4 ngư lôi 533ml và 4 ngư lôi 650ml.

Dự án cho thuê tàu ngầm nguyên tử tấn công Nerpa của hải quân Nga được New Delhi và Moscow ký kết vào năm 2004 với tổng trị giá lên tới 650 triệu USD. Theo kế hoạch ban đầu, tàu ngầm Nerpa sẽ được chuyển giao cho Hải quân Ấn Độ vào giữa năm 2008, tuy nhiên kế hoạch này đã bị trì hoãn do xảy ra tai nạn nghiêm trọng trong quá trình chạy thử nghiệm trên biển làm 20 người thiệt mạng và tổn thất 65 triệu USD. 

Theo nhận định của giới chuyên gia, dự án thiết kế, chế tạo căn cứ quân sự đặc biệt cho tàu ngầm nguyên tử là bước khởi đầu, chuẩn bị cho sự phát của lực lượng tấn công ngầm của quốc gia này.

 

Tàu ngầm diesel-điện dự án  877E.

Trong biên chế của lực lượng Hải quân Ấn Độ hiện nay có khoảng 4 tàu ngầm dự án 209/1500, 10 tàu ngầm dự án 877E và 2 tàu ngầm dự án 641. Đa số các tàu ngầm này đều là loại diesel-điện do Liên Xô và sau này là Nga nghiên cứu, chế tạo.

 

Theo phân loại của NATO thì tàu ngầm diesel-điện dự án 887E được gọi là "Kilo". 

Trong đó, tàu ngầm dự án 877E (theo phân loại của NATO là “Kilo”) có lượng choán nước 2.300 tấn khi nổi và 3.040 tấn khi chìm, dài 72,6 m, rộng 9,9 m, lượng mớn nước trung bình 6,2 m, trang bị 2 động cơ diesel công suất 1.000-1.500 KW, động cơ điện 4.050-5.500 mã lực, 2 động cơ điện dự bị công suất 102 mã lực/1 động cơ, cho phép tàu có thể hoạt động ở tốc độ 10 hải lý khi chạy trên mặt nước, 17 hải lý dưới mặt nước.

 

Tàu ngầm diesel-điện dự án 941. 

Loại tàu này có thể hoạt động ở độ sâu 240-350 m trong khoảng thời gian 45 ngày liên tục, được biên chế 57 người. Vũ khí trang bị trên tàu bao gồm: 6 thiết bị phóng cỡ  533 mm nạp đạn tự động với 18 ngư lôi hoặc 24 quả mìn, tên lửa 3M-54E1 (Club-S, biến thể 08773). 

Hệ thống ống phóng ngư lôi cho tàu ngầm diesel-điện dự án 641. 

Còn tàu ngầm diesel-điện dự án 641 (theo phân loại của NATO là “Foxtrot”) có lượng choán nước 1.952 khi nổi trên mặt nước và 2.475 tấn khi hoạt động ngầm dưới nước.
 
Tàu có chiều dài 91,3 m, rộng 7,4 m, lượng choán nước trung bình 5,9 m, được trang bị 3 động cơ diesel-điện 37D mang tuốc bin khí cho phép tàu có thể hoạt động ở tốc độ 16 hải lý trên mặt nước, 15 hải lý dưới mặt nước, ở độ sâu 280-380 m, hoạt động liên tục dưới nước trong khoảng 90 ngày với biên chế kíp lái 78 người.

Loại tàu này được trang bị 6 ống phóng cỡ 533 mm ở phía mũi, 4 ống phóng 533 mm ở phía đuôi tàu, 22 ngư lôi hoặc 32 mìn.  

 

Hữu Kỷ - Nhật Minh (Tổng hợp)

 

Bình luận
vtcnews.vn