Kế hoạch thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đoàn Quốc hội

Tin nhanh 24hThứ Sáu, 04/03/2022 18:01:00 +07:00
(VTC News) -

Đảng đoàn Quốc hội ban hành kế hoạch triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao trong năm 2022.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa ký, ban hành kế hoạch số 555 triển khai thực hiện các nhiệm vụ được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giao cho Đảng đoàn Quốc hội trong năm 2022.

Kế hoạch nhằm bảo đảm triển khai thực hiện có chất lượng, hiệu quả, đúng tiến độ các nhiệm vụ được phân công trong Kế hoạch số 13 và Chương trình công tác số 14 của Ban Chỉ đạo nhằm phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo yêu cầu của Bộ Chính trị.

Việc thực hiện các nhiệm vụ được phân công phải góp phần đánh giá đúng thực trạng cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan trực tiếp đến công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; cơ chế giám sát về phòng, chống tiêu cực; việc kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật. Qua đó kiến nghị, đề xuất khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật; sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, hiệu lực, hiệu quả.

Kế hoạch thực hiện phòng chống tham nhũng, tiêu cực của Đảng đoàn Quốc hội - 1

Kỳ họp bất thường lần thứ nhất, Quốc hội khoá XV.

Kế hoạch đề ra 4 nhiệm vụ cụ thể:

Nhiệm vụ 1: Chỉ đạo rà soát để sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về phòng, chống tiêu cực phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng, bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả.

Đối với nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo phân công Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban cán sự đảng Chính phủ, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Ban cán sự đảng Tòa án nhân dân tối cao, Ban cán sự đảng Viện kiểm sát nhân dân tối cao; thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách gồm ông Nguyễn Khắc Định chủ trì, các ông/bà Tô Lâm, Lương Cường, Nguyễn Hòa Bình, Đỗ Văn Chiến, Lê Minh Trí, Lê Thị Nga, Lê Thành Long, Đoàn Hồng Phong, Trần Sỹ Thanh phối hợp.

Nhiệm vụ 2: Chỉ đạo tham mưu xây dựng và tổ chức thực hiện nghiêm Quy định của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống “lợi ích nhóm”, tham nhũng, tiêu cực trong công tác xây dựng pháp luật.

Đối với nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo phân công Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với Ban Nội chính Trung ương, Ban cán sự đảng Bộ Tư pháp; thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách gồm ông Nguyễn Khắc Định chủ trì, các ông/bà Lê Thị Nga, Võ Văn Dũng, Lê Thành Long phối hợp.

Nhiệm vụ 3: Chỉ đạo hoàn thiện cơ chế giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân các cấp để phòng, chống tiêu cực. Đối với nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo phân công Đảng đoàn Quốc hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Ban Nội chính Trung ương, Đảng đoàn Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; thành viên Ban Chỉ đạo phụ trách gồm ông Nguyễn Khắc Định chủ trì; các ông/bà Trần Cẩm Tú, Đỗ Văn Chiến, Lê Thị Nga, Võ Văn Dũng phối hợp.

Nhiệm vụ 4: Chỉ đạo rà soát, khắc phục những sơ hở, bất cập trong cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan đến đấu thầu, đấu giá, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính, chứng khoán…; sửa đổi, bổ sung Luật Thanh tra, Luật Đất đai, Luật Thực hành dân chủ ở xã, phường, thị trấn và các dự án luật liên quan trực tiếp đến phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đối với nhiệm vụ này, Ban Chỉ đạo phân công ông Nguyễn Khắc Định chủ trì; các ông/bà Tô Lâm, Lương Cường, Đỗ Văn Chiến, Lê Minh Trí, Lê Thị Nga, Lê Thành Long, Đoàn Hồng Phong, Trần Sỹ Thanh phối hợp chỉ đạo thực hiện.

Xuân Trường
Bình luận
vtcnews.vn