Kẻ giả danh cảnh sát, hại đời thiếu nữ lãnh án

Pháp luậtThứ Bảy, 15/12/2012 01:31:00 +07:00

Đố chị T. để Nghĩa trói tay, bịp mắt và chị tự tìm cách cởi trói nhưng khi lừa được chị này hắn liền bế nạn nhân vào phòng rồi thực hiện hành vi đồi bại.

Đố chị T. để Nghĩa trói tay, bịp mắt và chị tự tìm cách cởi trói nhưng khi lừa được chị này hắn liền bế nạn nhân vào phòng rồi thực hiện hành vi đồi bại mặc chị T. vùng vẫy, chống cự.

Bồi thường gần 20 triệu đồng

Đỗ Ngọc Hữu Nghĩa và chị T. (ở Hậu Giang) quen biết nhau từ đầu năm 2011 qua chương trình kết bạn trên mạng di động. Lúc quen nhau, Nghĩa giới thiệu mình là cảnh sát hình sự ở TP.HCM.

Đầu năm 2012, cả hai gặp mặt và cùng về nhà Nghĩa chơi. Tại đây, sau khi hứa hẹn tình cảm, dạy cho chị T. vài thế võ “để phòng thân”, Nghĩa thách đố chị T. để Nghĩa lấy dây vải trói hai tay của chị ra sau lưng và dùng khẩu trang bịt mắt lại xem chị có tự cởi trói được không.

Thấy trò vui, chị T. đồng ý. Tuy nhiên, trói tay, bịt mắt xong, Nghĩa liền bế chị T. vào phòng rồi thực hiện hành vi đồi bại mặc cho chị T. vùng vẫy, chống cự. Xong việc, Nghĩa hứa: “Em đừng có lo, anh không bỏ em đâu...”.

Sau đó ít lâu, gia đình chị T. đã gọi Nghĩa sang bàn cách giải quyết vụ việc. Tưởng thật, sáng 6-3, Nghĩa đến nhà chị T. thì bị bắt.

Tại phiên xử sơ thẩm vừa qua, Nghĩa bị tòa phạt sáu năm tù về tội hiếp dâm. Về trách nhiệm dân sự, tòa nhận định bị cáo đã xâm phạm nghiêm trọng đến sức khỏe và tinh thần của người bị hại nên phải bồi thường.

Tuy nhiên, hai bên không thỏa thuận được và nạn nhân không xác định được thiệt hại là bao nhiêu nên tòa quyết định buộc bị cáo phải bồi thường hơn 19 triệu đồng. Khoản này gồm hơn 100.000 đồng chi phí hợp lý cho việc điều trị do sức khỏe bị xâm hại, thu nhập thực tế bị mất 200.000 đồng và khoản tiền bồi thường bù đắp về tổn thất tinh thần là 18 tháng lương tối thiểu (18,9 triệu đồng).

Tòa xử hợp lý!

Xung quanh vụ án này hiện có hai quan điểm khác nhau trong việc tính mức bồi thường về tổn thất tinh thần. Quan điểm đầu tiên không đồng tình với phán quyết của tòa.

Theo hướng dẫn tại tiểu mục 3.3 mục 3 phần II Nghị quyết số 03 (ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao) thì mức bồi thường tổn thất tinh thần tối đa là không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định. Tòa tuyên buộc bị cáo phải bồi thường lên đến 18 tháng lương tối thiểu là không chính xác.

Thế nhưng ngược lại, phần lớn ý kiến đã đồng tình với cách xử lý của tòa. Phía này lập luận, trong tội hiếp dâm, khách thể bị xâm hại không chỉ có danh dự, nhân phẩm mà có thể có cả tính mạng, sức khỏe.

Trong vụ án này, Nghĩa gây tổn hại sức khỏe nạn nhân là 2%. Căn cứ vào tiểu mục 1.5 mục 1 phần II Nghị quyết 03 nêu trên thì mức bồi thường tối đa lên đến 30 tháng lương tối thiểu bởi bị cáo vừa xâm hại đến sức khỏe lại vừa xâm hại nghiêm trọng đến danh dự, nhân phẩm nạn nhân.

Do vậy, tòa tuyên buộc bị cáo phải bồi thường tiền tổn thất tinh thần tương đương với 18 tháng lương tối thiểu là phù hợp và có căn cứ.

Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do danh dự, nhân phẩm, uy tín bị xâm phạm:

Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị xâm phạm trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần nhưng tối đa không quá 10 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần do sức khỏe bị xâm phạm:

Mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại trước hết do các bên thỏa thuận. Nếu không thỏa thuận được thì mức bồi thường khoản tiền bù đắp tổn thất về tinh thần cho người bị thiệt hại phải căn cứ vào mức độ tổn thất về tinh thần nhưng tối đa không quá 30 tháng lương tối thiểu do Nhà nước quy định tại thời điểm giải quyết bồi thường.

Trích Nghị quyết số 03 (ngày 8-7-2006 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao)

Theo PL TP.HCM
Bình luận
vtcnews.vn