Kẻ đào xới mộ mẹ vua Dục Đức nghi tìm kho báu có thể bị xử lý thế nào?

Pháp luậtChủ Nhật, 26/11/2017 07:22:00 +07:00

Luật sư cho rằng, kẻ đào xới mộ mẹ vua Dục Đức đã phạm vào hành vi xâm phạm mồ mả và có thể chịu án phạt cao nhất là từ 1 - 5 năm tù giam.

Liên quan đến vụ mộ mẹ vua Dục Đức bị kẻ xấu xới tung nghi để tìm kho báu, trả lời báo chí, luật gia Nguyễn Anh Tâm - Công ty Luật TNHH Công Khánh (Thừa Thiên - Huế) cho rằng, đối tượng đào phá lăng bà Trần Thị Nga (mẹ vua Dục Đức) đã vi phạm quy định tại Điều 246 Bộ luật hình sự 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009).

Luật gia Nguyễn Anh Tâm phân tích, điều 246 Bộ luật hình sự quy định, người nào đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 1 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm. Phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ 1 năm đến 5 năm.

Ngoài bị phạt tù, người thực hiện hành vi còn phải chịu trách nhiệm bồi thường các chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm mồ mả mà mình đã gây ra.

23782363_1942308042659293_972825876_n

Lăng mộ của bà Trần Thị Nga (mẹ vua Dục Đức) bị kẻ xấu đào xới nham nhở nghi để tìm kho báu. (Ảnh: ĐQ) 

“Vụ việc đã xâm phạm đến các giá trị văn hóa truyền thống dân tộc, xâm phạm đến công trình lăng mộ có giá trị lịch sử nên các cơ quan chức năng phải nhanh chóng điều tra làm để xử lý theo quy định pháp luật...”- luật gia Nguyễn Anh Tâm nói.

Theo Đại tá Hoàng Long - Trưởng Công an TP Huế, cơ quan công an đang vào cuộc làm rõ, hiện đã mời một số người nghi vấn liên quan đến việc đào bới tại khu lăng mộ mẹ vua Dục Đức ở phường Thủy Xuân (TP. Huế) lên làm việc. Đại tá Hoàng Long cho hay, Công an TP. Huế đang phối hợp với các lực lượng chức năng triển khai xác định đối tượng có dấu hiệu khả nghi, liên quan vụ việc để đấu tranh làm rõ.

Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa Thông tin (nay là Sở Văn hóa Thể thao) Thừa Thiên Huế, khu lăng bà Trần Thị Nga (mẹ vua Dục Đức) còn khá nguyên vẹn và mang nhiều giá trị về kiến trúc, lịch sử; được xây dựng theo lối kiến trúc dành cho các bà phi dưới triều nhà Nguyễn.

images2069217_a4__34_

 Bia mộ bị kẻ gian bứng ra ngoài. 

Trước đó, lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, lăng mộ mẹ vua Dục Đức chưa được công nhận di tích lịch sử và không do trung tâm này quản lý mà là khu mộ riêng do dòng họ Nguyễn Phước quản lý.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa (Huế) đánh giá, mặc dù không thuộc hệ thống di tích nhưng lăng bà Trần Thị Nga liên quan rất nhiều đến lịch sử triều Nguyễn. Bởi bà này không chỉ là mẹ của vua Dục Đức mà còn là bà nội của vua Thành Thái, bà cố của vua Duy Tân. Vì vậy, ngành văn hóa và chính quyền địa phương phải có chủ trương gìn giữ lăng mộ đặc biệt này...

“Những sự việc như thế này nếu không được ngăn chặn sẽ để lại hậu quả không tốt. Vấn đề cần thiết hiện nay là cơ quan công an cần khởi tố vụ án để điều tra nhằm ngăn chặn những sự việc đáng tiếc tương tự về sau”, nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa nói.

23845043_1942308049325959_1800420040_n 3

 Theo lãnh đạo Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế cho biết, lăng mộ mẹ vua Dục Đức chưa được công nhận di tích lịch sử. (Ảnh ĐQ)

Trước đó, như VTC News đã đưa tin, ngày 19/11, nhiều người trong Hội đồng trị sự Nguyễn Phước tộc đến khu lăng này để thắp hương thì phát hiện tấm bia của lăng bị bứng đưa ra ngoài, đế bia và thân bia bị gãy đôi. Khu vực đặt tấm bia bị đào phá tan hoang, gạch đất vương vãi nhiều nơi.

“Chúng tôi không rõ kẻ xấu đào phá lăng mẹ vua Dục Đức nhằm mục đích gì bởi trong phần mộ nơi chôn cất bà đã bị người ta đào trộm châu báu từ lâu rồi”, ông Tôn Thất Tam Kỳ - người trong Hội đồng Nguyễn Phước tộc nói.

Được biết, khu lăng bà Trần Thị Nga tọa lạc trên diện tích hơn 100m2 ở đường Vũ Ngọc Phan (phường Thủy Xuân, TP Huế), được Ban lăng mộ của Hội đồng Nguyễn Phước tộc phát hiện ngày 5/7/2017 trong tình trạng bị bỏ hoang.

23805786_1942308045992626_518263011_n 4

 Tấm bia mộ của bà Trần Thị Nga trước khi bị kẻ gian bứng ra ngoài. (Ảnh ĐQ)

Khu lăng này còn khá nguyên vẹn và có nhiều giá trị về mặt lịch sử, kiến trúc, mỹ thuật cung đình nhà Nguyễn. Khu lăng được chia thành 2 vòng thành lăng, phía trước có cổng vòm. Phía sau khu vực phần mộ của mẹ vua Dục Đức là tấm bia lớn có khắc bài thơ chữ Hán dài hàng trăm chữ.

Trên tấm bia cổ ghi rõ bằng tiếng Hán: “Trang thuận hiển tỷ, Kiến Thoại Quận Vương Phủ, Phủ thiếp đệ thất phòng Trần Nhị Nương Thụy Trang Thuận Chi Tập. Thành Thái lục niên thập nguyệt nhị thập bát nguyệt". (Tạm dịch là: Người mẹ đã mất thuộc phủ Kiến Thoại Quận Vương, con dâu thứ 7 của nhà vua. Con gái thứ 2 của họ Trần khi mất thì được phong Trang Thuận). Thành Thái Lục Niên Thập nguyệt nhị Thập bát nguyệt (Tạm dịch: Năm dựng bia là ngày 28/10 năm Thành Thái thứ 6).

Video: Sai phạm nằm ở đâu trong vụ san phẳng mộ vợ vua Tự Đức làm bãi đậu xe?

Nguyễn Vương
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn