Kangaroo ‘lập lờ đánh lận con đen’ khiến khách hàng hiểu lầm

Kinh tếThứ Năm, 03/08/2017 14:00:00 +07:00

Theo phản ánh của độc giả VTC News, rất nhiều các sản phẩm của Tập đoàn Kangaroo bày bán trong siêu thị “lập lờ đánh lận con đen”, khiến khách hàng hiểu lầm về

"Lập lờ đánh lận con đen"

Anh Nguyễn Hải Đăng (Thanh Xuân, Hà Nội) cho biết, gia đình anh vừa mua nhà nên đến siêu thị để mua sắm những đồ dùng thiết yếu cho tổ ấm mới. Trong bạt ngàn những sản phẩm điện máy, đồ gia dụng, vợ chồng anh quyết định chọn sản phẩm có thương hiệu, xuất xứ từ nước ngoài.

“Tôi cũng không để ý lắm đến đồ điện máy, nhưng khá ấn tượng với sản phẩm của hãng Kangaroo, vì thấy quảng cáo nhiều trên truyền hình.

Khi đến siêu thị, sản phẩm, quầy hàng của hãng này cũng được bày bán, thiết kế rất bắt mắt. Trong bảng thông tin sản phẩm, dòng chữ "KANGAROO AUSTRALIA" và "KANGAROO VIỆT NAM" được in hoa, bôi đậm màu đen rõ nét càng khiến tôi an tâm hơn về nguồn gốc, xuất xứ của sản phẩm” – anh Đăng chia sẻ.

kangaroo23

Dòng thông tin nơi sản xuất là Trung Quốc được Kangaroo làm kém nổi bật, trong khi đó, thông tin về công ty thiết kế là Kangaroo Australia và đơn vị nhập khẩu là Kangaroo Việt Nam được công ty in đậm, nổi bật khiến khách hàng hiểu nhầm sản phẩm này có xuất xứ từ Australia (Úc).

Tuy nhiên, khi nhìn kỹ hơn những dòng thông tin về sản phẩm, anh Đăng mới giật mình. Ngoài 2 dòng thông tin về “Thiết kế giám sát chất lượng - KANGAROO AUSTRALIA” và “Đơn vị SX/LR/NK - KANGAROO VIỆT NAM” được in đậm, nổi bật thì còn có dòng thông tin “Đơn vị SX – JS R.O Co., Ltd/ Section 1, Chung-Ching Rd, Taichung, Taiwan”.

Điều đáng lưu ý, dòng thông tin này được in bình thường, chữ nhỏ, địa chỉ sản xuất được viết bằng tiếng Anh – phiên âm La tinh. Nếu không để ý, khách hàng sẽ rất khó nhìn thấy dòng chữ này, vì vị tria 2 dòng thông tin in đậm đã "đánh lạc hướng" khách hàng.

Thắc mắc về vấn đề này, anh Đăng hỏi nhân viên siêu thị thì được giải thích: “Thực chất,.hàng của Kangaroo đều được sản xuất tại Đài Loan. Sau đó, nhập về lắp ráp tại Việt Nam”.

Trước câu hỏi, vậy tại sao hãng lại đặt tên là Kangaroo, và trong bảng thông tin sản phẩm lại in đậm dòng chữ “KANGAROO AUSTRALIA” và “KANGAROO VIỆT NAM”, có phải mục đích để người tiêu dùng hiểu lầm đó là sản phẩm của đất nước Australia không?. Nhân viên siêu thị chỉ cười và khẳng định lại, Kangaroo là hàng Đài Loan và được nhập khẩu, lắp ráp tại Việt Nam.

Quá thất vọng vì suýt bị lừa, anh Đăng không mua sản phẩm của Kangaroo nữa mà chuyển sang một hãng khác.

kangaroo234 3

Dòng thông tin thiết kế và giám sát chất lượng là "KANGAROO AUSTRALIA” và “Đơn vị SX/LR/NK - KANGAROO VIỆT NAM” cũng được in nổi bật, dễ dàng đập ngay vào mắt khách hàng. Còn thông tin về nơi sản xuất "Đơn vị SX – RS Co., Ltd/ Jiangbei Dist, Ningbo, China” được viết bằng tiếng Anh, chữ in thường, rất khó nhận thấy.

Thông tin về nơi sản xuất máy lọc nước là Đài Loan cũng được Kangaroo làm kém nổi bật, còn 2 thông tin khác thì cố tình bôi đậm để "đánh lừa" người dùng.“Việc làm của Kangaroo là lập lờ đánh lận con đen, làm cho khách hàng hiểu lầm đó là hàng của Úc (Australia). Một hành vi có thể xem là lừa dối khách hàng” – anh Đăng bức xúc.

Cùng chung bức xúc trên, chị Nguyễn Thị Thủy (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết: “Ban đầu, nghe tên Kangaroo, tôi cũng nghĩ đó là sản phẩm của Úc, nhưng khi tìm hiểu thì mới biết đó không phải. Việc hãng đặt tên sản phẩm như thế nào đó là quyền của họ, tuy nhiên, rõ ràng họ có những chiêu trò cố tình làm người dân hiểu lầm đó là sản phẩm của Úc. Đó là lừa dối khách hàng”.

PV VTC News đã có cuộc khảo sát quanh một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội. Theo đó, những phản ánh của người dân đều đúng. Đơn cử như sản phẩm đèn led chống cận thị.

Tương tự, với các sản phẩm khác cũng vậy, ví dụ như máy lọc nước, đơn vị sản xuất là Đài Loan, bếp điện từ được sản xuất nồi cơm điện cũng được sản xuất tại Quảng Đông. Nhưng các dòng thômg tin quan trọng này đều được Kangaroo viết bằng chữ rất nhỏ, không nổi bật và viết địa danh bằng tiếng Anh nên khách hàng rất khó phát hiện.

Ví dụ, như với sản phẩm là nồi điện, Kangaroo viết: “Đơn vị SX – SHUNDE, FOSHAN, GUANGDONG PROVINCE”. Ghi xuất xứ như vậy còn không biết thuộc quốc gia nào. Quả thực, với nhiều người thì việc Kangaroo cố tình để thông tin như vậy, việc xác định nơi sản xuất của sản phẩm là rất khó.

kangaroo234 3

Các sản phẩm của Kangaroo đều làm nổi bật thông tin Kangaroo Australia và Kangaroo Việt Nam, còn thông tin sản xuất tại Trung Quốc, Đài Loan bị "làm mờ". Cách làm này phải chăng là cố tình đánh lừa người dùng?. (Ảnh: Đức Thuận)

Nhiều dấu hiệu phạm luật

Trao đổi với PV VTC News về vấn đề này, luật sư Nguyễn Anh Tuấn – Giám đốc công ty Luật Đại Nam (Đoàn Luật sư TP. Hà Nội) cho biết: Theo hình ảnh về các nhãn mác hàng hoá trên các sản phẩm của Kangaroo, đối chiếu với quy định pháp luật về nhãn mác hàng hoá thì nội dung, cách ghi các nhãn mác hàng hoá trên có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cụ thể:

- Vi phạm về việc sử dụng ngôn ngữ trên nhãn mác hàng hoá: Theo quy định tại Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn mác hàng hoá quy định: “1. Những nội dung bắt buộc thể hiện trên nhãn hàng hóa phải được ghi bằng tiếng Việt, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều này.”

Theo đó, "xuất xứ hàng hoá” là một nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn mác hàng hoá, vì vậy, phần này phải bắt buộc được ghi bằng tiếng Việt. Trên hình ảnh các nhãn mác hàng hoá các sản của Kangaroo, nội dung “xuất xứ hàng hoá” không được ghi bằng tiếng Việt mà lại được đơn vị này ghi bằng tiếng Anh.

“Điều này là vi phạm quy định pháp luật mà tôi vừa viện dẫn và có thể làm hạn chế nhận biết của người tiêu dùng về xuất xứ hàng hoá” – LS. Tuấn nói.

Video: Kangaroo ghi nhãn mác có nhiều dấu hiệu phạm luật nguồn gốc sản xuất

- Vi phạm về ghi thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá: Theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn mác hàng hoá, thông tin của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hoá cũng là một nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn mác hàng hoá. Nội dung này được phép ghi bằng các ngôn ngữ khác có gốc chữ cái La tinh nhưng phải đảm bảo kích thước chữ được ghi bằng ngôn ngữ khác không được lớn hơn kích thước chữ của nội dung ghi bằng tiếng Việt.

Quan sát hình ảnh nhãn mác hàng hoá các sản phẩm của Kangaroo thấy mục ghi thông tin đơn vị thiết kế và giám sát chất lượng là Kangaroo Australia và mục ghi thông tin đơn vị nhập khẩu/lắp ráp là Kangaroo Việt Nam được ghi bằng tiếng Anh nhưng có kích thước to, in đậm và khác biệt rõ ràng với tên của đơn vị sản xuất là công ty TNHH J.E. Việc này là không đúng quy định về ghi nhãn mác hàng hoá tại Điều 7 Nghị định 43/2017/NĐ-CP về nhãn mác hàng hoá.

Trước đó, năm 2015, Bộ Y tế công bố, quảng cáo máy lọc nước KG 100 Omega Kangaroo có tác dụng “ngăn ngừa mỡ máu” là không có cơ sở khoa học, gây hoang mang trong dư luận, vi phạm pháp luật về quảng cáo...

Ngày 27/10, ông Nguyễn Quang Tuấn - Giám đốc bệnh viện Tim Hà Nội cho biết, sản phẩm máy lọc nước RO thế hệ mới của Kangaroo không phải là thiết bị y tế, không phải là phương pháp điều trị thay thế thuốc chữa bệnh. Việc Tập đoàn Kangaroo sử dụng kết quả nghiên, thử nghiệm lâm sàng máy lọc nước RO Kangaroo phục vụ cho mục đích kinh doanh đã vượt quá khuôn khổ cho phép, sai quy định. Tập đoàn Kangaroo cũng thừa nhận trách nhiệm để xảy ra hiểu lầm trong dư luận và người tiêu dùng.

Báo điện tử VTC News sẽ tiếp tục thông tin.

Đức Thuận
Bình luận
vtcnews.vn