Jamie Carragher: Saka không phải tội đồ của tuyển Anh

Bóng đá AnhThứ Ba, 13/07/2021 10:44:43 +07:00

Jamie Carragher khẳng định Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka không phải tội đồ khi đá hỏng ở loạt luân lưu quyết định chức vô địch Euro 2020.

Hiệp phụ thứ hai của trận tứ kết World Cup 2006 trôi về những phút cuối. Khi tiếng còi báo hiệu loạt sút luân lưu chuẩn bị tới vang lên, HLV bắt đầu tìm kiếm những cầu thủ tự tin nhất trên băng ghế dự bị.

Sven-Goran Eriksson gọi và giao cho tôi (Jamie Carragher) một công việc: thực hiện cú đá thuyết phục như những gì tôi đã làm trong mỗi buổi tập. Trong 6 tuần, tôi không bỏ lỡ một quả phạt đền nào.

Eriksson nói với tôi: "Cậu sẽ đá quả thứ tư". Không thành vấn đề.

Nỗ lực bất thành

Tuyển Anh bị dẫn trước 2-1 ở thời điểm tôi đi bộ đến chấm 11 m. Lúc đó, tôi cảm thấy tự tin khi nhìn chằm chằm vào thủ thành Ricardo của Bồ Đào Nha.

Jamie Carragher: Saka không phải tội đồ của tuyển Anh - 1

Jamie Carragher đá hỏng 11m.

Biết chính xác vị trí sút bóng, tôi dứt điểm rất ngọt sang bên phải để đánh lừa thủ môn. Đó là pha chạm bóng đầu tiên của tôi ở trận đấu này.

Có một cảm giác nhẹ nhõm nhất định. Sau đó, tiếng còi vang lên. Horacio Marcelo Elizondo, trọng tài người Argentina, nói tôi sút bóng quá sớm và yêu cầu thực hiện lại.

Giờ đây, tôi mắc kẹt trong màn đấu trí với Ricardo. Và tôi đã sai khi cho rằng anh ấy sẽ nghĩ tôi cố gắng ghi bàn theo cách giống như cũ.

Tôi đổi ý và sút về bên trái. Ricardo cũng vậy, đẩy đi mọi nỗ lực của tôi.

Sau đó, Cristiano Ronaldo đánh bại Paul Robinson bằng quả phạt đền thứ năm của Bồ Đào Nha. World Cup 2006 được liệt kê vào danh mục thất bại quen thuộc của tuyển Anh, bên cạnh World Cup 1990, Euro 1996 và Euro 2004.

Đừng đổ lỗi cho cầu thủ Anh

Tôi có thể hiểu cảm giác của Marcus Rashford, Jadon Sancho và Bukayo Saka (tại Euro 2020 - PV). HLV Southgate có lý do chính đáng khi tung Rashford và Sancho vào sân ở phút 119 trong trận đấu với Italy.

Nhìn chung, Rashford là một chân sút xuất sắc. Cậu ấy sở hữu kỷ lục tuyệt vời. Tính thời điểm cũng rất hợp lý khi tuyển Anh lúc đó đang phải chống phạt góc.

Kinh nghiệm của tôi có thể không an ủi được bộ ba này. Song, chưa bao giờ tôi lo lắng về việc sẽ làm người khác thất vọng vì đã sút hỏng, hay phải xin lỗi vì điều đó.

Không ai trong số các đồng đội nhìn tôi và bắt tôi phải chịu trách nhiệm. Mỗi cầu thủ và người hâm mộ bóng đá hiểu chuyện đều biết các quả phạt đền có thể dẫn đến 2 kịch bản.

Jamie Carragher: Saka không phải tội đồ của tuyển Anh - 2

Sakaa đá hỏng 11m.

Tôi cũng không cho mình là dũng cảm khi thực hiện quả phạt đền đó. Tôi được đưa vào sân ở phút 119 chỉ với một công việc phải làm và đã cố gắng hết khả năng nhưng thất bại.

Tôi chưa bao giờ cảm thấy mình bị coi là vật tế thần. Tôi sẽ không cho phép bản thân làm vậy.

Sự khác biệt là những cầu thủ sút hỏng phạt đền 15 năm trước không phải tiếp xúc với mạng xã hội. Không có sự lạm dụng thấp hèn nào ở đó để nhắc nhở tôi mỗi ngày về việc đã sút hỏng phạt đền.

Các cầu thủ Anh không nên nhìn vào đó. Chúng ta nên ngừng tranh luận với những kẻ ngu ngốc.

Southgate và đội của ông ấy đã làm nhiều việc để tách khỏi nguồn năng lượng tiêu cực, từ những người làm xấu đi hình ảnh của cổ động viên Anh. Những hành động vô kỷ luật đáng xấu hổ bên ngoài sân Wembley cùng nhiều phát ngôn trên mạng xã hội cho thấy chúng ta vẫn còn cả một chặng đường dài để giải quyết vấn đề nhức nhối này.

(Nguồn: Zing News)
Bình luận
vtcnews.vn
Đọc tiếp