Italia ngán ngẩm sáng kiến 'Vành đai và Con đường' của Trung Quốc dù mới tham gia 4 tháng?

Thế giớiThứ Tư, 31/07/2019 16:44:00 +07:00

Italia có vẻ không còn mặn mà với sáng kiến "Vành đai và Con đường" của Trung Quốc sau 4 tháng trở thành quốc gia đầu tiên trong nhóm G7 tham gia dự án này.

Bất chấp sự phản đối dữ dội của Mỹ và các đồng minh châu Âu, Italia hồi đầu năm phấn khởi tuyên bố tham gia sáng kiến "Vành đai và Con đường" đầy tham vọng của Bắc Kinh. Khi cùng Chủ tịch Tập Cận Bình chứng kiến 29 hợp đồng và nghị định thư giữa 2 nước ký kết vào cuối tháng 3, Thủ tướng Italia Giuseppe Conte khẳng định đây là thời điểm để thay đổi tính chất mối quan hệ giữa Italia và Trung Quốc.

Tuy nhiên, chỉ 4 tháng sau, tông giọng của ông Conte dường như thay đổi. 

Phát biểu tại hội nghị thường niên các đại sứ quốc gia vào cuối tuần qua, người đứng đầu liên minh chính phủ Italia nói rằng bất cứ kế hoạch mở rộng dự án thương mại và cơ sở hạ tầng nào của Trung Quốc ở Liên minh châu Âu cũng cần phải đáp ứng tiêu chuẩn liên quan do khối này đặt ra. 

thu tuong duc

Thủ tướng Italy Giuseppe Conte. (Ảnh: EPA-EFE)

"Sáng kiến của Trung Quốc phải phát triển một cách cởi mở, toàn diện, tôn trọng các tiêu chuẩn và nguyên tắc được quy định trong chiến lược của EU. Các dự án khác như chương trình kết nối do EU dẫn đầu cũng có giá trị không kém", ông Conte nhấn mạnh. 

Một nguồn tin của SCMP khẳng định Thủ tướng Italia dường như không còn hào hứng với sáng kiến của Trung Quốc như tâm trạng hồ hởi của ông vào tháng 3 khi tiếp đón Chủ tịch Tập Cận Bình. 

"Các nhà ngoại giao tại hội nghị có cảm giác ông Conte ít nhiệt tình hơn về mối quan hệ Italia-Trung Quốc so với thời điểm ông Tập tới thăm", nguồn tin này khẳng định. 

Các bình luận của ông Conte về "Vành đai và Con đường" cũng trái ngược với những nhận xét tích cực mà ông đưa ra về triển vọng quan hệ hợp tác giữa Rome với Washington và Matxcơa. 

Nhà lãnh đạo Italia nhắc tới mối quan hệ tốt đẹp với Tổng thống Trump cũng như Tổng thống Putin, nói rằng Rome có thể tạo điều kiện để Matxcơva và phương Tây bình thường hóa quan hệ

Mặc dù vậy, ông Giovanni Andornino, chuyên gia Trung Quốc tại Đại học Turin (Italia) cho rằng mọi người không nên tin quá nhiều về các phát ngôn của ông Conte mà phải chờ đợi những gì sắp tới mà ông làm. 

Khi Italia trở thành quốc gia G7 đầu tiên tham gia vào đại dự án “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc vào cuối tháng 3, Washington lên án gay gắt quyết định này, cho rằng dự án của Trung Quốc không những không giúp ích cho nền kinh tế của Italia mà còn phá hủy nghiêm trọng hình ảnh của quốc gia châu Âu. 

Quyết định của Rome khi đó cũng gây ra những chia rẽ nhất định trong nội bộ của EU trong bối cảnh nhiều quốc gia như Pháp và Đức đang cố gắng kiềm chế đầu tư của Trung Quốc vào các cơ sở hạ tầng chiến lược của các quốc gia này. 

Trong vài năm trở lại đây, Bắc Kinh đang dồn rất nhiều nguồn lực cho sáng kiến Vành đai và Con đường với cam kết đầu tư hơn 1.000 tỷ USD vào các dự án cơ sở hạ tầng ở hơn 80 quốc gia khắp các lục địa Á, Âu, Trung Đông và châu Phi. Tuy nhiên, Mỹ và một số quốc gia châu Âu cáo buộc chương trình này đang tạo ra bẫy nợ cho những nước tham gia, đặc biệt là các nước nghèo và được sử dụng để mở rộng ảnh hưởng chiến lược và quân sự của Bắc Kinh.

Các nước thận trọng với "Vành đai và Con đường"

Không rõ Italia có thực sự ngán ngẩm với sáng kiến này hay không, nhưng nhiều nước đã và đang bày tỏ sự bất mãn với các dự án đầu tư của Trung Quốc. 

Tại Sri Lanka, người dân vẫn chưa nguôi giận sau khi đất nước lún sâu vào nợ nần do không thể trả được hơn 8 tỷ USD tiền vay từ Trung Quốc để thực hiện một số dự án cơ sở hạ tầng ở nước này. Tháng 12/2017, sau 2 năm đàm phán, Colombo buộc phải đồng ý cho Trung Quốc thuê cảng biển chiến lược trong 99 năm để được xóa nợ.

Ở Maldives, chính quyền của Tổng thống Mohamed Solih đang phải đau đầu với núi nợ mà người tiền nhiệm Abdulla Yameen vay mượn từ Bắc Kinh để xây dựng hàng loạt các cơ sở hạ tầng trong nước. Giới chức Maldives ước tính rằng khoản nợ của họ với Bắc Kinh tương đương với 20% GDP của đất nước. 

"Chúng tôi tự chuốc họa vào thân"- Bộ trưởng Phát triển Kinh tế Maldives Fayyaz Ismail từng ngậm ngùi chia sẻ, thừa nhận rằng nhiều dự án của Trung Quốc bị đội vốn quá đà. 

Bài học nhãn tiền của Maldives và Sri Lanka có vẻ là nguyên nhân khiến hàng loạt quốc gia hủy hoặc rút khỏi các dự án đã được đàm phán trước đó trong khuôn khổ "Vành đai và Con đường". 

Pakistan hồi tháng 12/2018 hoãn dự án nhiệt điện trị giá 2 tỷ USD với Bắc Kinh, đồng thời tuyên bố giảm vốn vay từ Trung Quốc cho các dự án đường sắt từ 8,2 tỷ USD xuống còn 6,2 tỷ USD. 

Myanmar giảm chi phí cho dự án cảng nước sâu do Trung Quốc tài trợ từ 7,3 tỷ USD xuống 1,3 tỷ USD với lý do quy mô ban đầu của dự án có thể đẩy Myanmar vào tình trạng nợ không trả nổi. 

f 5

  Sri Lanka phải cho thuê cảng biển chiến lược để trả nợ. (Ảnh: Economy Next)

Sierra Leone, một trong những quốc gia nghèo nhất châu Phi thẳng tay hủy bỏ dự án xây dựng sân bay trị giá 318 triệu USD ở thủ đô Freetown hợp tác với Trung Quốc dự kiến hoàn thành vào năm 2022. 

"Sau khi xem xét một cách nghiêm túc, chính phủ tin rằng sẽ không kinh tế nếu xây dựng sân bay mới khi mà sân bay hiện tại vẫn có thể cải tạo được", Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và Hàng không Sierra Leone Kabineh Kallon cho biết.

Đầu năm 2018, Banglades hủy bỏ dự án cảng nước sâu Sonadia do Trung Quốc đề xuất với lý do thiếu tính khả thi thương mại, nhưng lại để Nhật Bản phát triển cảng Matarbari cách đó chỉ 25 km.

Mới đây, Malaysia cũng cho hủy hàng loạt dự án hàng tỷ USD với Trung Quốc để giảm bớt gánh nặng nợ của chính phủ, đồng thời thể hiện quan điểm cứng rắn của Kuala Lumpur. 

Những lần thu mình này của các quốc gia càng khiến nhiều nước ngần ngại bước chân vào dự án tham vọng của Trung Quốc. 

Ấn Độ từ lâu phản đối "Vành đai và Con đường" và khước từ lời kêu gọi tham gia nhiệt tình từ Bắc Kinh vì các dự án nằm trong sáng kiến này liên quan tới tranh chấp lãnh thổ của New Delhi và Pakistan. Ngoài Italia, các quốc gia châu Âu đều cự tuyệt dự án tham vọng của ông Tập với lo ngại đây là công cụ để Trung Quốc thâu tóm vai trò lớn hơn trong thương mại toàn cầu thông qua mạng lưới mà Bắc Kinh làm trung tâm. Mỹ cũng nhiều lần kêu gọi các nước tỉnh táo trước khi dấn thân vào vành đai siết nợ hay con đường một chiều. 

Song Hy
Bình luận
vtcnews.vn