Iraq: Đá bóng là yêu nước và điều thần kỳ làm thế giới mãi thán phục

Thể thaoThứ Năm, 08/10/2015 03:00:00 +07:00

Bóng đá Iraq từng viết nên một câu chuyện cổ tích tại Asian Cup 2007 bằng chức vô địch đầy bất ngờ, nhưng trước đó họ đã từng làm rung chuyển thế giới

(VTC News) - Bóng đá Iraq từng viết nên một câu chuyện cổ tích tại Asian Cup 2007 bằng chức vô địch đầy bất ngờ, nhưng trước đó họ đã từng làm rung chuyển thế giới.

* Đội tuyển Iraq được coi là đội bóng mạnh nhất bảng F vòng loại World Cup 2018 khu vực châu Á

Đó là vào năm 2004 tại Olympic Athens. Đội bóng đến từ vùng vịnh xuất sắc đánh bại ứng cử viên vô địch U23 Bồ Đào Nha (có sự góp mặt của ngôi sao Ronaldo) với tỷ số 4-2 ngay trận mở màn. Họ thắng tiếp U23 Costa Rica để vươn lên đứng đầu bảng D, giành 1 vé vào tứ kết.
ĐT Iraq trong một lần tập trung hồi năm 2014
ĐT Iraq trong một lần tập trung hồi năm 2014 
Chiến thắng tối thiểu trước U23 Australia ở tứ kết giúp Iraq lần đầu tiên trong lịch sử lọt vào bán kết tại Olympic, và dù để thua U23 Paraguay ở bán kết và U23 Italia ở trận tranh HCĐ, Athens vẫn là mốc son chói lọi trong lịch sử bóng đá đầy bom đạn của đất nước 36 triệu dân này.
Điều đáng nói, mới chỉ trước đó 1 năm, Iraq vẫn còn chìm trong khói lửa. Cho đến tận ngày 1/5/2003, Tổng thống Mỹ, George Bush mới tuyên bố chấm dứt mọi hoạt động quân sự tại đất nước này. Bóng đá, cũng giống như một loạt các hoạt động khác của người dân Iraq, phải chịu sự cấm vận và những án phạt nặng nề.
Nhưng thật kỳ lạ là trái bóng tròn vẫn sống, thậm chí phát triển ở mảnh đất này. Có một câu chuyện thật cảm động về tình yêu bóng đá tại Iraq, đó là vào ngày 9/3/2003, 4 ngày trước thời hạn giải giáp Iraq mà Mỹ và liên quân đưa ra cho chính quyền nước này, CLB Al Talaba của Iraq vẫn quyết tâm hành quân hàng nghìn km, sang tận Tashkent (Uzbekistan), để thi đấu với Pirouzi của Iran ở vòng bảng AFC Champions League.
Dĩ nhiên, các cầu thủ Iraq đã phải hành xác trên quãng đường này. Do lệnh cấm vận, họ mất phải rong ruổi bằng ô tô trên quãng đường hơn 700 km qua sa mạc, chờ tiếp 10 giờ đồng hồ nữa để được bay sang Matxcơva, trước khi mất thêm chừng ấy thời gian để đến Tashkent.
ĐT Iraq bất ngờ vô địch Aisan Cup 2007
ĐT Iraq bất ngờ vô địch Aisan Cup 2007
Để được thi đấu, đội tuyển Iraq đã phải di chuyển liên tục trong hơn 36 giờ đồng hồ. Ấy vậy, họ vẫn ra sân mà không phàn nàn hay kêu ca một lời nào. Bản thân mỗi cầu thủ Iraq luôn hiểu rằng bóng đá là nơi để họ thể hiện tình yêu dân tộc, và vì thế, chơi bóng cũng chính là một cách chứng tỏ lòng yêu nước.
Hẳn chưa ai quên hình ảnh đội trưởng Younis Mahmoud của ĐT Iraq ăn mừng bằng cách đưa tấm băng thủ quân có in hình quốc kỳ Iraq lên trên đầu mỗi khi ghi bàn tại Asian Cup 2007. Mahmoud nằm trong số những người từng chinh chiến ở Athens 3 năm trước đó, và sau cú hích lịch sử ở đất nước của những câu chuyện thần thoại, chính đất nước Iraq đã tự viết nên một câu chuyện tương tự ở giải đấu diễn ra tại 4 nước Việt Nam, Thái Lan, Indonesia và Malaysia. 
Sự sống không bao giờ chết tại Iraq cũng như trái bóng sẽ không bao giờ ngừng lăn trên đất nước này. Cũng giống như Brazil, mỗi đứa trẻ Iraq luôn hiểu rằng bóng đá là cách nhanh nhất để thoát khỏi đói nghèo. Một cầu thủ Iraq được xem là ngôi sao có thể kiếm 50.000 USD mỗi năm nếu chơi ở trong nước. Còn nếu ra nước ngoài thi đấu, đặc biệt là ở những quốc gia giàu có Qatar, Ả Rập Saudi, số tiền họ mang về có thể lên tới cả triệu USD.
So với nhu cầu chỉ vào khoảng 6000 USD/năm của những người nghèo Iraq, con số trên quả thực là giấc mơ. Một ngôi sao bóng đá ở Iraq đủ sức nuôi sống cả một gia đình, và vì như thế, họ luôn chơi bóng bằng cả trái tim như cách đội trưởng Younis Mahmoud thường ăn mừng bằng cách đặt tay lên ngực bên trái.
HLV trưởng ĐT Iraq, ông Yahya và cầu thủ nổi tiếng của đội bóng này Ali Adnan
HLV trưởng ĐT Iraq, ông Yahya và cầu thủ nổi tiếng của đội bóng này Ali Adnan 
Chính trợ lý HLV trưởng ĐT Iraq, 
Nazar Ashraf đã chia sẻ: "Các CLB của chúng tôi đều rất giàu. Vì vậy bố mẹ rất động viên con cái tập trung vào bóng đá. Ngoài ra, chúng tôi còn có nhiều HLV giỏi, những người biết truyền lửa cho các thế hệ sau về tình yêu bóng đá".
Bên cạnh tinh thần thi đấu tuyệt vời của các cầu thủ, cách thức chọn lựa các tuyển thủ cũng như tổ chức giải VĐQG của Iraq cũng rất đáng ngưỡng mộ. Trước đây, họ có một giải vô địch giống như các nước khác, nghĩa là các đội chơi vòng tròn 2 lượt, đi và về, để tìm đội có số điểm cao nhất lên ngôi vô địch.
Nhưng bây giờ, khi mà ISIS chiếm đóng vùng miền Tây, trong đó có thành phố Mosul lớn thứ nhì Iraq, và cấm bóng đá khỏi hoạt động thường ngày, giải vô địch không thể hoạt động như cũ. Bên cạnh đó, phong trào ly khai của người Kurd ở vùng Đông Bắc, cũng ảnh hưởng đáng kể tới sự di chuyển của các đội.
Để khắc phục, BTC giải quyết định chia giải vô địch thành 2 nhóm, mỗi nhóm có 10 đội, nhằm giúp các CLB có thể dễ dàng di chuyển thi đấu. Sau khi đấu vòng tròn trong nhóm này, 2 đội đứng đầu sẽ gặp nhau ở trận chung kết để xác định đội vô địch. 
Video ĐT Việt Nam 0-2 ĐT Iraq tứ kết Asian Cup 2007
Một ĐTQG muốn mạnh thì yếu tố tiên quyết là giải VĐQG của nước đó phải chất lượng và hấp dẫn. Do đó, dù còn nhiều khó khăn về thi đấu nhưng LĐBĐ Iraq luôn tạo điều kiện tốt nhất để các cầu thủ ra sân.
Hay như cách tập trung ĐTQG thi đấu ở các giải đấu quốc tế, đội tuyển Iraq cũng luôn chuẩn bị sẵn sự kế thừa. Những cầu thủ trẻ luôn được ưu tiên sử dụng nhằm chắc chắn rằng, khi một nhóm cầu thủ lớn tuổi và rời đội thì lứa trẻ có đủ sức thay thế cho các đàn anh. 

Phan Nguyên
Bình luận
vtcnews.vn