Indonesia tức giận vụ 'Úc giúp Mỹ nghe lén Việt Nam'

Thế giớiThứ Bảy, 02/11/2013 08:19:00 +07:00

Ngoại trưởng Indonesia, ông Natalegawa phát biểu rằng, các hoạt động bị cho là nghe lén này là “không thể chấp nhận được”...

Ngoại trưởng Indonesia, ông Natalegawa phát biểu rằng, các hoạt động bị cho là nghe lén này là “không thể chấp nhận được”...


Việt Nam nằm trong số các quốc gia ở Đông Nam Á bị cho là bị các đại sứ quán của Australia nghe lén. Indonesia, một trong số các “nạn nhân” của chương trình gián điệp này vừa lên tiếng đòi Australia giải thích vụ việc.
Theo kênh truyền thông SBS của Australia, Indonesia đã yêu cầu các bên liên quan làm rõ những cáo buộc cho rằng đại sứ quán Mỹ và Australia ở Jakarta theo dõi Tổng thống Sulilo Bambang Yudhoyono và các nhà lãnh đạo cấp cao khác của nước này.
Đại sứ quán Australia ở Jakarta, Indonesia. 

Trước đó, theo một tài liệu mật được tiết lộ bởi cựu nhân viên Cơ quan An ninh Quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowsden, Mỹ đã lén theo dõi hoạt động của các quan chức chính trị cao cấp Indonesia. 
Được đăng tải đầu tiên trên tờ De Spiegel của Đức, những thông tin mật này tiết lộ rằng, các chương trình bí mật của NSA còn được thực hiện tại các đại sứ quán của Australia ở Indonesia, Thái Lan, Việt Nam, Trung Quốc và Đông Timor.
Mang tên “Stateroom”, chương trình theo dõi này được cho là nghe lén các cuộc điện thoại và truy cập Internet của các nhà lãnh đạo. Bản tài liệu cho biết, các thiết bị theo dõi này được giấu rất kỹ, chẳng hạn dưới mái nhà kho, và nhấn mạnh, phần lớn nhân viên ngoại giao trong các đại sứ quán không biết đến sự tồn tại của các thiết bị đó.
Ngoại trưởng Indonesia, ông Natalegawa phát biểu rằng, các hoạt động bị cho là nghe lén này là “không thể chấp nhận được”, và nếu được chứng minh là có thật, các hoạt động đó sẽ không chỉ bị coi là xâm phạm an ninh, mà còn là “sự vi phạm nghiêm trọng các nguyên tắc về ngoại giao và đạo đức”.
Hôm thứ 4, Bộ Ngoại giao Indonesia đã mời đại biện đại sứ quán Mỹ tại Jakarta Kristen Bauer tới để giải thích về những nghi vấn nghe lén nói trên, nhưng đại biện này chưa đưa ra bình luận gì. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng từ chối bình luận về những thông tin mật bị tiết lộ, nói rằng phải đến cuối năm nay mới hoàn tất việc rà soát thu thập các thông tin tình báo.
Trong một tuyên bố phát đi vào cuối ngày 31/10, Bộ Ngoại giao Indonesia cho biết sẽ triệu tập Đại sứ Australia Greg Moriarty vào ngày thứ Sáu để giải thích về sự liên quan của Australia trong vụ nghe lén này.
Giáo sư Hikmahanto Junawa thuộc Đại học Indonesia nói rằng, những cáo buộc nghe lén có thể ảnh hưởng bất lợi tới mối quan hệ giữa Indonesia và Mỹ, nhưng những tiết lộ về sự liên quan của Australia còn có thể có ảnh hưởng lớn hơn. Vụ việc này diễn ra khi Australia đang hợp tác chặt chẽ với nước láng giềng Indonesia để chống nạn buôn người và Thủ tướng mới đắc cử của Australia là Tony Abbott nỗ lực thắt chặt quan hệ với Jakarta.
“Tôi nghĩ là sẽ rất khó để Chính phủ Indonesia có phản ứng mạnh với phía Mỹ. Tuy nhiên, với Australia thì khác, vì Indonesia xem Australia không mạnh như Mỹ”, Giáo sư Junawa nói.
Cũng theo ông Junawa, nếu được chứng minh là có thật, vụ việc này sẽ giúp Indonesia có lợi thế lớn hơn trong các cuộc đàm phán với Australia trong các vấn đề lớn như buôn người hay tha bổng cho các tù nhân Australia trong nhà tù Indonesia. Hiện các nhà chức trách Indonesia đang tính chuyện tha bổng cho Schapelle Corby, một tay buôn ma túy người Australia bị kết án ở Indonesia. Tuy nhiên, theo ông Junawa, sẽ khó có chuyện Chính phủ Indonesia sẽ ra quyết định tha bổng một khi hành động của Australia làm dư luận bất bình.
Nhà phân tích chính trị Aleksius Jemadu thuộc Đại học Pelita Harapan ở Jakarta nói rằng, những cáo buộc nghe lén xói mòn mối quan hệ đối tác của Indonesia với Australia và Mỹ ở thời điểm mà sự phụ thuộc lẫn nhau giữa các quốc gia này gia tăng. 
“Tôi nghĩ, vụ việc sẽ ảnh hưởng xấu tới các mối quan hệ song phương vì họ biết giờ đã có một sự suy giảm niềm tin lớn vào chính phủ Mỹ và Australia”, ông Jemadu nói.
Thủ tướng Tony Abbott của Australia nói rằng, ông sẽ không đưa ra những bình luận công khai về các vấn đề tình báo, nhưng nhấn mạnh rằng, các cơ quan tình báo nước này luôn tuân thủ luật pháp.
Vào ngày 31/10, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hua Chunying cũng đã yêu cầu Mỹ giải thích việc dùng các đại sứ quán Australia vào việc nghe lén. Người phát ngôn này nói rằng, Trung Quốc đặc biệt lo ngại về thông tin về vụ việc và đề nghị tất cả các đại sứ quán nước ngoài ở Trung Quốc tôn trọng Công ước Vienna về quan hệ ngoại giao và không tham gia vào các hoạt động làm phương hại tới an ninh và lợi ích của Bắc Kinh.
Các diễn biến mới này làm gia tăng mức độ căng thẳng của vụ bê bối nghe lén mà Mỹ đang là tâm điểm. Trước đó, tài liệu mật bị Edward Snowden tiết lộ cũng đã nói rằng, Mỹ đã nghe lén một loạt đồng minh ở châu Âu, trong đó điện thoại của Thủ tướng Đức Angela Merkel cũng bị tình báo Mỹ theo dõi.
Theo Vneconomy
Bình luận
vtcnews.vn