Im hơi lặng tiếng sau những ồn ào, bia San Miguel giờ thế nào?

Kinh tếChủ Nhật, 15/03/2015 07:37:00 +07:00

Im hơi lặng tiếng sau những ồn ào, giờ đây bia San Miguel đang có lối đi khác hoàn toàn so với các hãng bia còn lại.

(VTC News) – Im hơi lặng tiếng sau những ồn ào, giờ đây bia San Miguel đang có lối đi khác hoàn toàn so với các hãng bia còn lại.

Ồn ào ngày ra mắt

San Miguel là tên một vùng đất ở Tây Ban Nha. Tại đây, những người Philippines học phương pháp truyền thống của người Tây Ban Nha để tạo ra một loại bia. Loại bia này được đặt tên là San Miguel. Năm 1890, nhà máy bia La Fabrica de Cerveza của San Miguel ở Philippines bắt đầu sản xuất và nhanh chóng trở thành loại bia được nhiều người ưa chuộng.

San Miguel trở thành một thương hiệu vô cùng quan trọng của Philippines. Doanh số của công ty thường xuyên chiếm tới 3-4% GDP của nước này.

Không lâu sau khi Việt Nam mở cửa thị trường, San Miguel tới Việt Nam qua bà Tư Hường, một Việt kiều Canada. Bà Tư Hường là một trong những doanh nhân Việt kiều nổi danh rất sớm. Từ đầu những năm 90, bà Tư Hường đã gây chấn động với hai phi vụ thu lời hàng chục triệu USD, số tiền quá lớn vào thời đó.

bia San Miguel
Ngày ra mắt, bia San Miguel khá ồn ào 
Một trong những phi vụ đến bây giờ vẫn được báo giới nhắc tới chính là bà Tư Hường đầu tư 15 triệu USD để xây dựng Nhà máy bia Vinagel rồi bán lại cho chính San Miguel với mức giá cao ngất ngưởng 25 triệu USD.

Thương vụ này gây “chấn động” vì ở thời điểm đó, 25 triệu USD là con số khổng lồ. Nhiều người thắc mắc tại sao San Miguel không tự mình đầu tư mà sẵn sàng trả mức giá quá cao cho bà Tư Hường. Trên thực tế, thời điểm đó, thủ tục đầu tư rất nhiêu khê nên việc mua đứt này đã tiết kiệm cho San Miguel nhiều thời gian, công sức và cả tiền bạc.

Sau khi bà Tư Hường bán nhà máy bia San Miguel, “mối lương duyên” giữa công ty bia Philiphines và gia đình Việt kiều Canada vẫn chưa chấm dứt. Ông Nguyễn Quốc Toàn (Tony Toàn), con trai bà Tư Hường về Việt Nam làm tư vấn cho San Miguel.

“Mối lương duyên” đắt đỏ giữa bà Tư Hương và San Miguel khiến cho hãng bia này ồn ào ngay cả khi chai bia đầu tiên chưa được ra mắt. Vì vậy, khi sản phẩm đã lên kệ, San Miguel không tiếc tiền cho các hoạt động quảng bá.

Từ năm 2000, San Miguel xuất hiện khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng. Dù không phải là hãng bia dẫn đầu thị trường nhưng San Miguel cũng nằm trong Top đầu các thương hiệu bia được nhiều người biết mặt, biết tên.

Trong khoảng thời gian này, San Miguel đường hoàng trong “cuộc đua” với các thương hiệu như Carlsberg hay Sabeco. Tại Hà Nội, San Miguel xuất hiện nhiều trong các cửa hàng tạp hóa cũng như các nhà hàng lớn.

Tuy nhiên, mấy năm trở lại đây, San Miguel dần vắng bóng khỏi thị trường. Những ai yêu mến hương vị bia đến từ Philippines không dễ dàng gì mua được San Miguel như 333, Heineken hay Trúc Bạch. Nhiều người cho rằng San Miguel đã biến mất khỏi thị trường Việt Nam.

Sống khỏe nhờ thế “kiềng 3 chân”

Trên thực tế, bia San Miguel không biến mất khỏi thị trường Việt Nam. Có chăng, hãng bia này chỉ đang tạm “im hơi lặng tiếng ở Hà Nội. Còn ở thị trường Nam Trung Bộ rộng lớn, San Miguel vẫn hoạt động khá tích cực.

San Miguel không chỉ sống bằng bia. Theo chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang, người có thời gian dài gắn bó với San Miguel, hiện San Miguel vẫn sống khỏe nhờ thế “kiềng 3 chân”. “3 chân” của San Miguel chính là đồ uống (bia, rượu, nước giải khát), bao bì và thực phẩm chế biến.

Ông Quang đánh giá thị phần của San Miguel ngoài miền Bắc không cao nhưng ở Nam Trung Bộ, hãng bia này vẫn có hệ thống bán lẻ khá rộng khắp. Hiện hãng tiết giảm chi phí ở mảng bia và tập trung các mảng còn lại.

“Đây là chiến lược khôn ngoan và hợp lý của San Miguel. San Miguel vốn rất lớn nên việc bỏ ra vài triệu USD để quảng bá không phải là khó. Tuy nhiên, khi thị trường đang cạnh tranh khốc liệt như hiện nay, San Miguel không đối đầu trực diện với các đối thủ mà hoạt động theo kiểu trường kỳ và lựa chọn thời cơ thích hợp” – Ông Quang phân tích.

Bên cạnh bia, mảng đồ uống của San Miguel còn có rượu và nước giải khát. Rượu và nước giải khát mang về nguồn thu không nhỏ cho San Miguel. Tuy nhiên, mảng đồ uống của San Miguel không mạnh như bao bì và thực phẩm.

Theo ông Quang, hoạt động của San Miguel tại Việt Nam vẫn rất ổn định. Trong đó bao bì là mảng lãi nhiều. San Miguel chiếm gần 40% thị phần chai thủy tinh. Trong khi đó, bao bì và nắp khoáng cũng mang lại cho San Miguel khoản lợi nhuận không nhỏ.

Công ty mẹ San Miguel ở Philiphines hoạt động khá tốt ở mảng thực phẩm nên không có gì ngạc nhiên khi mảng thực phẩm, chế biến thực phẩm của San Miguel tại Việt Nam đã trở thành “một chân” vững chắc của “chiếc kiềng”.

Le Gourmet là sản phẩm thịt xông khói rất nổi tiếng ở Việt Nam. Cái tên mang đậm âm hưởng Pháp khiến nhiều người nghĩ rằng Le Gourmet có xuất xứ từ Pháp. Thực tế Le Gourmet do San Miguel sản xuất.

Cùng với nhiều sản phẩm khác, Le Gourmet giúp San Miguel Việt Nam nằm trong Top các công ty chế biến thực phẩm tốt nhất Việt Nam. San Miguel thậm chí còn được xếp ngang hàng với Vissan -  “ông lớn” thực phẩm Việt Nam.

Bảo Linh

Bình luận
vtcnews.vn