IFC nâng mức tài trợ lên hơn 200 triệu USD cho VPBank

Kinh tếThứ Ba, 21/03/2017 14:06:00 +07:00

Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC), thành viên Nhóm Ngân hàng Thế giới, mới đây đã phê duyệt thêm gói tài chính trị giá hơn 80 triệu USD dành cho Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nâng tổng mức hỗ trợ tài chính của IFC cho VPBank lên hơn 200 triệu USD trong vòng 8 tháng qua.

Gói tài chính lần này bao gồm khoản vay hợp vốn trị giá 58 triệu USD kỳ hạn 5 năm và khoản tài trợ thương mại trị giá 25 triệu USD. Trước đó, trong năm 2016, IFC và các bên đồng tài trợ gồm Ngân hàng Cathay United và ICBC đã cung cấp cho VPBank gói tài chính tổng trị giá 125 triệu USD.

Khoản vay hợp vốn mới này sẽ được VPBank tiếp tục sử dụng để cung cấp vốn vay cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ, đặc biệt là những doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và hỗ trợ các doanh nghiệp xuất nhập khẩu phát triển các cơ hội thương mại quốc tế.

Với tỷ lệ chiếm tới hơn 90% tổng số các doanh nghiệp trên cả nước, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ đang là một cấu phần quan trọng trong nền kinh tế Việt Nam, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Tuy vậy, phần lớn các doanh nghiệp này lại đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận với nguồn vốn ngân hàng. Vì vậy, nguồn tài trợ của IFC thông qua VPBank được coi là một sự hỗ trợ quý báu với các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

1

IFC mới đây đã phê duyệt nâng tổng mức hỗ trợ tài chính cho VPBank lên hơn 200 triệu USD 

Thực tế, sau khi tiếp nhận gói tài chính đợt 1 từ IFC, VPBank đã cho thấy gói tài chính trên đã được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả. Đơn cử như hạn mức tài trợ thương mại trị giá 25 triệu USD đã được sử dụng hết chỉ trong vòng 3 tháng sau khi được cấp.

Hơn nữa, các chương trình tín dụng của VPBank cũng đang hỗ trợ rất tích cực và thiết thực cho các dự án có cam kết bảo vệ môi trường, đem lại lợi ích thực tế cho xã hội và ưu tiên đối với các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ.

“IFC là tổ chức tài chính phát triển toàn cầu lớn nhất tập trung hỗ trợ phát triển khu vực kinh tế tư nhân tại các nước đang phát triển. Tổ chức này có những quy tắc thẩm định và phê duyệt tín dụng theo tiêu chuẩn quốc tế, trên cơ sở cân nhắc toàn diện đối tác vay về quản trị doanh nghiệp, chiến lược kinh doanh, sự lành mạnh về tài chính, cam kết bảo vệ môi trường và xã hội. Do đó, quyết định nâng thêm hạn mức hỗ trợ tài chính của IFC dành cho VPBank đã thể hiện sự tín nhiệm của IFC đối với những đóng góp của ngân hàng chúng tôi vào sự phát triển chung của cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ và siêu nhỏ. Chúng tôi rất vui mừng được tiếp tục làm việc với IFC để tăng cường hỗ trợ tài chính cho các doanh nghiệp,” ông Nguyễn Đức Vinh, Tổng giám đốc VPBank, nhấn mạnh.

Báo cáo tài chính hợp nhất năm 2016 của VPBank cho thấy tổng tài sản của VPBank đạt gần 226 nghìn tỷ đồng, tăng 16,5% từ mức 194 nghìn tỷ đồng năm 2015. Lợi nhuận trước thuế hợp nhất của VPBank đạt 4.900 tỷ đồng trong năm 2016, trong đó lợi nhuận của riêng Ngân hàng là hơn 3.400 tỷ đồng.

Kết quả trên đã đưa VPBank trở thành ngân hàng thương mại cổ phần hoạt động hiệu quả nhất trong năm qua. Đặc biệt, VPBank cũng là một trong những ngân hàng hàng đầu về cung cấp tín dụng cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp siêu nhỏ và khối tiểu thương.

Nhã Phương
Bình luận
vtcnews.vn