Hy hữu chuyện kẻ trộm phải đi bắc cầu, làm đường

Pháp luậtThứ Năm, 21/01/2016 01:05:00 +07:00

Những người ăn trộm bị phát hiện ngoài đền bù cho nạn nhân còn phải tham gia hoạt động công ích như bắc cầu, làm đường.

Những người ăn trộm bị phát hiện ngoài đền bù cho nạn nhân còn phải tham gia hoạt động công ích như bắc cầu, làm đường.

“Tường chắn” tội phạm ở Nậm Khắt


Những ngày cuối năm, lên xã Nậm Khắt, chúng tôi rất ngạc nhiên khi nghe bà con kể chuyện những người phạm tội trộm cắp ngoài việc bị phạt đền bù cho người bị hại, lại phải đi bắc cầu, làm đường.

Theo ông Thào A Tông - Trưởng bản, cách đây vài năm, tại bản Hua Khắt có một người đàn ông lạ mặt đi xe máy có chở thảo quả rất đáng nghi. Sau khi nhận được thông tin, tổ đội an ninh tự quản đã huy động bà con trong bản vây bắt. Qua lời khai, người đàn ông tên Thào A Vừ, 23 tuổi, quê ở Sơn La và 25kg thảo quả trên xe máy là hái trộm của nhà ông Thào A Páo trong thôn.
Các tổ an ninh thôn, bản thường xuyên thông tin cho lực lượng công an xã. Ảnh: N.L
Các tổ an ninh thôn, bản thường xuyên thông tin cho lực lượng công an xã. Ảnh: N.L 
Theo quy ước, hương ước của bản, Vừ bị phạt bằng tiền với giá thị trường/tổng số kg thảo quả. Do ăn trộm nhiều lần nên Vừ bị phạt 3 triệu đồng, trả cho gia đình ông Páo. Để không tái diễn hành vi trộm cắp, Vừ còn phải dựng một cây cầu nhỏ bắc qua sông tại bản Hua Khắt.

Trong năm 2014, bản Nậm Khắt cũng bắt được Giàng Khua Già ăn trộm một con vịt của gia đình anh Giàng Sông Trừ cùng bản. Già khai đã nhiều lần ăn trộm vịt của nhà anh Trừ, vì thế Già phải đền bù số tiền tương đương với số vịt đã ăn cắp, đồng thời phải bỏ tiền để mua đá rải cấp phối cho 20m đường đất trơn trượt tại bản Nậm Khắt với sự giám sát chặt chẽ của người dân. Sau khi hoàn thành, anh Già mới được tha về.

“Mục đích của hình phạt này nhằm làm cho kẻ gian xấu hổ mà không tái phạm, đây cũng là hình thức răn dạy mọi người không được trộm cắp tài sản của người khác. Với cách xử phạt nghiêm minh được quy định chi tiết tại hương ước, đa phần kẻ gian không dám tái diễn vi phạm” - ông Thào A Tông cho hay.

Tổ an ninh tự nguyện

Nậm Khắt có 9 bản, 828 hộ, chủ yếu là người DTTS, số hộ nghèo chiếm đến 50%. Vì cuộc sống khó khăn nên bản không có tiền trả phụ cấp cho các tổ đội an ninh tự quản. Nhưng với trách nhiệm và niềm tin của mọi người, mỗi bản vẫn duy trì 3-4 tổ đội xung kích, mỗi tổ có 3-4 người, trong đó tổ trưởng, tổ phó là trưởng bản, công an và những người được tín nhiệm.

Ông Thào A Sinh - Bí thư Đảng ủy xã Nậm Khắt cho biết: Các tổ đội trật tự tự quản hiện hoạt động rất tốt. Mỗi cuộc họp bản, tổ đội đều phân công nhau đến lồng ghép tuyên truyền về chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về trật tự an ninh.

Trong đó, tổ đội trật tự nhấn mạnh về tác hại của ma túy đối với người dân; phát phiếu cho các hộ dân ký cam kết không tàng trữ chất gây nghiện, vũ khí; khai báo khi phát hiện người lạ vào bản và cách nhận biết các mối nguy hiểm rình rập khi đi nương, lên rừng một mình và cách phòng tránh.

Đặc biệt, tổ an ninh tự quản còn vận động người dân tuyên truyền, dạy bảo các thành viên trong gia đình tuân thủ các điều lệ được quy định trong hương ước, quy ước của mỗi bản.

Video: Cảnh sát phang kẻ trộm
Nguồn: Dân Việt

Bình luận
vtcnews.vn