Huyết chiến kinh hoàng với thú dữ ở ngã ba biên giới

Phóng sự - Khám pháThứ Bảy, 18/05/2013 07:14:00 +07:00

Để không phải chứng kiến cảnh người thân của mình phải bỏ mạng, họ đã vùng lên chiến đấu với thú dữ.

Để không phải chứng kiến cảnh người thân của mình phải bỏ mạng, họ đã vùng lên chiến đấu với thú dữ.


Những năm 80 của thế kỷ XX trở về trước, khi những cánh rừng già ở xã Thu Lũm, huyện Mường Tè (Lai Châu) còn nguyên sơ, hoang dại, những ngôi nhà của người Hà Nhì còn lưa thưa, tản mát, hổ, báo, gấu… nhiều lắm, tác oai tác quái gieo rắc tai ương cho con người.

Để không phải chứng kiến cảnh người thân của mình phải bỏ mạng, họ đã vùng lên chiến đấu với thú dữ.

Hổ dữ săn người

Đến tận bây giờ, ký ức về những câu chuyện rùng rợn liên quan đến hổ dữ ăn thịt người vẫn còn in hằn đậm nét trong tâm trí những người Hà Nhì ở bản Thu Lũm, xã Thu Lũm.

Các cụ cao niên trong làng kể lại, khoảng hơn 30 năm trở về trước, khi Nhà nước chưa nổ mìn phá núi làm đường cho xe chạy, mỗi gia đình người Hà Nhì sống gần như biệt lập ở một quả đồi, may mắn lắm mới có một chòm xóm khoảng 5 - 6 nóc nhà, sống nhờ làm rẫy, trồng thuốc phiện và chăn thả gia súc.

Chuyện hổ, báo vào bản bắt trâu, lợn, ngựa tha về rừng xé thịt là chuyện thường tình. Nhưng, sự liều lĩnh của chúng còn được đẩy lên tột độ khi dám đặt con người là mục tiêu săn mồi.

Nhớ về quá khứ buồn đau của gia đình mình 36 năm trở về trước, ông Chu Phì Hừ (56 tuổi, ở bản Thu Lũm) không giấu nổi sự căm hận về loài hổ: “Năm 1977, cụ nội tôi là Phù Lỗ Mư đang lấy củi trong rừng thì không may lọt vào tầm ngắm của một con hổ vằn cái. Thấy có tiếng động sau lưng, cụ Mư ngoảnh lại thì thấy con hổ đang nhe nanh há mồm tiến đến. Quá sợ hãi và hoảng loạn, cụ vừa chạy vừa kêu to “À dừ! À dừ” (ý muốn nói là “Con hổ! Con hổ!”, đọc đúng phải là “Khà dừ! Khà dừ” nhưng sợ hãi quá nên nói chệch).

thú dữ
Bây giờ không còn thú lớn nữa, người dân ở bản Thu Lũm chỉ dùng bẫy kiềng loại nhỏ để bẫy lợn rừng, sóc, dúi 
Tiếng kêu cứu của cụ Mư vọng vào vách đá, luồn qua khe suối vang núi rừng. Những người làm nương rẫy gần đó vội vàng đến cứu, nhưng khi tới nơi, cụ đã bị hổ ngoạm vào cổ đến tắc thở. Để giành giật lại xác cụ, họ đã cầm đá mài dưới suối ném vào con ác thú, nó sợ quá bỏ chạy vào rừng”.

Khi ấy, ông Chu Pô Hử (bố ông Chu Phì Hừ) đang công tác ở Tỉnh đội Lai Châu. Nghe tin cụ Mư bị hổ sát hại, ông lập tức xin phép lãnh đạo tỉnh đội mang súng về quê diệt hổ báo thù. Ông đã huy động 3 bẫy kiềng cỡ đại có đường kính 70 cm của dân bản, mua thịt trâu rồi vào rừng lần tìm dấu chân hổ đặt bẫy.

Ngửi thấy mùi thịt, con hổ tiến đến ăn, chân trái phía trước của nó đặt trúng bẫy, hai cánh răng cưa hình bán nguyệt khép lại, ghim vào thịt toé máu. Chúa tể rừng xanh vùng vẫy, gầm gào như xé núi.

Ông Hử vội chạy đến, giương súng bắn liền 3 phát đạn, máu hổ phun tung toé tứ phía như ống dẫn nước máy bơm bị vỡ. Giãy giụa hơn gần 20 phút, nó mới tắt thở. Con hổ vằn dài khoảng 2 m, nặng không dưới 200 kg, răng nanh dài và nhọn hoắt được 6 người trói và khiêng về chia cho cả bản.

Trước đó, năm 1972, khi đang chích quả thuốc phiện ở cách nhà khoảng 500 m, thanh niên Chu Xử Xá cũng bị hổ cắn chết rồi lôi xuống khe suối Lố Khổ Khổ Ma (bây giờ đổi thành Pì Gia Lố Khổ).
thú dữ
Ông Chu Phì Hừ kể chuyện bố mình (Chu Pô Hử) giết hổ báo thù cho người thân 
Khi người dân phát hiện, thi thể của anh Xá chỉ còn sót lại bàn chân và vài mảnh xương. Người Hà Nhì quan niệm, người chết ở dưới nước thì không được sạch sẽ, bởi thế hàng năm, gia đình có người quá cố phải cúng 1 con lợn nái, 1 con chó, 5 con gà, 3 quả trứng rồi mời cả bản (hoặc ít nhất 10 hộ) đến ăn để giải trừ những tai ương.

Mấy chục năm đã trôi qua, nhưng hiện tại, em trai của Chu Xử Xá là Chu Phí Xá vẫn phải đảm trách nhiệm vụ cúng bái vong hồn của anh. Vì quá sợ hổ dữ tấn công, mỗi khi vào rừng, dân bản Thu Lũm thường đi ít nhất 3 người để hỗ trợ cho nhau, đồng thời không quên kéo lê một ngọn tre dưới đất để hổ nghe tiếng sợ không dám tới gần.

Cuộc chiến sinh tử với gấu ngựa

Năm 1979, chiến tranh biên giới nổ ra, mỗi hộ dân ở bản Thu Lũm được cấp 1 khẩu súng trường. Ngoài việc chiến đấu tiêu diệt quân thù, người Hà Nhì còn dùng nó để hạ gục thú dữ. Số người bắn được hổ, gấu không dưới một chục, nhưng chỉ còn duy nhất một “thợ săn gấu” vẫn sống, đó là cụ Lỳ Mò Tư. Bước sang tuổi 82, những nếp nhăn đã khắc sâu chằng chịt trên khuôn mặt, thế nhưng cụ lão vẫn còn rất minh mẫn.

Kể về cuộc chiến sinh tử với con gấu ngựa cái 30 năm trước đây, tâm trạng cụ Tư quặn thắt: “Sáng hôm ấy, một người dân trong bản đi nương về báo tin có 1 con gấu ngựa cái đang dẫn theo 3 đứa con ăn quả vải ở gần khe suối trong rừng, tôi liền vác súng trường và rủ cậu em trai Lỳ Ha Lòng vào rừng lần tìm theo dấu chân gấu để bắn.

Khi đuổi đến nơi, 4 mẹ con nhà gấu bỏ chạy. Tôi cầm súng bắn chết một con gấu con, sau đó giấu vào bụi rậm và tiếp tục săn lùng gấu mẹ. Không ngờ, con gấu mẹ phục sẵn ở gần đường. Khi chúng tôi đi ngang qua, nó phóng nhanh cắt chụp lấy tôi. Tôi giơ tay phải lên che mặt thì bị nó cắn vào khuỷu tay, 4 răng nanh đan chéo dài hơn 10 cm phập thủng xương.
thú dữ
Ông Lỳ Mò Tư (82 tuổi) vừa chỉ vào vết thương bị nanh gấu bập vào, vừa kể về trận chiến sinh tử với gấu ngựa 
Thằng Lòng cầm dao cóng bổ thẳng vào lưng gấu. Con gấu đau quá nhả tay tôi ra và quay sang vả tới tấp vào mặt, vào người thằng Lòng. Những cái móng sắc nhọn của nó chạm vào đâu, máu trên người thằng Lòng chảy tới đó, bộ quần áo bị xé nát bươm.

Vì cánh tay phải không thể cử động nên tôi không thể kéo bệ khoá nòng của súng trường được. Tôi phải đặt báng súng xuống đất, dùng 2 chân kẹp chặt rồi lấy tay trái lên đạn và bắn trúng đầu con gấu. Nó ngã xuống giãy dụa.

Khi con gấu chết cũng là lúc thằng Lòng tắc thở. Dân làng biết tin kéo đến đông đảo, 6 người khiêng con gấu to như con ngựa; 2 người khiêng xác thằng Lòng về nhà và 1 người cõng tôi đến nhà thầy lang cầm máu đắp thuốc. Hai năm sau đó, cánh tay của tôi bị liệt, phải tập luyện rất nhiều mới có thể cử động được”.

Đêm đêm, ông Tư vẫn thường choàng tỉnh giấc vì mơ thấy cảnh tượng kinh hoàng của cuộc chiến đấu đẫm máu ấy, rồi chạy sang nhà em trai ở ngay kế bên để thắp hương. Ông cũng bỏ nghề từ đó.

Ông Chu Phì Hừ tâm sự: Những người săn thú dữ thường không có hậu vận. Cách đây 4 năm về trước, con của ông Lỳ Cà Tư (người cùng bản) đi vào rừng đặt bẫy kiềng đường kính 50 cm bắt thú lớn gần nương của gia đình.

Mấy hôm sau, người con bảo bố vào rừng thăm bẫy. Ông Cà Tư đã đến sát bẫy nhưng tưởng chưa tới nơi nên tiếp tục đi tiếp. Chân ông chạm phải bẫy, hai cánh răng cưa sập vào toé máu. Đau đớn đến tột cùng nhưng không thể nào bửa 2 cánh răng cưa ra được, càng cử động bẫy càng nghiến sâu vào da thịt, ông Cà Tư phải nằm lại nơi rừng thiêng nước độc, la thét thảm thiết nhưng không ai nghe thấy.

Hai ngày sau, con trai ông Cà Tư vào rừng tìm bố thì phát hiện ông đang rên rỉ kêu than, mặt mày xanh xao, người gầy rộc. Tại vết răng cưa bẫy kiềng găm vào, vi khuẩn đã xâm nhập mạnh gây nhiễm trùng nặng, phần thịt bị hoại tử màu đen sì, bốc mùi hôi thối. Tuy gia đình đã chạy chữa khắp nơi nhưng vết thương của ông Cà Tư không khỏi được, thậm chí ngày càng lan rộng. Hai năm sau thì ông qua đời.


Theo NNVN

Bình luận
vtcnews.vn