Huyền tích nước thiêng nơi ngã ba Bạch Hạ

Thời sựChủ Nhật, 17/04/2016 08:38:00 +07:00

Theo tương truyền của dân gian thì nơi này là sự gặp gỡ của 3 con sông, nơi hội tụ của linh khí sông núi, có được dòng nước này sẽ rất tốt khi làm việc lớn...

Theo tương truyền của dân gian thì nơi này là sự gặp gỡ của 3 con sông, nơi hội tụ của linh khí sông núi, có được dòng nước này sẽ rất tốt khi làm việc lớn như làm nhà, xây mộ, hay làm nước cúng vào những ngày lễ quan trọng trong năm...

Cứ mỗi dịp cuối năm hay chuẩn bị tới ngày Giỗ Tổ 10.3 âm lịch, dân vạn chài xóm Đoàn Kết, phường Bạch Hạc, TP.Việt Trì (Phú Thọ) lại hối hả, bận rộn phục vụ những đoàn khách đến nhờ đưa đi lấy nước thiêng, đúng nơi ngã ba sông Bạch Hạc. Theo tương truyền của dân gian thì nơi này là sự gặp gỡ của 3 con sông, nơi hội tụ của linh khí sông núi.

Người ta nói rằng, có được dòng nước này sẽ rất tốt khi làm việc lớn như làm nhà, xây mộ, hay làm nước cúng vào những ngày lễ quan trọng trong năm...
Ông Lập làm lễ trước khi xin nước.Ảnh: GIA TƯỞNG
Ông Lập làm lễ trước khi xin nước.Ảnh: GIA TƯỞNG 

Huyền tích Bạch Hạc

Tuy đã được nghe nhiều về vùng ngã ba sông Bạch Hạc, nơi gặp gỡ của 3 con sông hùng vĩ và thơ mộng của miền Bắc là sông Hồng, sông Đà và sông Lô, nhưng tôi chưa được một lần ngồi thuyền lướt sóng tới vùng ngã ba huyền thoại này để phóng tầm mắt mà chiêm ngưỡng. Đây là điều mong ước đã lâu...

 

Với giá nước như hiện nay từ 250.000- 300.000 đồng/can 20 lít được các quán ở chân cầu Việt Trì bán, còn một lượt đò chở ra ngã ba sông là 300.000 đồng, không quá đắt đỏ cho một việc tâm linh lớn. Được biết, hiện nay làng Bạch Hạc có khoảng 20 hộ dân làm nghề đưa đò lấy nước thiêng này.
 
Đầu tháng 3 âm lịch, tôi tìm tới vòng quay chân cầu Việt Trì cũ,  ở đây là những dãy  hàng nước có treo những tấm biển “đưa đò lấy nước thiêng ngã ba sông”. Vào quán của ông Nguyễn Văn Hùng, năm nay 54 tuổi, hỏi chuyện thì ông cho biết: “Vợ chồng tôi đã bán hàng ở đây hàng chục năm nay, thấy người dân đi xin nước ngày một đông. Không chỉ là bà con trong vùng Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Sơn Tây, mà đồng bào khắp cả nước và nhiều Việt kiều cũng tìm về vùng ngã ba sông này mong tìm được nước thiêng để cầu bình an, may mắn, hạnh phúc.

Làm nghề “múc” nước thiêng nhiều năm nên ông Hùng cũng khá thông thuộc điển tích về cái tên Bạch Hạc để chiều lòng khách. Ông  kể: “Theo các cụ bô lão trong làng Bạch Hạc xưa kể lại, từ hồi Lạc Long Quân lập nước, khi đó người đứng trên núi Nghĩa Lĩnh (nay là khu vực đền Hùng) nhìn ra xa xuôi về phía nam thấy một vùng bãi bồi rộng lớn màu mỡ.

Ở đó cây cối tốt tươi, dưới sông cá tôm quần tụ, nhân dân trong vùng hiền hòa chất phác, đời sống ấm no bởi phù sa bồi lắng. Đất lành chim đậu, vùng này là nơi những đàn chim hạc trắng tìm về kiếm ăn, rất đông, tạo nên một quang cảnh hết sức sinh động, tươi đẹp. 

Trong một lần Lạc Long Quân đến thị sát vùng hợp lưu của 3 con sông, nhìn thấy cảnh trời nước linh thiêng như ngưng tụ nơi này, thỉnh thoảng lại có những đàn chim trắng lớn bay lên, vô cùng thanh bình yên ấm. Người đã gọi vùng này là Bạch Hạc, và cái tên cổ xưa đó được lưu truyền cho tận tới ngày nay, vẫn là nơi 3 con sông giao với nhau, cũng là nơi ngưng tụ khí thiêng của trời đất...

Ông Hùng cũng cho biết thêm, xưa kia theo tục lệ, dân làng ở vùng Bạch Hạ chỉ lấy nước ở ngã ba sông 1 năm 2 lần vào ngày 25.9 (là ngày hội của đền Tam Giang, ngôi đền được dân làng Bạch Hạc lập bên bờ sông Lô ở gần giữa làng), và mùng 10/3 âm lịch vào dịp Giỗ Tổ.

Tục lấy nước theo nghi lễ truyền thống thì người dân sẽ tổ chức bơi chải ra đó, đội lấy nước phải có đồng nam, đồng nữ và làm lễ tế Thổ công, Hà Bá, xin phép được xin nước về dùng vào việc lớn của làng.

Bây giờ tiếng lành về nước thiêng vang xa, và suy nghĩ của đồng bào ta đã hiện đại nhưng vẫn rất coi trọng đời sống tâm linh, nên nhiều gia đình có việc lớn, như dựng nhà, xây mồ mả hay cúng lễ... vẫn tìm tới ngã ba sông xin nước thiêng về làm lễ, mong được phù hộ độ trì.

Hành trình lấy nước

Rành rọt về huyền tích ngã ba sông, nhưng ông Hùng cũng chỉ là một người múc nước thiêng. Còn muốn đi lấy đúng dòng nước hợp giao nơi ngã ba sông thì phải cậy nhờ những ngư phủ thứ thiệt của làng Bạch Hạc, vì họ phải làm việc này thực tâm, bởi cả đời họ sống nhờ dòng sông, nên không bao giờ họ làm điều gì sai với tâm mình.

Chúng tôi men xuôi theo sông Lô đi sâu vào trong làng Bạch Hạc, tìm tới nhà ông Phan Tiếp Lập, 59 tuổi, một ngư phủ có tiếng là sát cá ở vùng ngã ba sông này. 

Đã quá quen với việc chở đò đưa khách qua sông lấy nước, ông Lập bảo tôi: “Chú đứng đợi ngoài bến, tôi vào nhà sửa soạn lễ, mang theo để ra xin phép các ngài Thổ công, Hà Bá. Người sống dưới sông như chúng tôi cũng phải làm theo cái tâm và cái luật riêng của mình”.

Chỉ ít phút sau, ông Lập tay cầm xấp lễ tiền vàng, và một can dầu dự phòng dẫn tôi xuống thuyền. Chiếc thuyền  gắn máy của ông đưa tôi lướt êm trên sông Lô. Một tay lái thuyền, mắt hướng về vùng ngã ba sông, ông Lập kể: “Tôi đã có 46 năm làm nghề chài lưới ở sông này rồi.

Tôi thuộc từng ngóc ngách của dòng sông. Nghề chính của tôi là làm cá, đã nhiều lần được lộc trời cá Anh vũ cỡ lớn, cá lăng cả chục kg rồi, xây nhà nuôi 4 đứa con cũng từ lộc dưới sông. Hơn chục năm nay tôi có thêm nghề đưa đò lấy nước thiêng, cũng nhờ đó đời sống người làm nghề sông nước chúng tôi cũng có đôi phần dễ chịu”...

Câu chuyện của chúng tôi đang miên man theo những con sóng, thuyền chạy được khoảng 4km thì ông Lập dừng lại, tắt máy. “Đúng nơi này 3 con sông gặp nhau, dù dòng chảy có thay đổi thế nào thì tôi cũng tìm được đúng tâm của điểm hợp giao ba trong một”.

Nói rồi ông Lập chỉ tay xuống dòng nước đang lững lờ vờn vào nhau. Ông Lập bảo, nước sông Lô thì xanh, sờ tay xuống thấy mát mát. Nước sông Hồng thì đỏ, sờ tay xuống thấy ấm. Còn nước sông Đà thì đen vì chảy qua nhiều núi đá, chạm tay vào thì lạnh...

Sửa lại quần áo, ông Lập chắp tay với bó lễ tiền vàng và bắt đầu khấn Thổ công, Hà Bá, xin phép được lấy nước đem về làm việc nhà cho khách... Sau phần lễ, ông thả tiền vàng xuống sông, rồi lấy 2 chiếc can mang theo ấn xuống để lấy nướca. Tôi thắc mắc “sao bác đi lấy nước không mang theo nhiều can mà lấy một thể?”.

Ông Lập trang nghiêm: “Nước xin của các ngài, sức mình tới đâu thì xin tới đó, không tham để làm gì. Có khách mua thì mình mới lấy, cũng chỉ kiếm đôi chút tiền công tiền dầu thôi. Chứ làm nghề này có duyên, các ngài thương thì có khi một ngày chạy chục chuyến đưa khách, còn không có lộc thì chẳng ai thèm gọi đến mình, nên lấy nhiều cũng không được”.

Trên đường trở về bến, ông Lập cứ điều khiển thuyền lúc thì chạy ra giữa dòng, lúc lại tạt vào giáp bãi sông. Thấy tôi tò mò, ông giải thích, đi trên sông phải lựa luồng lạch. Đây là đi lấy nước ban ngày còn dễ, chứ nhiều khách cầu kỳ chọn đúng nửa đêm lúc 12 giờ mới ra sông lấy nước, nếu mà không đi đúng luồng thì đắm thuyền như chơi.

Mà không biết chọn đúng chỗ nước tụ vào nhau cho khách lấy, thì coi như hỏng việc của người ta. “Phải có tâm và có trí nhớ tốt mới lấy được nước thiêng đúng ý cậu ạ” - ông Lập nói.

Về đến bến, tôi gặp anh Hoàng Trọng Viết (46 tuổi, quê Hải Phòng) là Việt kiều ở Đức về thăm quê lên chơi vùng đất tổ. Anh Viết cho biết sẽ lấy nước thiêng ở khu vực ngã ba sông này, và lấy một nắm đất trên núi Nghĩa Lĩnh và mang sang nước Đức, để dù có đi xa thì lúc nào cũng có đất nước, nguồn cội  bên mình.

Xưa kia theo tục lệ, dân làng ở vùng Bạch Hạc chỉ lấy nước ở ngã ba sông 1 năm 2 lần vào ngày 25 tháng 9 (là ngày hội của đền Tam Giang, ngôi đền được dân làng Bạch Hạc lập bên bờ sông Lô ở gần giữa làng), và mùng 10/3 âm lịch vào dịp Giỗ Tổ. Tục lấy nước theo nghi lễ truyền thống thì người dân sẽ tổ chức bơi chải ra đó, đội lấy nước phải có đồng nam, đồng nữ và làm lễ tế Thổ công, Hà Bá, xin phép được xin nước về dùng vào việc lớn của làng.

Gói bánh chưng khổng lồ 2,5 tấn cho ngày Giỗ tổ Hùng Vương

Nguồn: Dân Việt
Bình luận
vtcnews.vn