Huyền thoại võ sư Việt ở Liên Xô: Suýt bỏ mạng lần hai

Thể thaoThứ Năm, 16/05/2013 07:00:00 +07:00

(VTC News) – Tôi mang môn đấu kiếm về Việt Nam và cũng suýt mất mạng bởi nhát kiếm của cháu ruột diễn viên NSND Trà Giang.

(VTC News) – Tôi mang môn đấu kiếm về Việt Nam và cũng suýt mất mạng bởi nhát kiếm của cháu ruột diễn viên NSND Trà Giang.

Nhưng đó là chuyện sau này khi về nước. Còn lúc ở Liên Xô, sau 3 năm dạy Vịnh Xuân quyền, nếu quy ra tiền, ông Hoàng Vĩnh Giang đã hiến tặng cho sở TDTT khoảng 15 cây vàng, người ta "đếm cua trong lỗ" bão rằng đủ mua được 5 căn nhà ở Hà Nội những năm 1980.

Rất may, đấy chỉ là kiểu quy ra bàn là, may so, xoong, nồi, chậu, chảo giấy ảnh mang về nước bán, rồi quy ra tiền thì được chừng cỡ ấy. Và nếu làm thế thì có lẽ chỉ được một ông Hoàng Vĩnh Giang hạng lái buôn hoặc là giàu có, hoặc không khéo bị tóm với tội danh buôn lậu cũng nên, chứ làm sao có được ông Hoàng Vĩnh Giang tài ba của làng thể thao nước nhà như hiện tại?

Dạy học không phải vì tiền

“Ban đầu tôi mở lớp dậy võ không phải để kiếm tiền, mà chỉ là đam mê và muốn vừa tìm nguời cùng tập để tự nâng cao linh giác sự biến hóa về đòn thế  vừa có thể truyền lại cho mọi người ở bên đó Vịnh Xuân quyền Việt Nam”. – Ông Giang khẳng định.

Hoàng Vĩnh Giang huyền thoại võ thuật
Ông Hoàng Vĩnh Giang trao đổi cùng phóng viên VTC News (Ảnh: Quang Minh)

“Nếu mình giỏi giang thực sự kiếm tiền là một nhẽ, đằng này ba láp cả. Nên chỉ biết có gì dậy nấy chứ đâu phải chuyện lấy tiền thiên hạ” – Ông Giang bổ sung.

Sau này thì mục đích kiếm tiền có nảy sinh nhưng không phải kiếm tiền để bỏ túi. Toàn bộ số tiền thu được đều được ông Giang lưu lại trước khi tốt nghiệp nghiên cứu sinh. Ngày về nước, để thực hiện ý định tốt đẹp của mình, ông có nhờ cậy nhiều người trong đó có một nhà khoa học nổi tiếng thế giới về lý luận "giáo dục thể chất chuyên sâu về bơi lội" - hiệu trưởng trường đại học TDTT Kiev, Volađimia Nhikolaievich Platonnov.

“Quả thật, tôi rất lấy làm cảm ơn ông Hiệu trưởng trường ĐH TDTT Kiev. Chuyện nghe có vẻ buồn cười nhưng rất thực tế. Ngày ấy tôi sang Liên Xô để làm nghiên cứu sinh về điền kinh, ông thầy dậy tôi là trưởng khoa điền kinh và trên nữa chính là ông hiệu trưởng họ là Platonnov. Ông Platonnov là người viết sách toàn thế giới về lý luận TDTT, thế nhưng lại là học trò của tôi về Vịnh Xuân.

Chính ông ấy là người chủ công, chủ lực nói với các ban, các khoa trong trường dồn các trang thiết bị dụng cụ dạy, tập luyện thể thao cho tôi mang về Việt Nam”.

Hoàng Vĩnh Giang huyền thoại võ thuật
Ông Hoàng Vĩnh Giang trong đội tuyển bóng đá du học sinh quốc tế tại Liên Xô

Vị hiệu trưởng đáng kính ấy đã rất nhiệt tình tập hợp hết số tài vật tích lũy đươc trước đó đồng thời chỉ đạo xuất kho cho “cậu học trò nghiên cứu sinh” rất nhiều trang thiết bị cần thiết tạo đà cho sự phát triển của nền TDTT Việt Nam hồi ấy còn quá non trẻ.

Tất cả tinh thần "quốc tế vô sản" cùng tình cảm thầy trò hai chiều đã được gửi gắm vào 2 container trang thiết bị thể thao của các môn kiếm, boxing, vật, judo, karate….

Suýt mất mạng vì cháu Trà Giang

Năm 1981 ông Hoàng Vĩnh Giang tốt nghiệp nghiên cứu sinh tại ĐH TDTT Kiev với tấm bằng đỏ. Về nước, ông mang theo môn đấu kiếm về truyền dậy - môn đấu mà sau này ông nói, các môn võ của thể thao Việt Nam phải mang ơn!

 

Tôi bị phần lõm của mặt nạ gây thủng mao mạch khiến máu chảy ra không cầm được. Tôi hoàn toàn bất tỉnh sau khi mất máu quá nhiều.

Hoàng Vĩnh Giang
 
“Không rõ lúc bấy giờ, ai đề ra cái chủ trương cho rằng tập võ là phản động, là đánh nhau, là tư cách đạo đức kém. Đó là quan niệm cực kỳ sai lầm và dẫn đến hàng loạt các môn võ của Việt Nam thời kỳ trước 1980 bị cấm hoặc hạn chế. Tôi về nước và quyết phục hưng tất cả từ môn đấu kiếm.

Năm 1982-1983, tôi vận động tổ chức đi vào miền Nam, đặc biệt là Sài Gòn, một trong những nơi có phong trào đấu kiếm phát triển từ thời Pháp để khơi dậy lại phong trào.

Sài Gòn lúc đó vẫn còn những ông trọng tài đấu kiếm quốc tế. Tiếc rằng, lãnh đạo thể thao thành phố không thích võ. Cuộc khơi dậy ở miền Nam bất thành.


Trở ra ngoài Bắc, tôi quyết định mở một lớp hoàn toàn bằng những trang thiết bị, dụng cụ tôi mang về từ Liên Xô và có khoảng 200 học sinh theo học. Đích thân tôi đứng lớp chỉ dậy và suýt bị mất mạng bởi một cậu học trò.

Hoàng Vĩnh Giang luyện võ
Huyền thoại Vịnh Xuân quyền trên đất Liên Xô

Cậu này có tên là Quang Anh, cháu ruột của diễn viên Trà Giang. Khi tập, do sử dụng kiếm sai kỹ thuật, thay vì phải vẩy kiếm để kiếm đập vào người rồi cong lại thì Quang Anh lại đâm thẳng. Kết quả kiếm làm lõm mặt nạ bảo vệ ở vùng gần mí mắt.

Tôi bị phần lõm của mặt nạ gây thủng mao mạch khiến máu chảy ra không cầm được. Sau đó tôi được chính võ sư Xuân Thi (HLV kiếm đầu tiên tại Hà nội) cõng đi cấp cứu ở bệnh viện 354 ngay sau phòng tập, tôi hoàn toàn bất tỉnh sau khi mất máu quá nhiều...


Thế đấy, người mang kiếm về Việt Nam để dậy cũng là người tí nữa mất mạng vì kiếm. Nhưng đó chỉ là một kỷ niệm đáng nhớ của tôi. Sau lần thứ 2 suýt chết, tôi đã khơi dậy được phong trào võ thuật. Judo, vật, quyền anh được khôi phục. Riêng quyền anh tôi vừa là thầy vừa dẫn quân xuống Hải Phòng để khuấy động phong trào ở đất cảng".


Tiếp đến là TP.HCM, Bình Định… hay những năm tiếp theo, hầu như 3 đến 4 cái Tết, năm nào ông Giang cũng cùng đồng nghiệp ở các môn võ kéo quân lên Sơn Tây biểu diễn võ cho đồng bào xem. Tất nhiên khi biểu diễn có cả Vịnh Xuân quyền và có cả những cuộc thách đấu thực sự nữa.

Mộc nhân trong nhà Hoàng Vĩnh Giang (Ảnh: Quang Minh)

Vĩ thanh

Trong Vịnh Xuân quyền có tính chất "đại đồng tiểu dị" với những điểm giống nhau là căn bản. 3 nguyên lý xuyên suốt khi luyện tập các bài quyền là khái niệm "xả kỷ tòng nhân" (quên mình theo người), "thính kình" (nghe lực), "tâm ứng thủ” (khi đầu óc nghĩ đến một đòn đánh là chân tay thực hiện thành công) và cả 3 nguyên lý này luôn hội tụ trong con người ông Hoàng Vĩnh Giang. Nó không chỉ là nguyên lý võ học mà còn là nguyên lý làm việc và lẽ sống của ông ở đời.

Xin được trích lại những dòng của nhà báo kỳ cựu Nguyễn Lưu từng viết về ông để thay cho lời kết của loạt bài:

“Ở khía cạnh vi mô, mặc dù biết nhiều là thế, ông không dạy thật cụ thể cho một trò nào mà như nhà giáo dục học Xô viết Kharmalov đã từng nói: "Một người thày tồi chỉ biết dạy chân lý cho trò, còn ông thày giỏi sẽ biết dạy trò cách tìm ra chân lý", tôi cho rằng về điều này ông còn làm được cả với những ông thày của Thể thao Việt Nam.

Ở tầng vĩ mô, đó mới là sở trường của Hoàng Vĩnh Giang, ông đã để lại những dấu ấn không thể nào quên của Thể thao Việt Nam và điều này sẽ khiến ông đi vào lịch sử".

Hà Thành - Nhạc Dương

Bình luận
vtcnews.vn