Huyền thoại về loài cá đeo khuyên tai vàng

Phóng sự - Khám pháThứ Sáu, 28/03/2014 04:14:00 +07:00

Cá thần ở xã Văn Nho có con nặng đến hàng chục kg, trong đó người dân còn nhìn thấy cá chúa đeo khuyên tai vàng và chỉ xuất hiện vào những dịp lễ.


Đặc biệt cá thần ở xã Văn Nho có con nặng đến hàng chục kilôgam, trong đó người dân còn nhìn thấy cá chúa đeo khuyên tai vàng và chỉ xuất hiện vào những dịp lễ hội.


Về miền Tây xứ Thanh không chỉ có suối cá thần ở xã Cẩm Lương, huyện Cẩm Thủy, mà còn có một hang cá nữa ở xã Văn Nho, huyện Bá Thước. Đặc biệt cá thần ở xã Văn Nho có con nặng đến hàng chục kilôgam, trong đó người dân còn nhìn thấy cá chúa đeo khuyên tai vàng và chỉ xuất hiện vào những dịp lễ hội. Lý giải những bí ẩn này, chúng tôi đã đến bản Chiềng Ban, nơi có hang cá huyền bí để tìm hiểu thực hư.

Truyền thuyết về loài cá đeo khuyên tai vàng


Vượt gần 200km từ Hà Nội về miền Tây xứ Thanh, cuối cùng chúng tôi cũng tìm đến bản Chiềng Ban, nơi có hang cá thần huyền bí của xã Văn Nho. Nhìn qua, hang cá tựa như một dòng suối nhỏ chảy ra từ khe núi, tuy nhiên nấp dưới vỏ bọc ấy lại là nơi trú ngụ của bầy cá đeo khuyên tai vàng. Khi chúng tôi đưa thức ăn xuống, đột nhiên đàn cá từ từ bơi ra vây kín cả mặt hang. Quan sát kỹ, chúng có sắc màu rất kỳ lạ như: vây đỏ, mồm đỏ, đặc biệt là hai bên mang phủ một lớp ánh kim lóng lánh.

Ông Hà Văn Bớ kể chuyện về loài cá đeo khuyên tai. 
Để tìm hiểu về nguồn gốc cũng như những đặc điểm kỳ lạ này, chúng tôi đã tìm đến gia đình ông Hà Văn Bớ (70 tuổi), từ nhỏ ông đã từng chứng kiến nhiều chuyện huyền bí xung quanh hang cá thần. Khi tỏ ý thắc mắc về tên gọi (cá đeo khuyên tai vàng) của người dân nơi đây, ông Bớ cao giọng nói: "Cá này linh thiêng lắm chú à, bao đời nay dân bản không ai dám ăn. Cá thần ở Chiềng Ban so với cá ở Cẩm Lương thì nó to và nặng hơn gấp nhiều lần. Điều kỳ lạ là cá chúa còn đeo khuyên tai vàng và nó chỉ xuất hiện vào những dịp lễ hội.


Ông Bớ kể lại: Theo các cụ, nguồn gốc của loài cá này còn gắn liền về một truyền tích huyền thoại từ nghìn năm nay. Xưa kia ở trong bản có một thiếu nữ tên là Sương Tuyết, thuộc dòng dõi con nhà Quan lang. Cô có nhan sắc, vì vậy đã khiến cho nhiều chàng trai trong bản thầm yêu trộm nhớ và muốn cưới cô làm vợ. Một hôm cô gái vào suối tắm, bỗng có một con cá bơi quanh cô gái không muốn rời. Sau mỗi lần ra suối đi tắm về lại xuất hiện một chàng trai tuấn tú ngồi trên mỏm đá trước cửa hang chờ đợi, thế rồi cô gái phải lòng chàng trai ấy lúc nào không ai hay biết?

Vào một đêm mùa thu tháng tám khi ánh trăng đang còn lấp ló trên đỉnh đồi, chàng trai hẹn cô gái ra mỏm đá kế bên suối cầu hôn. Vật đính ước mà chàng tặng cho nàng chính là đôi khuyên tai bằng vàng. Lúc về nhà, người mẹ phát hiện con gái đeo khuyên tai vàng mới gắng hỏi chuyện, nhưng cô gái không trả lời. Sau hôm ấy cô gái bỏ bản đi biền biệt không ai biết tung tích. Dân bản hoài nghi cho rằng, cô ra hang cá tắm nên bị diêm Vương bắt mất. Nghe dân làng đồn thổi, hằng ngày bà mẹ ra suối cá khóc lóc gọi con về nhưng vẫn "biệt vô âm tín". Thương con, về sau người mẹ lâm bệnh ốm nặng rồi qua đời.

Và rồi đúng cái hôm mẹ cô gái mất, đột nhiên sấm sét, mây đen bay về vây kín bản. Từ trong hang cá bỗng nhiên dòng nước phóng ra bắn lên bầu trời tạo thành một cơn cuồng phong khiến cho nước ngập lênh láng hết cả cánh đồng. Đến tối hôm ấy, bất ngờ cô Sương Tuyết cùng một chàng trai tuấn tú quay về chịu tang mẹ. Chàng trai vừa bước chân lên nhà sàn thì lập tức biến thành một con rồng bò đến quan tài mẹ, nước mắt rồng cứ thế chảy ra. Đến sáng hôm sau thì con rồng kia biến mất và dòng nước cũng lắng hẳn.

Vào những ngày nắng, cá thần xuất hiện rất ít trước miệng hang. 

Gia đình thấy con trở về nên cả bản ai cũng mừng, lúc này cô mới kể lại đầu đuôi câu chuyện từ khi bị công tử Long Vương bắt xuống thủy cung làm vợ cho mọi người nghe. Vì muốn con ở lại trần gian nên người cha mới dò hỏi: ở dưới thủy cung người ta kiêng cái gì? Cô con gái liền bảo: Người ta kiêng nhất là hành tỏi. Gia đình nghe nói vậy nên đã giã hành tỏi bôi lên quần áo rồi nhốt con vào buồng kín khóa lại. Được đúng một tuần từ khi con gái quay về chịu tang mẹ, bỗng nhiên sóng gió bão bùng ở đâu lại ập tới lần nữa và cuốn mất cô gái đi từ đấy đến giờ.

Năm 2010, xã Văn Nho nâng cấp suối cá thành một cái đập tràn để phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng. 

Biết được sự linh thiêng của hang cá, về sau dân làng dựng một ngôi miếu án ngữ trong hang. Hằng năm cứ vào dịp lễ Tết, mùng một, ngày rằm, cả bản lại ra miếu thắp nhang cúng bái. Trong những ngày đó có người may mắn còn bắt gặp cá chúa ông và cá chúa bà bơi lội cùng nhau. Cá bà bên hai mang còn đeo khuyên tai vàng, dân làng cho rằng chính con cá đó là do cô Sương Tuyết hóa thành.

Theo ông Bớ, vào những đêm tối trăng, người dân đi soi ếch còn thấy một vầng hào quang chói lóa tỏa ra từ trong khe nước, hễ vầng sáng đó xuất hiện thì sáng hôm sau sẽ có cá chúa bơi ra dạo chơi quanh suối. Khi thấy cá chúa hiển linh, dân bản phải lập tức làm cỗ cúng tế, nếu không thì năm đó cả làng sẽ bị mất mùa hoặc không có nước để tưới cho đồng ruộng.

Những câu chuyện huyền bí xung quanh hang cá thần

Trước Cách mạng tháng Tám năm 1945, người dân bản Chiềng Ban phải oằn lưng lên non đào khoai, tìm sắn ăn để chống đói mặc dù trong hang có nguồn cá dồi dào. Bấy giờ có ông cố Thường, người ở xã Thiên Phủ (Quan Hóa), do đói quá nên ông đã đem chài đến bắt cá ở hang. Ông quăng chài được 3 con, một con ông giết thịt ăn, còn lại hai do cá quá to nên ông lại thả xuống ao nhà.

Tối hôm đó vợ đi vắng, mình ông ở nhà làm thịt cá ăn. Nhưng khi nấu chính, thịt cá có màu đen sẫm, mùi thơm ngào ngạt bay đi khắp bản. Cơn đói lả khiến ông quên hết ý nghĩ tâm linh và đã ăn hết con cá. Sau bữa ăn ngon miệng đó thì ông bị sốt cao, nói mê bằng tiếng Thái rằng: "xàm tồ xiếu mốt tồ" (nghĩa là ba con thiếu một con)... Biết ông nhà vẫn còn giấu hai con cá nữa dưới ao, bà vợ vội bắt lên rồi mang trả về hang, đồng thời cúng bái thần cá xin tha chết cho chồng. Tuy nhiên, bệnh tình ông Thường không hề thuyên giảm, được ít lâu sau thì ông qua đời. Từ đó đến nay, người dân Chiềng Ban không ai có ý định bắt cá thần ở suối về làm thịt nữa.

Hằng năm vào ngày lễ, dân trong bản lại ra miếu thờ thần cá thắp nhang cầu khấn.  

Xưa kia người dân bản Chiềng Ban hầu như không ai dám đặt chân lên khu vực gần cửa hang. Những đêm tối trăng, người dân đi ngang qua con đường vắng này còn nghe tiếng cười khúc khích và tiếng dội nước tắm ở trong hang, nhưng khi hỏi vọng vào thì không thấy ai trả lời. Người ta cho rằng, những tiếng động đó là linh hôn cô Sương Tuyết hiện lên dạo chơi quanh miếu cạnh cửa hang. Vì vậy, hang cá thần ở xã Văn Nho càng trở nên huyền bí.

Lý giải về bí ẩn này, ông Hà Văn Thoại, Phó Chủ tịch xã Văn Nho cho biết: "Truyền thuyết về cô Sương Tuyết bị công tử Long vương bắt xuống thủy cung làm vợ tôi cũng có nghe qua, nhiều câu chuyện lắm! Chuyện ông cố Thường ăn cá bị chết, tôi cho rằng đó chỉ là sự trùng hợp ngẫu nhiên vì chưa có ai tìm hiểu, nghiên cứu. Suối cá thần ở Chiềng Ban đã có từ lâu, trong hang có nhiều con cá to, chúng phủ một lớp ánh kim lóng lánh bên hai mang cá nên người dân gọi đó là loài cá đeo khuyên tai vàng".

Hằng năm cứ đến ngày 20 tháng 8, xã lại kết hợp với bản tổ chức lễ hội ở hang cá thần. Vì là biểu tượng tâm linh nên hang cá và miếu thờ luôn được người dân kính trọng, coi đó như là một vật báu của bản. Năm 2010, xã Văn Nho đã nâng cấp suối cá lên thành đập để phục vụ tưới tiêu cho đồng ruộng, tuy nhiên quá trình nâng cấp không hề ảnh hưởng đến môi trường sinh thái của đàn cá. Năm 2013, suối cá Chiềng Ban vinh dự được công nhận là di tích văn hóa cấp tỉnh. Theo ông Thoại, trong thời gian tới, xã sẽ có kế hoạch trình lên các cấp để xin nguồn vốn đầu tư xây dựng thành khu du lịch.

Anh Hà Văn Tuân, cán bộ văn hóa xã cho hay: "Cuối thế kỷ XIX, giặc Pháp tràn vào bản làng đô hộ, chúng muốn phá hoại hang cá thần. Tuy nhiên, hai già làng trong bản là ông Hà Công Bộ và Hà Văn Nho đã kịch liệt phản đối. Chúng bắt được hai ông này rồi đem ra cây đa cạnh hang cá treo cổ chết ở đó, chính vì thế suối cá thần có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống tinh thần của người dân bản địa".

Cụ Hà Thị Lý (67 tuổi), người ở bản góp chuyện: Cách đây vài năm, trên cây đa cổ thụ đó có rất nhiều tổ chim, lại tỏa bóng mát xuống suối nhưng do thời gian nên cây đã bị gió bão xô đổ. Vào giữa buổi trưa, đứa con thứ hai nhà ông Sự trèo lên cây bắt tổ chim chào mào, vừa mới bám vào cành thứ ba thì bị trượt chân ngã. Người cha nghe tin chạy ra thì thấy đứa con đã bị gãy cả hai chân. Sau hôm ấy, ông Sự phải làm lễ ra miếu thờ tạ lỗi với thần cá, cũng may là các thần không phạt nặng.


TheoMinh Phượng - CAND

Bình luận
vtcnews.vn