Huyền thoại Thể Công: Vượt xa Huỳnh Đức, Công Vinh

Thể thaoThứ Ba, 15/01/2013 07:21:00 +07:00

(VTC News) - "Tôi là fans ruột của tượng đài Thể Công, đến mức đặt tên 3 người con trai của mình là tên các danh thủ của CLB Thể Công"

(VTC News) - "Tôi là fans ruột của tượng đài Thể Công, đến mức đặt tên 3 người con trai của mình là tên các danh thủ của CLB Thể Công" - Nhà báo Nguyễn Lưu giải thích về biệt danh Lưu "Thể Công" của mình.


Hôm qua, chúng tôi đã khởi đăng bài viết đầu tiên của Nhà báo Nguyễn Lưu về đội bóng huyền thoại Thể Công mà ông yêu mến. Trong bài viết tiếp theo, ông sẽ nói về những "quái kiệt" ở hàng tiền vệ và tiền đạo của đội bóng quân đội.

Tiền vệ: Người ta thường khen cặp Phan Văn Mỵ-Vũ Mạnh Hải, 2 anh này chơi ở Thể Công từ 1966 (mới vào) và đá rất hay. 

Tuy nhiên cặp đó không so nổi cặp Lê Thế Thọ-Trần Duy Long từ 1960 ở đội Trường Huấn luyện, tỷ lệ hơn kém là 45-55. Gần đây, Tài Em-Minh Phương khá tốt song cũng chỉ đến thế, chưa sánh được so với cha chú tiền nhiệm. 

Riêng tôi chọn thêm Cầu "điên" ở tuyến giữa, anh chơi dẻo, quái và là nhà phân phối kỳ tài, chính Cầu đã mớm nhiều quả ngon ăn cho Ba "đẻn" nên khi có Cầu, tuyến tiền vệ của Thể Công yên tâm lắm. Bên cạnh Cầu “điên” có thể là Điệp “lùn” của Công An Hà Nội và tất nhiên nếu đá 4-4-2 thì tôi xin bổ sung Hồng Sơn vào cho đủ bộ 2 Thể Công và 2 Trường Huấn luyện. 

Cần nói thêm ít điều về tuyến tiền vệ, đó là cú sút. Có cảm tưởng những tiền vệ khi xưa giỏi ghi bàn hơn lớp trẻ hiện nay. Trước đây có Lê Thế Thọ ghi bàn duy nhất vào lưới Olympic Nga trên sân Moscow.

Danh thủ Lê Thế Th

Tiền đạo: Tôi nghĩ đi nghĩ lại, gọi là quái kiệt chỉ có 3 người, đó là Trương Tấn Nghĩa - con trai ông Bửu và Thế Anh - Cao Cường, con trai bác Thìn A đá Hoàng Diệu khi xưa. Anh em nhà Đẻn đã được báo chí nhắc đến nhiều, tôi xin cung cấp vài dòng về tiền đạo Nghĩa "nhọt" để bà con tham khảo. 

Trên sân Bắc Kinh năm 1956, tuyển Việt Nam thua tuyển Trung Quốc rất mạnh với những cái tên lừng danh như thủ môn Trương Tuấn Tú, trung phong Trương Hồng Căn, cặp tiền vệ Phương Nhuận Thu, Niên Duy Tứ... và bàn thắng rút ngắn tỷ số 1-2 là cú sút từ 40m của anh vào lưới thủ môn họ Trương.  

Ngày hôm sau, tờ Trung Hoa thể dục báo đã có bài phân tích trận đấu, trong đó tác giả họ Nghê chỉ khen 3 người họ Trương mà thôi. Đó là Trương Hồng Căn, Trương Tuấn Tú và Trương Tấn Nghĩa của Việt Nam. 

Sau này ở Trường Huấn luyện, khi thi kỹ thuật tâng bóng tại chỗ, Trương Tấn Nghĩa là vô địch không đối thủ. Khi Trường Huấn luyện giải tán, lần lượt các anh Trương Tấn Nghĩa và Tô Đình Phàn đã làm HLV của Xi măng Hải Phòng, nơi có chân sút Hùng “xồm”.

Chính cặp Hùng “xồm” – Hiển “cooc” đã trở nên một liên minh khủng khiếp, nếu có thể nói như thế và cụ Huy Khôi, tức trọng tài Khôi “kinh công” huyền thoại phải tấm tắc cho rằng cặp này “nhất Việt Nam”. 

Đến lượt mình, tôi mơ sự liên kết tay tư với sự góp mặt của Trương Tấn Nghĩa (phải), Thế Anh (trái) và cặp Hùng “xồm”, Hiển “cooc” ở giữa, sẽ thật tuyệt vời và thật khó có hàng thủ nào chịu nổi sức công phá của bộ tứ siêu đẳng này.

Đội hình Thể Công những năm 1980. Đây được coi là thế hệ vàng của bóng đá Quân đội.

"Dị nhân" Ba Đẻn

Yêu mến Thể Công, xin được nói thêm về Ba Đẻn. Anh chơi bóng độc đáo, chân vòng kiềng, tuy chạy không nhanh lắm song rất khó kèm, khó đánh nếu đối phương có ác ý, vì anh này tránh đòn nhanh như sóc. Cú sút xa của Đẻn kém, đánh đầu cũng bình thường nhưng mọi lối dứt điểm đều hiểm hóc. Tuy nhiên, đặc điểm hơn người và không ai có là việc Ba Đẻn và bóng luôn dính vào nhau chứ không như các tiền đạo bây giờ hay để bóng xa người khi đột phá, vừa dễ mất bóng lại dễ ăn đòn. 
Chưa hết, đang chạy, bỗng Đẻn dừng một cái im phắc cả người lẫn bóng, ai xem lần đầu thấy kinh ngạc lắm và theo tôi thì đó là cái phẩm chất thượng thặng của anh chàng tiền đạo độc đáo này.

Danh thủ Thế Anh - tức Ba Đẻn

Tuy thế, theo tôi Đẻn hơn hẳn Sỹ Hùng và Huỳnh Đức, tuy về chi tiết lại có cái kém hơn. Kém Đức về cú đánh đầu, kém Hùng ở cách chạy lòn phía sau lấy bóng dứt điểm. Láu cá thì vô địch. Thậm chí có lần Thể Công - Công An Hà Nội kịch chiến trên sân Hàng Đẫy, thủ môn Công An Hà Nội bắt bóng xong thì Ba Đẻn chạy vụt ngang qua và thò tay khều bóng rơi xuống đất, toan cướp bóng để ghi bàn, vậy mà tiếc thay trọng tài hôm ấy là cụ Huy Khôi, thế là Khôi "kinh kông" trợn mắt chạy đến rút thẻ vàng, Ba Đẻn chịu cứng! 
Ba Đẻn nhỏ con ở Thể Công và đội tuyển, song đè người chiếm không gian lại lợi hại vô cùng, điều này tạo ra khác biệt về đẳng cấp với lớp trẻ hiện nay, như kiểu Công Vinh, Việt Thắng, Thanh Bình... kém về chạy chỗ và toàn ăn sẵn.
Tài năng hiếm Hùng "xồm"
Yêu mến Thể Công nhưng không thể không liên hệ với Hùng “xồm” khi nhắc đến các tiền đạo. Thời bây giờ, tài năng hiếm thấy như Văn Quyến có “tuyển tập” bàn thắng như đá vào lưới Hàn Quốc (sân Muscat), Yokohama (Hàng Đẫy), Thái Lan, Malaysia (Mỹ Đình) thì có lẽ khi xưa chỉ có Hùng “xồm” là oách nhất vì đá cả 5 bàn trong trận ĐT Việt Nam thắng Công nhân Thượng Hải (sân Trung Quốc), Cuba, Sachio (Hà Nội) và Bát Nhất (Hải Phòng).

Tuy nhiên trong cuốn biên niên bóng đá Việt Nam, vượt lên tất cả là những trang sử vàng mang "made-in" Thể Công, từ thày đến trò.

Những ông thày xuất sắc

CĐại tá Ngô Xuân Quýnh, người để lại dấu ấn rất lớn trong lịch sđội bóng Thể Công
Xét tổng thể, các ông thày của Thể Công cũng thật xuất sắc trong bình diện chung. Theo tôi ngoài cụ Bửu đã kể trên cùng, về HLV có 3 nhân vật tiêu biểu nhất. Đầu tiên là Mười Tiền, tức Nguyễn Văn Tiền - thày của những người thày. Thứ hai là Ngô Xuân Quýnh – một chính ủy đúng nghĩa tích cực nhất của bóng đá và cũng là từ điển bóng đá. 
Ông Quýnh để lại nhiều thứ, trong đó độc đáo nhất là “Hịch bóng đá”, khiến 11 cầu thủ Thể Công nhảy dựng lên vì danh dự vì màu cờ sắc áo để rồi vào sân giành chiến thắng. 
Thứ ba là Nguyễn Văn Vinh, ông Vinh “Tàu” đã để dấu ấn sâu đậm nhất cho thế hệ vàng Thể Công, từ anh em Ba Đẻn trở đi và đến nay ông vẫn minh mẫn khi bàn về bóng đá. Một cặp HLV sẽ rất ưng ý và có duyên nếu trao “kiếm ấn”, đó là Vương Tiến Dũng và Nguyễn Văn Phú, tức Phú “Mèo”. 
Bạn nào đó đã viết: Một lần Thể Công - mãi mãi Thể Công. Tôi cũng là fans ruột của tượng đài này, đến mức đặt tên 3 cháu trai là tên các danh thủ của CLB Thể Công mà tôi yêu, lần lượt là Lâm-Tuấn-Quang. Lâm là Tiến Lâm (18), Tuấn là Đinh Tuấn (7) và Quang là Trần Anh Quang (6). Vâng, đời là thế và bóng đá là như thế.


Nguyễn Lưu
Bình luận
vtcnews.vn