Huyền thoại thành cổ qua ảnh của dũng sĩ Lê Bá Dương

Thời sựThứ Sáu, 27/07/2012 04:45:00 +07:00

VTC News trân trọng đăng tải bài viết của một "dũng sĩ diệt cơ giới", "dũng sĩ diệt máy bay"...với ký ức hào hùng về chiến tranh trên mảnh đất Quảng Trị.

VTC News trân trọng gửi tới độc giả bài viết của một "dũng sĩ diệt cơ giới", "dũng sĩ diệt máy bay"... với ký ức hào hùng về chiến tranh trên mảnh đất Quảng Trị. Ông là Lê Bá Dương, chiến sĩ quân giải phóng tại thành cổ Quảng Trị và hiện là nhà báo, nghệ sĩ nhiếp ảnh thuộc Hội Nghệ sĩ Nhiếp ảnh Việt Nam.

Ông viết: "Chiến tranh đã qua đi nhưng những nỗi đau, mất mát và những khoảnh khắc lịch sử vẫn là bản hùng ca vang mãi trong lòng thế hệ chúng ta, nhất là với những người cầm súng".

Năm 1987, trong một chuyến hành hương về lại chiến trường Quảng Trị, tôi đã bấm máy, ghi lại một phần khu mộ trong nghĩa trang liệt sỹ Trường Sơn (Quảng Trị).

Và rồi sau cái khoảnh khắc bấm máy là một tấm ảnh đen trắng được định hình với tên gọi: Đường cứu nước. Một con đường theo đúng nghĩa được hình thành từ cuộc chiến tranh cứu nước với triệu triệu người con của mẹ Việt Nam lần lượt nằm lại trên từng chặng gian nan.


Gọi vậy, đặt tên ảnh vậy bởi qua hiệu ứng ống kính góc rộng, khoảng cách giữa những hàng bia mộ như một con đường lớn uốn mình theo sườn đồi hun hút vào ngàn xanh đã gợi lại cho tôi cái cảm giác như được bước trở lại con đường một thời xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước, với lời thề khắc tâm: Nước còn giặc, còn đi đánh giặc, chiến trường giục giã bước hành quân.

Đường cứu nước 1 – ảnh chụp tại nghĩa trang Trường Sơn năm 1987 
Thời đó và bây giờ cũng vậy! Không ai trong chúng ta tự lựa chọn chiến tranh, mà chính chiến tranh chọn chúng ta.

Cũng chính sự lựa chọn đó đã buộc cả dân tộc Việt Nam phải bươn bả hết thế hệ này đến thế hệ khác để đến với cái đích cuối cùng – cái đích của sự độc lập tự do thiêng liêng mà cái giá cho triền miên công cuộc chiến tranh giải phóng đó hiện hữu với từng dặm đường xương máu bao thế hệ người Việt Nam.


Chẳng thể đong đếm được cái giá của công cuộc chiến tranh đó bằng bất cứ một đại lượng cụ thể nào, nhưng những giá trị xương máu của cuộc hành trình trên đường cứu nước đó hoàn toàn có thể cảm nhận bằng tâm, và hơn thế, còn chạm tay vào từng thang nấc máu xương trên suốt dọc dài con đường cứu nước.

Thực lòng lúc đó, khi bấm máy và đặt tên cho tấm ảnh, tôi đã không thể nghĩ rằng sau này tôi sẽ có thêm những khoảnh khắc nối vào khoảnh khắc ban đầu để hình thành bộ ảnh cùng tên Đường cứu nước.


Đường cứu nước 2 -  (Ảnh chụp tại cùng vị trí nghĩa trang Trường Sơn năm 2000)

Năm 2000, năm cuối cùng chuyển giao từ thế kỷ 20 sang thế kỷ 21, tôi một mình trở lại nghĩa trang Trường Sơn.

Bâng khuâng ngày về, khu mộ ngày nào nay đã được xây mới, đổi hướng đặt bia nghiêm cẩn và khang trang hơn, nhưng vẫn nguyên một dáng mở của con đường ôm theo cung lượn của sườn đồi hun hút vào ngàn xanh.


Chiều ở nghĩa trang hoe hắt nắng vàng, tôi đã bắt gặp một tốp học trò người dân tộc Vân Kiều ôm từng bó hoa phượng đỏ chói sắc lửa, tay ngắt từng chùm nhỏ lần lượt đặt lên từng ô hướng thiên trên phần mộ các liệt sỹ ở khu mộ kế bên. 

Đoán thể nào các cháu cũng sẽ sang khu mộ bên này, tôi đã chọn lại vị trí gần với góc chụp Đường cứu nước ban đầu để chờ.


Cũng chẳng đợi lâu, các cháu nhỏ đã chuyển hoa sang đặt đều lên từng ngôi mộ, để rồi qua ống kính máy ảnh, những hàng bia mộ lại mở ra thành con đường hun hút vào ngàn xanh.

Nhưng khác hẳn với Đường cứu nước thuở nào, Đường cứu nước lần này bỗng rực màu hoa phượng vĩ cháy đỏ như lửa - Một thứ lửa được thắp từ một thế hệ mới rực cháy trong khuôn hình ống kính thành tác phẩm Đường cứu nước 2 với tên gọi riêng: Nghĩa trang Trường Sơn, thêm một mùa hoa đỏ.


Đường cứu nước 3 ( Chụp tại nghĩa trang Trường Sơn năm 2004) 
Vâng, đã có thêm một mùa hoa đỏ dành cho những thế hệ từng một thời xếp bút nghiên, rời mái trường ra đi và ngã xuống trên chính trên dặm đường cứu nước của dân tộc.

Năm 2004, giữa không gian rực sáng bởi 10.263 ngọn nến thắp đều trên 10.263 ngôi mộ liệt sỹ trong đêm Huyền thoại Trường Sơn, tôi đã trở lại hướng ống kính theo đúng góc chụp năm nào để thu hết vào khuôn hình một không gian đêm Huyền thoại Trường Sơn tráng hùng được thắp sáng lung linh bởi ngàn ngọn nến.

Vâng, lửa đã cháy và sẽ mãi cháy bởi những thế hệ mới sẽ tiếp tục thắp và giữ lửa trong suốt cả hành trình cứu nước và giữ nước của cả dân tộc. 

Bất chợt ngước về phía khu mộ trung tâm, biểu trưng của khu mộ các liệt sỹ người Hà Nội với vòm mái bê tông thành lá cờ tổ quốc ôm vào lòng mô hình chùa một cột tạo thành một khối hình trái tim hồng rực sáng giữa lung linh lửa nến... Và rồi tấm ảnh Đường cứu nước 3 được hình thành với tên gọi riêng: Ngàn năm một trái tim hồng.


Nước non ngàn dặm (ảnh chụp tại Cùa năm 1987)
Một chiều tháng 7/1987…

Trong số những bóng người cúi mình trầm bước dò tìm những dòng tên giữa dọc dài những hàng hàng bia mộ, một người mẹ già phơ phất khói sương cuộn tung trên đỉnh chiếc khăn vấn đầu, lom khom kiếm tìm những dòng tên trên từng bia mộ, và bất chợt lặng mình đổ gục xuống khúc đoạn những ngôi mộ chưa tìm thấy tên.
Tôi ám ảnh nỗi đau của người Mẹ đồng đội - trong vô vọng tìm chút hình hài những đứa con nằm lại trên chặng dài tượng hình đường cứu nước giữa hoe hoắt nắng vàng chiều nghĩa trang.

Những năm tiếp sau, liền mạch những chuyến trở về chiến trường xưa…Hàng bia đồng đội vẫn trầm mặc dóng hàng theo dọc dài đường xưa, nắng vẫn hoe hoắt nhuộm vàng chiều nghĩa trang…nhưng những mái tóc phơ phất khói sương không còn nữa, thay vào đó là những mái đầu cứ xanh dần trong lúi cúi kiếm tìm người thân.

Lòng chợt nghẹn lòng khi thế hệ tìm người thân, cứ nối tiếp nhau trẻ dần trong hun hút dặm dài đường cứu nước, thay cho những lá vàng đã bay về trời với tổ tiên mà không đủ thời gian tiếp tục lũi cũi tìm con.

Với tâm nguyện, không đưa được đồng đội về quê, thì đưa quê vào cho đồng đội - trong cuộc hành hương “đưa quê hương vào cho đồng đội”, các CCB trung đoàn 27 Triệu Hải, sư đoàn 390 – Quân đoàn 1 đã thực hiện tâm lễ hòa đất nước lấy từ các miển quê vào lòng Thạch Hãn. 
Từ góc nghĩa trang Liệt Sỹ Trường Sơn, nhìn theo con đường mở về phía Cùa – Tân Sở, nơi mà năm 1858, trong bối cảnh đối mặt với nguy cơ mất nước, Thượng thư bộ binh Tôn Thất Thuyết và quan phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường cùng phái chủ chiến của triều đình đã xây dựng khẩn trương khu căn cứ Tân Sở tại vùng Cùa núi non hiểm trở (thuộc làng Mai Đàn, xã Cam Chính hiện nay), rồi cõng Vua Hàm Nghi cùng các quan đại thần của phái chủ chiến và đoàn tùy tùng phụ xa giá ra Tân Sở. Từ đây ban hịch Cần Vương kêu gọi nhân dân theo phong trào Cần Vương kháng chiến chống Pháp.

Đường lên Tân Sở, vượt qua khúc cua đường đèo giữa bạt ngàn sim mua. Một màu đường sỏi đá thẫm đỏ như son uốn theo hình chữ S.

Một người phụ nữ gánh chè xanh mải miết cuộc độc hành giữa non ngàn. Nắng chiều xiên khoai chao hắt để bóng người đổ dài liêu xiêu…

Tất cả có vậy, và chỉ có vậy để rồi trong dồn nén cảm xúc tôi đã ghi lại trên tấm phim nhựa một khoảnh khắc đằm sâu nỗi niềm của mình về đất mẹ Quảng Trị.

Vâng, đó là tấm ảnh nước non ngàn dặm đầy nỗi niềm mà tôi đã đau đáu từ sau chiến tranh đến mãi tháng 5/1987 mới thành.


Lần ấy, rời Nghĩa Trang Trường Sơn, thử làm cuộc độc hành về phương Nam, dọc theo những đồi sim tím hồng trải bạt ngàn hai bên đường lên Cùa, lòng những bồi hồi về một quãng đời trai trẻ dầm dã chiến tranh.

Bất chợt nhìn trên đoạn đường đèo trước mặt, bóng một phụ nữ trung tuổi gánh hai thúng khoai cùng mấy bó chè xanh ngược lên Cùa. Thảng nhìn kĩu kịt hai đầu khoai sắn trên đôi vai gầy của người phụ nữ rảo bước trên đoạn đường đèo hình chữ S, tôi vội bấm liên tục mấy kiểu phim còn lại trong máy, nghe trong thẳm sâu thắt thẻo lời ai đó từng câu Nam bình rằng …nước non ngàn dặm ra đi…cái tình chi...

Trên vị trí này, đất nước Việt Nam dọc dài như chiếc đòn gánh khổng lồ mà lịch sử dầm dã đã chọn đặt trên bờ vai Quảng Trị trong suốt chặng dài đường cứu nước.
  Quảng Trị - eo thắt như lưng bó mạ trong hình hài đất nước, khốn khó qua muôn đời gió mưa, suốt quãng dài chiến tranh giải phóng của dân tộc. Trong khi các địa phương nơi này nơi khác còn có lúc được nghỉ ngơi mỗi khi trở thành vùng tự do. Riêng Quảng Trị thì một hơi dài ngút nghít từ thuở dựng nước đến tận cùng cuộc chiến tranh giải phóng cứ ngập trong gian nan.

Mải miết gánh gồng, gắn số phận mình vào mệnh hệ dân tộc. Vậy nhưng chỉ đến năm 1975, khi kết thúc cuộc chiến tranh, lần đầu tiên và là lần duy nhất trong hành trình cùng đất nước, Quảng Trị mới được cùng cả nước hít thở không khí độc lập tự do.

Trong chiến dịch tiến công giải phóng Quảng Trị, mà điểm nhấn bầm đỏ máu xương của hơn một vạn chiến sỹ quân giải phóng hi sinh chỉ trong vỏn vẹn 81 ngày đêm
, những người lính trung đoàn 48 chốt giữ ngã ba Long Hưng, Trung đoàn 95 chốt giữ tuyến phía tây nam thành cổ, đến các đơn vị trung đoàn 27, trung đoàn 64 trên tuyến chốt Triệu Trung, Triệu Đông... cùng hàng chục sư đoàn, trung tiểu đoàn độc lập vòng trong vòng ngoài đối mặt với mưa bom, bão đạn, rát bỏng những cuộc chống phản kích giữ đất.

Và nữa là những nữ chiến sỹ lái xe tổng cục hậu cần, nhưng anh chị dân công hỏa tuyến… vượt bom pháo chuyển đạn, tải thương. Những chiến sĩ pháo binh từ tuyến Gio Linh đội bom B52 chi viện cho đồng đội phía cổ thành. Là chị phụ nữ tại Triệu Đông dăng tay chắn trước đoàn xe tăng địch, chấp nhận hi sinh khi để tạo điều kiện cho quân giải phóng chặn đứng cuộc phản công lên phía thành cổ…

Tất cả với một duy nhất ý nghĩ và cũng là ý chí, quyết tâm ngăn chặn không cho địch chạm tới tường thành cổ Quảng Trị – biểu tượng không chỉ về địa lý, mà còn đặc biệt có ý nghĩa khi cuộc hội đàm Pari đang trong hồi mãn kết.


Đưa quê hương vào cho đồng đội
Vâng, tôi đã từ một góc nhỏ nghĩa trang Quảng Trị, mở theo chiều con đường cứu nước ngẫm về cái thủa “mang gươm đi mở cõi”.

Mưa ướt mặt, nắng rát lưng, từ trong dằn dỗi chiến tranh đến cả gập ghềnh bước thấp bước cao vượt lên đói nghèo. Đạp lên giông bão thời hậu chiến, chiếc đòn gánh lịch sử vặn mình hình chữ S đó vẫn cứ mãi oằn trên đôi vai Quảng Trị mà kĩu kịt đầu Nam, đầu Bắc mải miết suốt chặng dài của mệnh hệ dân tộc.    


Rưng rưng một chiều từ cái mốc 40 năm ngoảnh lòng về lại một thời Quảng Trị, ngồi nhặt ghép lại những ảnh vụn của một thời chưa xa đó, hiển hiện trong tôi những dọc dài hun hút những ngọn nến thắp sáng trên hàng hàng bia mộ nơi nghĩa trang Trường Sơn.    

Bài và ảnh: Lê Bá Dương

Bình luận
vtcnews.vn