Huyền Như lấy tiền của ai và bằng cách nào?

Pháp luậtThứ Sáu, 26/12/2014 07:51:00 +07:00

Tại phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm Huyền Như khai nhận: Ký HĐ là do tôi vì để phục vụ mục đích của tôi

(VTC News) - Tại phiên xét xử sơ thẩm và phúc thẩm Huyền Như khai nhận: 'Ký HĐ là do tôi vì để phục vụ mục đích của tôi, nếu phát hành thẻ tiết kiệm thì số tiền gửi đó sẽ được nhập ngay vào hệ thống được kiểm soát, tôi không chuyển đi được'.

"Khi tiền người gửi chuyển về tài khoản thanh toán (TKTT), tôi đã chuyển luôn đi trả nợ mà không chuyển vào tài khoản có kỳ hạn nữa. Khi các hợp đồng (HĐ) đến hạn, tôi dùng tiền của HĐ sau trích chuyển trả cho HĐ trước. Như thế người gửi tin tưởng không phát hiện được"

Vậy hãy phân tích để chứng minh Huyền Như lấy tiền của ai và bằng cách nào?


Hợp đồng bất thường - phó mặc sử dụng tài khoản

Tại phiên xét xử phúc thẩm vụ án Huyền Như, nguyên nhân mấu chốt để xảy ra vụ án là: Lãi suất (LS) vượt trần, tiền lại quả, lòng tham và sự bất cẩn của các bên liên quan đã để Huyền Như có thể lừa đảo và chiếm đoạt tiền.

Với trường hợp của Công ty Bảo hiểm Toàn cầu (BHTC) là một điển hình. Để có thể chiếm đoạt 125 tỷ đồng của công ty này, Huyền Như đã tung con mồi LS để đánh vào lòng tham. Cụ thể, đối với HĐ 70 tỷ đồng, Huyền Như trả LS theo hợp đồng là 14%, LS ngoài HĐ lên tới 10% và phí môi giới 0,35%/ngày cho Huyền Trân tương ứng số tiền 5 tỷ đồng.

Tương tự đối với các HĐ, Huyền Như cũng phải trả LS theo HĐ là 14%, LS ngoài là 10%. Chính với những giao dịch ngầm, không tuân thủ các quy định của hoạt động ngân hàng như thế này, giao dịch của BHTC thực hiện với Huyền Như cũng chỉ… ở quán Café và thậm chí là với… người trong “Nhóm giúp việc” (không phải cán bộ ngân hàng) của Huyền Như là Trần Thị Tố Quyên.


Bị cáo Huyền Như tại toà - Ảnh Tuổi trẻ 

Khi bị dẫn dụ bởi LS chi ngoài, BHTC tiếp tục phó mặc cho Huyền Như tùy ý soạn thảo các nội dung HĐ với nhiều yếu tố rủi ro và bất thường. Cụ thể, điều 27 trong HĐ này ghi rõ: “Bên B (VietinBank) được tự động trích số tiền uỷ thác nói trên từ TK 102010001305311 tại VietinBank với số tiền và thời gian phù hợp nhu cầu hoạt động kinh doanh của Bên A (BHTC)". Thậm chí, điều bất thường đến phi lý là phụ lục HĐ còn có điều khoản “Bên A (BHTC) cam kết tặng bên B (VietinBank) LS 2%”.

Từ việc phó mặc Huyền Như tự ý soạn thảo HĐ với điều khoản “tự động trích số tiền ủy thác”, BHTC còn phó mặc cho Huyền Như tự ý sử dụng tài khoản để trích chuyển tiền. Theo tài liệu chứng minh tại tòa, đã có ít nhất 5 lần tài khoản của BHTC bị trích chuyển tiền, nhưng công ty này vẫn mặc kệ.

Cụ thể, cuối tháng 7/2011, BHTC nhận được bản fax sao kê và trong tháng 8/2011, BHTC một lần nữa nhận được sao kê bản cứng. Và để BHTC tin tưởng là tiền vẫn có trong tài khoản, Huyền Như đã dùng tiền của cá nhân chi trả LS trong và ngoài HĐ cho BHTC. Chính với những sơ hở này, tiền của BHTC đã bị Huyền Như trích chuyển để chiếm đoạt.


Giao dịch giả - hồ sơ giả

Đối với Công ty Hưng Yên, Huyền Như cũng dùng chiêu thức LS ngoài từ 4 - 9% để thực hiện hành vi lừa đảo. Nhưng, điều đặc biệt đáng lưu tâm là trên thực tế, Hưng Yên là công ty sân sau của Maritime Bank (MSB) và chính MSB đã cấp tiền bằng Hợp đồng ủy thác cho Hưng Yên có tiền để gửi và hưởng LS chênh lệch.

Để tiếp cận với Nguyễn Thị Nga - nhân viên của MSB, Huyền Như lúc này “hóa thân” thành một người có tên là “Quyên - Cán bộ VietinBank Nhà Bè” để thực hiện giao dịch. Sau khi Hưng Yên sập bẫy LS, Như yêu cầu Nga gửi hồ sơ mở tài khoản của Hưng Yên để Huyền Như tự mở tài khoản thanh toán cho công ty này tại VietinBank Nhà Bè và VietinBank TP. HCM.


Sau khi giả danh là “Quyên - Cán bộ VietinBank Nhà Bè” rồi dụ Công ty Hưng Yên sập bẫy, Huyền Như tiếp tục làm hồ sơ giả. Cụ thể, Huyền Như lập 8 HĐ tiền gửi, ký giả chữ ký Võ Anh Tuấn - Phó Giám đốc Vietinbank Nhà Bè và Hà Tuấn Anh - Giám đốc Vietinbank Nhà Bè, đóng dấu giả Vietinbank Nhà Bè fax cho Nga để chuyển tiền vào TKTT.

Cũng với chiêu thức tạo niềm tin, Huyền Như một lần nữa… được Hưng Yên chấp nhận các điều khoản bất thường trong HĐ là “Ủy quyền cho ngân hàng tự trích TKTT của Công ty Hưng Yên tại VietinBank TP.HCM để chuyển vào TK tiền gửi có kỳ hạn tại VietinBank Nhà Bè”.

Từ đây, Huyền Như tiếp tục làm giả các Giấy xác nhận phong tỏa HĐ tiền gửi Hưng Yên làm HĐ đảm bảo cho các HĐ ủy thác của MSB. Mặc dù nắm trong tay các HĐ và Giấy xác nhận phong tỏa HĐ tiền gửi giả mạo, nhưng cả MSB và Hưng Yên đều tin tưởng.


Chưa dừng lại ở đó, Huyền Như tiếp tục làm mẫu dấu giả của Công ty Hưng Yên (cùng với mẫu dấu giả của 7 đơn vị khác trong vụ án này) để chuẩn bị sẵn cho việc lập chứng từ giả trích tiền trên TKTT của Công ty Hưng Yên. 

Sau khi quy trình giả danh và làm giả hồ sơ, giấy tờ, con dấu hoàn tất khiến Công ty Hưng Yên tin tưởng, công ty này đã chuyển vào TKTT tại VietinBank theo thỏa thuận tại HĐ giả số tiền 537 tỷ đồng.

Ngay sau đó, những cá nhân trong “Nhóm giúp việc” nộp/chuyển trả ngay lãi chênh ngoài HĐ tổng số tiền 6,3 tỷ đồng vào TKTT của Công ty Hưng Yên tại MSB bằng nguồn tiền của Như. 

Tiếp đó, Huyền Như lập 24 lệnh chi giả (đóng mẫu dấu giả, ký giả chữ ký chủ TK) để chiếm đoạt tiền trên TKTT của Công ty Hưng Yên trả cho các tổ chức, cá nhân mà Như đã vay trước đó.

Trong tổng số tiền gửi 537 tỷ đồng của Công ty Hưng Yên, Huyền Như mới trả cho công ty này 336,8 tỷ đồng (gốc 325 tỷ đồng; lãi trong HĐ 5,5 tỷ đồng; lãi ngoài HĐ 6,3 tỷ đồng). Còn lại, Huyền Như chiếm đoạt 200 tỷ đồng.

PV
Bình luận
vtcnews.vn