Hùng Dũng gãy chân kinh hoàng: Bạo lực sân cỏ chưa buông tha bóng đá Việt Nam

Bóng đá Việt NamThứ Tư, 24/03/2021 07:00:00 +07:00
(VTC News) -

Hình ảnh Hùng Dũng kêu gào đau đớn đang ám ảnh tâm trí người hâm mộ, và nếu bóng đá bạo lực còn tồn tại, sẽ còn có thêm bao nhiêu cầu thủ nữa phải gánh chịu nỗi đau?

1. Điểm nhấn của trận đấu được mong chờ nhất vòng 5 V-League giữa CLB TP.HCM và Hà Nội FC, đáng tiếc, không phải một bàn thắng đẹp hay pha xử lý đẳng cấp.

Vài phút sau tiếng còi mãn cuộc, từ khóa "Đỗ Hùng Dũng" trở thành xu hướng tìm kiếm mới trên Google. Cầu thủ của Hà Nội FC đổ gục xuống sân, bật khóc đau đớn sau pha vào bóng man rợ của Ngô Hoàng Thịnh. Gầm giầy của Hoàng Thịnh đạp thẳng vào mắt cá chân Hùng Dũng, khiến tiền vệ mang áo số 88 gẫy cả xương chày và xương mác.

Video: Hùng Dũng bị Hoàng Thịnh đạp gãy chân

Đỗ Văn Thuận, đồng đội của Hoàng Thịnh, đứng bất động khi chứng kiến pha vào bóng. Đỗ Duy Mạnh, Geovane Magno gào thét gọi nhân viên y tế vào sân. Duy Mạnh đã bật khóc. 1 năm trước, anh dính chấn thương nặng, cũng trong trận đấu giữa CLB TP.HCM và Hà Nội FC. Nhưng ở tình huống này, Duy Mạnh tự làm đau mình.

Còn Hùng Dũng là nạn nhân của bạo lực sân cỏ, xuất phát từ pha vào bóng mà theo BLV Ngô Quang Tùng thì "thế kỷ 21 rồi, không ai đá như vậy".

2. Ngồi theo dõi trận đấu, HLV Park Hang Seo lập tức bật dậy, lao xuống sân khi thấy Hùng Dũng bị triệt hạ. Ông "chết lặng" trước nỗi đau của học trò, trước khi cảm giác buồn bực nhanh chóng trở thành cơn thịnh nộ với cái phẩy tay đầy giận dữ.

HLV Park không chỉ buồn với nguy cơ mất Hùng Dũng, cầu thủ quan trọng bậc nhất, ở vòng loại World Cup 2022, mà còn bất bình trước bạo lực sân cỏ. 

Hùng Dũng gãy chân kinh hoàng: Bạo lực sân cỏ chưa buông tha bóng đá Việt Nam - 1

Duy Mạnh không giữ được bình tĩnh khi đồng đội bị triệt hạ. 

Bóng đá Việt Nam đang từng bước thay da đổi thịt, hòa chung với nhịp đập thành công của ĐTQG, nhưng bóng ma bạo lực vẫn tồn tại. Trước đây, trung vệ Quế Ngọc Hải từng khiến tiền vệ Trần Anh Khoa phải giải nghệ vì pha vào bóng rợn người, hay Trần Anh Hùng của CLB An Giang đổ gục bởi pha "chém đinh chặt sắt" của Trần Đình Đồng.

Kiểu vào bóng bằng hai chân, xoạc bằng gầm giầy bất chấp rủi ro cực độ đã bị cấm trong bóng đá từ lâu. Tuy nhiên, nhiều cầu thủ vẫn sử dụng như một kỹ thuật cản bóng, hay sâu xa hơn là để "dằn mặt" đối thủ.

Những pha bóng như vậy không bao giờ được dung thứ ở những nền bóng đá phát triển - nơi cầu thủ chứng tỏ bản lĩnh bằng cái đầu, chứ không phải cái xấu xí, bạo lực chỉ khiến khán giả phải rợn người mỗi khi xem. 

Nói về bạo lực sân cỏ, Chủ tịch Nguyễn Hữu Thắng của CLB TP.HCM chia sẻ: "Bóng đá là tranh đấu, có được, có mất, cầu thủ có thể đá rắn, quyết liệt, nhưng tuyệt đối không được triệt hạ người khác". Theo HLV Chu Đình Nghiêm, cầu thủ đá bóng phải giữ "cần câu cơm" cho nhau.

Hùng Dũng gãy chân kinh hoàng: Bạo lực sân cỏ chưa buông tha bóng đá Việt Nam - 2

Sẽ còn bao nhiêu Hùng Dũng nếu bóng đá bạo lực còn tồn tại?

Bạo lực sân cỏ vẫn tồn tại ở một số cầu thủ, CLB, như những di chứng của một thời hỗn loạn, hoang dại và nghiệp dư của bóng đá Việt Nam

Đến bao giờ cầu thủ mới thôi đá xấu, đá láo? Hơn thua một tình huống, liệu có đáng phải đánh đổi bằng cả tương lai không? Khi nào bóng đá Việt Nam mới dẹp được tư tưởng đá "bậy" để chiến thắng bằng mọi giá như thế?

3. "Những tình huống thế này, chấn thương khiến tuyển thủ quốc gia nghỉ dài hạn sẽ có hiệu ứng tiêu cực không nhỏ. Người ta nhìn vào, người nước ngoài nhìn vào, hình ảnh bóng đá Việt Nam bị ảnh hưởng. Mức độ nào thì khó đo đạc được ngay nhưng mình cũng nhìn được qua những bình luận trên mạng xã hội. Đương nhiên đây là hình ảnh rất xấu.

Bóng đá là môn thể thao đối kháng có rủi ro. Có những chấn thương nặng mà đôi khi chẳng va chạm kinh hoàng đâu. Nhưng có những chấn thương mà ngay trên sân nhìn thấy chân người bị nạn gãy gập, mà lại bị tác động bởi một cú phóng 2 chân thì thực sự nó là thứ rất đau buồn.

Hùng Dũng gãy chân kinh hoàng: Bạo lực sân cỏ chưa buông tha bóng đá Việt Nam - 3

Hình ảnh CLB TP.HCM đã sứt mẻ ít nhiều.

Thế kỷ 21 rồi mà bóng đá vẫn còn những nét hoang sơ như vậy. Đó là câu chuyện của 15, 20 năm trước rồi. Bây giờ vào quả bóng như thế nhìn rất xót xa. Bóng đá là nghề, người ta cần quyết liệt để chiến đấu nhưng bóng đá mang nhiều dấu hiệu thô bạo ngoài tầm suy nghĩ thì thật đáng buồn", BLV Quang Tùng khẳng định. 

3 năm qua, thành công của ĐTQG hay những khán đài đầy ắp CĐV trong tâm bão COVID-19 đã giúp bóng đá Việt Nam được "nở mày nở mặt". Nỗ lực của thầy trò Park Hang Seo và sự vào cuộc của cả nền bóng đá giúp người hâm mộ có thể mơ xa, mơ cao hơn. Từ ngai vàng khu vực, tuyển Việt Nam đang mơ tới châu Á, World Cup.

Do đó, V-League nói riêng và bóng đá Việt Nam nói chung càng không được để những vết nhơ bạo lực tồn tại. Một vài tình huống xấu xí trên sân, khán giả rất dễ mất niềm tin và quay lưng với các CLB. 

Hồng Nam
Bình luận
vtcnews.vn