Huế hạn hán chưa từng có hơn 20 năm qua dù đang mùa mưa lũ

Thời sựThứ Năm, 22/11/2018 21:32:00 +07:00

Một nghịch lý đang xảy ra ở Thừa Thiên - Huế đó là dù đang trong mùa mưa lũ nhưng tỉnh này lại đang rơi vào tình trạng hạn hán chưa từng xảy ra trong vòng hơn 20 năm qua.

Hiện tại, dù đang trong mùa mưa lũ nhưng lượng mưa tại tỉnh Thừa Thiên - Huế cũng đang thấp kỷ lục.

Những năm trước vào mùa này, ở 2 huyện miền núi A Lưới và Nam Đông, mưa xối xả, kéo dài có khi cả tháng trời. Tuy nhiên, theo Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh Thừa Thiên - Huế, tính đến nay, lượng mưa tại Nam Đông chỉ đạt 25%, còn A Lưới và khu vực đồng bằng chỉ đạt 45% so với lượng mưa trung bình nhiều năm. Mực nước và dòng chảy các sông ở hạ lưu đều thấp hơn nhiều năm, còn các sông ở vùng núi chỉ đạt 30%-38%.

Không những vậy, những hồ chứa thuỷ lợi và hồ thuỷ điện ở Thừa Thiên - Huế đang rơi vào tình trạng thiếu nước nghiêm trọng. 

4

 Nhiều tháng nay, hồ thuỷ điện Bình Điền (Thừa Thiên - Huế) phải hoạt động cầm chừng do thiếu nước nghiêm trọng. 

Được biết, hiện toàn tỉnh Thừa Thiên - Huế có 56 hồ chứa thuỷ lợi và 6 hồ thuỷ điện đã đi vào vận hành khai thác. Tuy nhiên, hiện các hồ thuỷ lợi vừa và nhỏ trên địa bàn đều khô cạn nước, một số hồ như Truồi, Hòa Mỹ, Khe Ngang, Thọ Sơn, Phú Bài… dung tích hữu ích chỉ còn từ 20-50%.

Hồ Tả Trạch là công trình hồ chứa nước lớn nhất của tỉnh Thừa Thiên - Huế không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, giảm lũ chính vụ, cắt lũ tiểu mãn mà còn phục vụ sản xuất điện. Nhưng, hiện mực nước trong hồ đã cạn kiệt, mấy tháng nay không có khả năng sản xuất điện. 

Không chỉ các hồ thuỷ lợi đang kêu cứu vì thiếu nước trầm trọng, các hồ thuỷ điện lớn ở Thừa Thiên - Huế cũng rơi vào cảnh tương tự. Hiện tại, hồ thuỷ điện Bình Điền có mực nước 55m, cao hơn mực nước chết 2m và thấp hơn mực nước dâng bình thường 30m, thấp hơn cùng kỳ năm 2017 khoảng 14m. Hiện, hồ này vẫn đang duy trì lưu lượng trung bình ngày qua tuabin khoảng 15m3/s. Lượng mưa đo được đến thời điểm này chỉ đạt 30% so với lượng mưa trung bình nhiều năm.

Tại hồ thuỷ điện Hương Điền, hiện mực nướcđo được là 47,8m, thấp hơn mực nước dâng bình thường 10,2m. Hiện, hồ này vẫn đang duy trì lưu lượng trung bình ngày qua tuabin khoảng 30m3/s.

h12c 3

Trong khi đó, hạn hán kéo dài dù đang mùa mưa lũ cúng khiến hồ thủy điện Hương Điền hiện đang ở xấp xỉ mực nước chết.

Tỉnh chỉ thị khẩn

Trước tình trạng này, mới đây, UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế vừa ban hành chỉ thị về việc tăng cường thực hiện các giải pháp thủy lợi phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn, phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh, mùa khô năm 2018-2019.

UBND tỉnh yêu cầu UBND các huyện, thị xã và TP Huế xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn với các kịch bản về nguồn nước có khả năng xảy ra để kịp thời triển khai các giải pháp phù hợp, giảm đến mức tối thiểu thiệt hại, ổn định sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn.

UBND tỉnh cũng yêu cầu thường xuyên kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, thực hiện tiết kiệm nước ngay từ đầu mùa khô, có kế hoạch phân phối nước hợp lý để đảm bảo đảm cung cấp đầy đủ cho các nhu cầu thiết yếu (sinh hoạt, chăn nuôi, cây trồng lâu năm,..) và sản xuất nông nghiệp cho cả mùa khô năm 2018-2019.

UBND tỉnh yêu cầu các huyện, xã và TP Huế kiểm kê nguồn nước trong công trình thủy lợi, cân đối để bố trí cơ cấu sản xuất, mùa vụ, thời điểm xuống giống lúa phù hợp, bảo đảm hạn chế tác động của hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn ảnh hưởng đến năng suất cây trồng; chuyển đổi cơ cấu cây trồng đối với những diện tích thiếu nước; tăng cường sử dụng các giống cây trồng thích ứng với điều kiện hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn.

5 4

 Trước thực trạng hạn hán kỷ lục, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế ráo riết chỉ đạo các biện pháp để cố gắng khắc phục hậu quả. 

Các huyện, xã, thành phố cần tận dụng tối đa nguồn nước tự nhiên còn lại sau mùa mưa từ ao, hồ, sông suối, kênh rạch để cung cấp cho sản xuất vụ Đông Xuân, tiết kiệm nguồn nước từ các hồ chứa thủy lợi, thủy điện để dành cung cấp cho các vụ sản xuất sau.

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo dõi chặt chẽ thông tin dự báo khí tượng, thủy văn, kế hoạch vận hành của các nhà máy thủy điện, các hồ chứa nước thủy lợi để vận hành tích nước phù hợp, chỉ đạo vận hành bổ sung nguồn nước theo nhu cầu bảo đảm phục vụ sản xuất nông nghiệp và cấp nước dân sinh, đồng thời phải bảo đảm an toàn tuyệt đối đập, hồ chứa nước; hướng dẫn xây dựng, kiểm tra phương án phòng, chống hạn của các huyện, thị xã và TP Huế. 

Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Sở Công thương, Sở Tài nguyên và Môi trường kiểm kê nguồn nước trữ trong các hồ chứa thủy lợi, thủy điện vào cuối mùa mưa để kịp thời điều chỉnh kế hoạch cấp nước cho hạ du các hồ chứa nước thủy điện trong mùa khô 2018-2019, trong đó tập trung ưu tiên cấp nước cho dân sinh, sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế khác.

Sở Công thương chỉ đạo Công ty Điện lực Thừa Thiên Huế đảm bảo ưu tiên cấp điện ổn định cho sinh hoạt, vận hành các hồ chứa, trạm bơm phục vụ công tác phòng, chống hạn kịp thời. 

Căn cứ vào tình hình lượng nước của các hồ thủy điện và dự báo lượng mưa từ nay đến cuối năm 2018, UBND tỉnh chỉ đạo các chủ hồ thủy điện xây dựng và giám sát kế hoạch vận hành đảm bảo nguồn nước phục vụ sinh hoạt, công nghiệp, nông nghiệp và các hoạt động khác trên hệ thống sông Hương cho đến cuối năm 2019.

Sở Xây dựng chỉ đạo Công ty Cổ phần cấp nước Thừa Thiên Huế xây dựng kế hoạch cấp nước sinh hoạt, công nghiệp cho nhân dân trên địa bàn tỉnh từ nay đến cuối năm 2019.

UBND tỉnh cũng đề nghị các hồ đập, hồ chứa phải sẵn sàng ứng phó với tình trạng nắng hạn kéo dài. Nghiêm túc thực hiện đúng quy trình vận hành liên hồ chứa cũng như theo dõi chặt chẽ diễn biến thời tiết để có phương án ứng phó, tích nước hợp lí để vừa phát điện vừa phục vụ sản xuất nông nghiệp, đảm bảo môi trường vùng hạ du.

NGUYỄN VƯƠNG
Chuyên đề: Tin nóng trong ngày
Bình luận
vtcnews.vn