HTX Nông nghiệp ở Thủ đô: Giải pháp đồng bộ cho bài toán quỹ đất, giảm khó khăn

Nông nghiệp - Nông thônThứ Năm, 23/12/2021 16:26:00 +07:00
(VTC News) -

Dù có nhiều chính sách hỗ trợ phát triển nhưng thực tế hoạt động của các HTX nông nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội vẫn gặp không ít khó khăn.

Tích tụ ruộng đất để sản xuất quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao là yếu tố tạo chuỗi liên kết giữa các bên để hoạt động hiệu quả, bền vững, bảo đảm hài hòa lợi ích của doanh nghiệp, HTX và nông dân. Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các HTX còn khó tiếp cận đất đai phục vụ mục đích xây dựng trụ sở, nhà xưởng và mở rộng sản xuất, kinh doanh... 

HTX Nông nghiệp ở Thủ đô: Giải pháp đồng bộ cho bài toán quỹ đất, giảm khó khăn - 1

Tích tụ đất khó khiến HTX gặp khó khăn trong việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp cho bà con.

 

Điểm nghẽn từ chính sách đất đai

Chuyển đổi theo Luật HTX năm 2012, HTX Nông nghiệp Phú Mãn (xã Phú Mãn, huyện Quốc Oai) hoạt động với vai trò cung cấp dịch vụ các sản phẩm nông nghiệp, năm 2017 do nhu cầu mở rộng quy mô, phát triển sản xuất, HTX đã đưa cơ giới hóa vào sản xuất, xây dựng vùng chuyên canh trồng cây mang lại giá trị kinh tế cao. 

Dù ghi nhận nhiều thành công, song việc thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp vẫn còn nhiều “rào cản”. Đó là vấn đề về tạo quỹ đất, thủ tục thuê đất…, cũng như các chính sách liên quan đến nguồn vốn, tiếp cận khoa học kỹ thuật, ứng dụng công nghệ…

Giám đốc HTX Phú Mãn - anh Quách Phúc Vinh cho biết, thời gian qua do không có trụ sở làm việc nên khi giao dịch với khách hàng, lãnh đạo HTX phải chạy ngược, chạy xuôi tìm địa điểm; các lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật mới cho các thành viên phải mượn phòng của UBND xã…

Không chỉ riêng HTX Phú Mãn, HTX nông nghiệp nông sản sạch Bình Minh (thôn Bắc Vọng, xã Bắc Phú, huyện Sóc Sơn) cũng gặp nhiều khó khăn trong việc tìm kiếm cánh đồng lớn sản xuất rau an toàn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng nông sản và tăng lợi nhuận cho thành viên, người lao động.

Đi vào hoạt động từ năm 2019, do không tìm được đất nên HTX phải liên kết với 20 nhóm hộ trồng 30 ha cây ăn quả và rau an toàn trên địa bàn xã Bắc Phú.

Ông Nguyễn Định Công, Giám đốc HTX cho hay, việc chưa tích tụ được ruộng đất nên HTX đã xoay hướng sang tích tụ sản phẩm bằng cách liên kết hợp tác sản xuất với các nhóm hộ.

Cách làm này giúp HTX đảm bảo số lượng sản phẩm cung ứng cho bạn hàng, tuy nhiên cái khó hiện nay là trình độ canh tác của bà con không đồng đều kéo theo chất lượng sản phẩm bị ảnh hưởng, ngoài ra là tình trạng một số bà con không thực hiện đúng cam kết gây thất thoát cho HTX.

Bên cạnh đó, việc thiếu vốn và tiếp cận nguồn vốn tín dụng ngân hàng cũng là khó khăn của HTX nông nghiệp khi xây dựng kế hoạch đầu tư trụ sở chế biến nông sản sau thu hoạch của các thành viên.

Trao đổi về cơ chế, chính sách quỹ đất, HTX Phú Mãn cũng như HTX Bình Minh mong muốn Thủ đô sẽ triển khai đồng bộ các chính sách hỗ trợ tích tụ ruộng đất; xây dựng thương hiệu, quảng bá sản phẩm... tạo thành vùng lúa, rau VietGAP, hữu cơ để mở rộng thị trường.

HTX Nông nghiệp ở Thủ đô: Giải pháp đồng bộ cho bài toán quỹ đất, giảm khó khăn - 2

TP Hà Nội khuyến khích các chính sách phát triển nông nghiệp sạch quy mô lớn, công nghệ cao, sẽ là cơ sở pháp lý để tháo gỡ khó khăn tích tụ ruộng đất.

Để HTX sớm tiếp cận chính sách

Theo Ban giám đốc nhiều HTX trên địa bàn Thủ đô, việc có trụ sở làm việc ổn định sẽ giúp HTX hướng đến nhiều mục tiêu góp phần phát triển HTX như: Nâng cao hiệu quả hoạt động của HTX thông qua tăng cường năng lực sản xuất, điều hành và hoạt động kinh doanh; tổ chức dịch vụ phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của các thành viên, cộng đồng; tập huấn kỹ thuật nâng cao hiệu quả sản xuất để tạo ra sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng…

Từ thực tế phát triển nông nghiệp ở TP Hà Nội cho thấy, cần nhìn nhận, đánh giá đúng hạn chế, vướng mắc, tìm giải pháp khắc phục tích tụ ruộng đất để tạo môi trường đầu tư thuận lợi và khuyến khích phát triển cho các HTX.

Thực hiện theo Luật HTX năm 2012, các HTX được Nhà nước hỗ trợ đào tạo nhân lực, xúc tiến thương mại, ứng dụng khoa học, kỹ thuật, tiếp cận vốn, đất đai... Riêng HTX hoạt động trong lĩnh vực nông, lâm nghiệp còn được hỗ trợ giao đất, cho thuê đất, đầu tư kết cấu hạ tầng, ưu đãi tín dụng, hỗ trợ vốn, giống khi gặp thiên tai, dịch bệnh và chế biến sản phẩm...

Cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước, TP Hà Nội đang lấy ý kiến về Luật Thủ đô (sửa đổi), trong đó có các chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp sạch quy mô lớn, công nghệ cao, sẽ là cơ sở pháp lý để tháo gỡ những khó khăn hiện tại. 

Đồng thời, rà soát quỹ đất nhằm cấp đất để các HTX có trụ sở làm việc, nâng cao năng lực của các cơ quan quản lý nhà nước về đất đai ở địa phương. Hỗ trợ phát triển cho các hộ nông dân, HTX và doanh nghiệp đẩy mạnh hợp tác, liên kết trong các dự án phát triển cánh đồng lớn, vùng sản xuất tập trung theo chuỗi giá trị nhằm đáp ứng yêu cầu của thị trường trong và ngoài thành phố. 

Hơn nữa, khẩn trương rà soát, bãi bỏ ngay các quy định bất hợp lý, trái luật của các bộ, ngành về điều kiện kinh doanh. Tiếp tục quyết liệt trong cải cách hành chính, đặc biệt là cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, rõ ràng, minh bạch và bình đẳng về cơ hội tiếp cận cho tất cả các chủ thể kinh doanh trong nông nghiệp, nông thôn nói riêng và trong nền kinh tế nói chung.

Tin rằng, với định hướng chiến lược phù hợp gắn với phát triển Thủ đô xanh, văn hiến, văn minh, nông nghiệp Thủ đô sẽ từng bước phát triển bền vững.

Huyền Thương
Bình luận
vtcnews.vn