Hợp tác giữa doanh nghiệp truyền thống và công ty khởi nghiệp - chìa khóa đổi mới cho doanh nghiệp

Sản phẩmThứ Tư, 03/10/2018 11:13:00 +07:00

Hợp tác giữa doanh nghiệp truyền thống và các công ty khởi nghiệp (Corporate startup engagement - CSE) đã dần trở thành xu hướng phát triển tất yếu do thị trường luôn biến động không ngừng, buộc các doanh nghiệp cần sớm thích nghi để không bị tụt hậu và tiếp tục tồn tại, phát triển.

Một số nghiên cứu của Havard Business Review (HBR) khẳng định các doanh nghiệp càng lớn, càng khó có thể đổi mới do nó có thể gây ảnh hưởng đến thương hiệu của doanh nghiệp. Trong khi đó, các công ty khởi nghiệp (startup) được thiết kế theo một hướng phát triển linh hoạt và dễ dàng thay đổi hơn.

Do đó, nếu xây dựng mối quan hệ hai chiều hợp tác giữa startup và doanh nghiệp truyền thống, các startup sẽ đóng vai trò hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình đổi mới thông qua việc cung cấp nguồn nhân sự chất lượng và phát triển phần mềm. Về phía doanh nghiệp lớn, họ mang lại sự giúp đỡ cho startup trong quá trình mở rộng quy mô hoạt động.

Sự hợp tác này có thể bao gồm những hình thức hợp tác đơn giản thông qua các sự kiện, vườn ươm khởi nghiệp… cho đến các hoạt động sáp nhập, theo bài viết “The Strategic Use Of Corporate-Startup Engagement” (2017) của Thieme. K.

cse (1)

 Hợp tác giữa doanh nghiệp truyền thống và công ty khởi nghiệp là chìa khóa đổi mới cho doanh nghiệp (Ảnh: Innovatube)

Thực tế, theo một báo cáo của Match-Maker Ventures and Arthur D. Little về CSE, các doanh nghiệp truyền thống và công ty khởi nghiệp đều đánh giá việc hợp tác giữa hai bên có vai trò quan trọng, với độ quan trọng chiếm tới 69% theo đánh giá của các startup; 31% trong ngắn hạn và 83% trong dài hạn theo đánh giá của doanh nghiệp truyền thống.

Trên thế giới, hoạt động CSE đã đem lại nhiều thành công nhất định cho các doanh nghiệp lớn, những tập đoàn đa quốc gia như Facebook, Google… Họ đều tìm đến CSE như một chìa khóa cho sự đổi mới trong doanh nghiệp.

Ví dụ cụ thể nhất để chứng minh hiệu quả của mô hình CSE là việc Facebook mua lại Instagram vào năm 2012 với giá 1 tỷ USD nhằm lấn sân sang mảng mạng xã hội chia sẻ hình ảnh. Đây là một trong những thương vụ hợp tác được đánh giá là thành công nhất của Facebook khi giá trị hiện tại của Instagram đã vượt mức 100 tỷ USD, theo định giá của trang Bloomberg và Citigroup.

Còn tại Việt Nam, số lượng các hoạt động hợp tác giữa startup và doanh nghiệp truyền thống ngày càng tăng nhanh trong thời gian gần đây. Các doanh nghiệp lớn như Tập đoàn Phương Trang, Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) hay Tập đoàn Vingroup đang chứng tỏ vị thế tiên phong của mình khi đã và đang triển khai các hoạt động liên kết và hỗ trợ những startup với nhiều hoạt động khác nhau.

Chẳng hạn, tháng 10/2017, VPBank hợp tác với Up khai trương không gian khởi nghiệp dành cho các startup UP@VPBank; đầu tháng 4/2018, Tập đoàn Phương Trang mua lại phần mềm gọi xe Vivu với giá 2.200 tỷ đồng, đổi tên thành VATO, chính thức đánh dấu sự lấn sân của doanh nghiệp này sang mảng kinh doanh ứng dụng gọi xe qua điện thoại. Hay tháng 8 vừa qua, Tập đoàn Vingroup đã thành lập Quỹ Hỗ trợ khởi nghiệp và Hỗ trợ nghiên cứu KHCN có mức đầu tư 2 nghìn tỷ đồng và Quỹ Đầu tư mạo hiểm có mức đầu tư là 300 triệu USD.

Vậy đứng trước xu hướng này, những doanh nghiệp truyền thống cũng như các startup công nghệ cần làm gì? Đâu sẽ là hướng phát triển của CSE trong thời gian tới? Câu trả lời sẽ có trong Diễn đàn Khởi nghiệp Công nghệ tiên phong - Vietnam Frontier Summit 2018 sắp tới.

cse (2)

 Tập đoàn Phương Trang mua lại phần mềm gọi xe Vivu

Diễn đàn Khởi nghiệp Công nghệ tiên phong là một trong những thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp công nghệ tiên phong ở Việt Nam.

Innovatube – đơn vị tổ chức chương trình, tin rằng: Để phát triển hệ sinh thái công nghệ và biến Việt Nam trở thành trung tâm công nghệ tiên phong trong khu vực Đông Nam Á, điều tất yếu là cần có sự kết nối chặt chẽ giữa những thành phần quan trọng trong hệ sinh thái. Lý do là để đưa sản phẩm công nghệ tiên phong ra thị trường, các công ty thường mất nhiều thời gian, vốn, nguồn nhân lực hơn so với các giải pháp Internet khác. Không chỉ các startup mà các doanh nghiệp truyền thống cũng nên chủ động áp dụng những cải tiến công nghệ vào quá trình hoạt động để thúc đẩy hiệu quả kinh doanh và kéo dài tuổi thọ doanh nghiệp.

Trong khuôn khổ Vietnam Frontier Summit, sự kiện gọi vốn và kết nối lớn nhất cho các doanh nghiệp khởi nghiệp công nghệ “Always Be Raising" với mục tiêu xoá bỏ rào cản giữa các nhà đầu tư và các startup công nghệ tiềm năng tại Việt Nam nhằm thúc đẩy đổi mới sáng tạo sẽ diễn ra.

Đây là nơi các nhà đầu tư hàng đầu trong và ngoài nước đến từ Topica Founder Institutes, VinaCapital, Vietnam Silicon Valley, Mount Parker Ventures, Fenox Ventures... chia sẻ quan điểm về tiềm năng của startup Việt Nam, kinh nghiệm làm việc với các nhà sáng lập và những vấn đề về pháp lý trong quá trình đầu tư… Cùng với đó, 10 startup tiêu biểu sẽ có phần thuyết trình kêu gọi vốn trước các nhà đầu tư ngay tại sự kiện để mở ra những bài học kinh nghiệm cho các startup sau này.

Diễn đàn sẽ diễn ra vào ngày 6/ 10/2018 tại Hà Nội với chủ đề “Thúc đẩy đổi mới với công nghệ tiên phong”. Thông tin về Diễn đàn Khởi nghiệp Công nghệ tiên phong Frontier Summit:https://www.summit.innovatube.com/.

Phan Minh
Bình luận
vtcnews.vn