Hộp đen giám sát hành trình trên xe tải hoạt động thế nào?

XeChủ Nhật, 22/11/2015 07:59:00 +07:00

Không cần kiểm tra đo đạc hàng ngày, chỉ trên máy tính là chủ doanh nghiệp có thể nắm được lộ trình, thời gian gian hoạt động và cả mức nhiên liệu

(VTC News) - Không cần kiểm tra đo đạc hàng ngày, chỉ trên máy tính là chủ doanh nghiệp có thể nắm được lộ trình, thời gian gian hoạt động và cả mức nhiên liệu tiêu thụ thông qua hộp đen ô tô. Vậy thiết bị này hoạt động như thế nào?

Với số lượng đầu xe container lên tới hàng chục chiếc, anh Lương Thành Nam, chủ một doanh nghiệp vận tải ở Đông Anh (Hà Nội) trước đây phải đau đầu trong việc tính toán chi phí nhiên liệu cho các chuyến hàng đi xa.

Để tránh thất thoát nhiên liệu, anh còn phải thuê thêm người kiểm tra chéo tại một số điểm xe dừng nghỉ hoặc khoán nhiên liệu cho tài xế. Bằng nhiều cách nhưng sự thất thoát hay đôi lúc tranh cãi giữa tài xế và chủ vẫn xảy ra.

Xe tải của Tập đoàn Kamaz góp mặt tại một triển lãm ở Việt Nam
Vướng mắc trên hiện nay đã được anh Nam tìm ra giải pháp cực kỳ hữu hiệu thông qua hộp đen ô tô (hay còn gọi là thiết bị Giám sát hành trình – GSHT).

Với đặc thù doanh nghiệp của mình, anh đã dùng thử loại thiết bị gắn thêm là cảm biến lưu lượng (DFM). Mặc dù chi phí cho gói thiết bị này không hề rẻ, khoảng 30 triệu đồng/xe nhưng kết quả thu được khá hữu ích, tiết kiệm 15%-40% chi phí thất thoát nhiên liệu nhờ kiểm soát tuyệt đối thông tin về hành trình cũng như mức nhiên liệu tiêu thụ.

Ở đây, thiết bị giám sát Smartbox SM 5.0 (hộp đen) đóng vai trò như tai mắt của doanh nghiệp, đồng thời cũng là thiết bị hợp chuẩn theo quy định bắt buộc phải lắp GSHT trên toàn bộ phương tiện vận tải của Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đến năm 2018.

Sản phẩm này có ưu điểm như một máy tính trung tâm, giám sát và lưu trữ 6 thông tin quan trọng gồm: thông tin xe và người (biển số, tải trọng, giấy phép lái xe, tình trạng tắt, nổ máy…); xác định vị trí (giám sát trực tuyến qua xe qua sóng không dây GSM - sóng vệ tinh GPS và hệ thống thông tin địa lý GIS); xác định vận tốc (đo vận tốc thực của xe không sai lệch qúa 5km/h); xác định hành trình (thời gian, tốc độ, quãng đường); số lần đóng, mở cửa xe; và thông tin dừng, đỗ xe (toạ độ, thời điểm và thời gian).

Bên cạnh đó, hộp đen còn hỗ trợ kết nối với các thiết bị mở rộng khác như: Kết nối với camera để quản lý số hành khách, quản lý lái xe; Kết nối với cảm biến nhiên liệu để quản lý tiêu hao nhiên liệu đối với xe tải, đầu kéo, máy công trình, v.v…; Kết nối với cảm biến để thống kê chính xác số lần nâng hạ ben đối với xe tải ben.

Hộp đen có thể ghi nhận cả lượng nhiên liệu đổ vào/rút ra khỏi bình chứa
Đặc biệt với thiết bị mở rộng là cảm biến nhiên liệu (IoT), doanh nghiệp vận tải như có thêm “bàn tay” thứ hai kiểm soát hoàn toàn tài sản của mình. IoT được phân loại với 3 hình thái chủ yếu: cảm biến đo mức, cảm biến dòng chảy nhiên liệu và cảm biến không tiếp xúc (siêu âm).

Chức năng giúp hộp đen ô tô thu thập được dữ liệu quan trọng như: mức nhiên liệu đang còn trong bình chứa là bao nhiêu; tiêu thụ nhiên liệu trong quá trình vận hành phương tiện; cho phép kiểm tra dữ liệu (đổ vào – rút ra bao nhiêu nhiên liệu, lúc nào, ở đâu… vào bình chứa)

Trên thị trường Việt Nam hiện nay, 2 hình thái của cảm biến nhiên liệu rất được ưa chuộng là: cảm biển đo mức và cảm biến lưu lượng. Có thể lấy ví dụ từ 2 thiết bị cảm biến đang bán khá chạy trên thị trường là DUT-E và DFM của HC Group.

Với cảm biến đo mức nhiên liệu (DUT-E) được dùng để xác định ngay mức xăng, dầu hiện tại còn trong bồn, lượng dầu nạp vào khi đổ dầu, dầu bị lấy ra từ bồn, kết hợp thiết bị giám sát hành trình để giám sát dầu từ xa, xác định mức tiêu thụ nhiên liệu.

Để phù hợp cho các phương tiện, động cơ tiêu thụ nhiên liệu lớn như: container, xà lan, xe công trình, máy phát điện, phương tiện thủy v.v… thì cảm biến lưu lượng (DFM) giúp giải quyết các vấn đề về kiểm soát nhiên liệu tiêu hao thực của động cơ.

Đồng thời, tối ưu hóa nhiên liệu tiêu thụ và thời gian hoạt động của động cơ, ngăn chặn thất thoát từ đường dầu hồi, có thể giám sát từ xa hoặc tại chỗ thông qua đồng hồ đo với độ sai lệch 1%. So với DUT-E, cảm biến DFM có giá đắt hơn khá nhiều, khoảng 30 triệu đồng/sản phẩm.


Xăng, dầu là điều kiện sống còn của doanh nghiệp vận tải hàng hoá, hành khách. Từ chi phí này, doanh nghiệp mới có thể hoạch toán được chi phí đầu vào và đầu ra cho hoạt động kinh doanh của mình.

Trong điều kiện yếu tố con người còn nhiều hạn chế, môi trường cạnh tranh khốc liệt và phức tạp như Việt Nam, những vấn đề tiêu cực phát sinh từ thực tế của ngành vận tải - đặc biệt trong việc quản lí nhiên liệu - luôn là bài toán nan giải đối với các chủ doanh nghiệp vận tải. Do đó, các sản phẩm GSHT và cảm biến nhiên liệu đang là một giải pháp công nghệ thực sự có ích về lâu dài cho doanh nghiệp.

Thái Anh
Bình luận
vtcnews.vn