Hồng Sơn - Tấn Trường: Ai mới xứng là "người nhện"?

Thể thaoThứ Hai, 10/05/2010 01:25:00 +07:00

(VTC News) - Hồng Sơn và Tấn Trường là những thủ môn xuất sắc nhất của bóng đá VN thời điểm này. Nhưng ai trong số họ sẽ được thầy Tô lựa chọn?

(VTC News) - Trong bối cảnh mà thủ môn Trần Đức Cường (SHB Đà Nẵng) bận thi đấu tại AFC Cup, Bùi Quang Huy sa sút phong độ thảm hại, 2 "ngoại binh" Đinh Hoàng La và Phan Văn Santos bị VFF ngăn đường lên Tuyển, HLV Calisto chỉ có thể gọi đúng 2 cái tên cho người trấn giữ khung thành, đó là Dương Hồng Sơn và Bùi Tấn Trường.


Trong khi sự hiện diện của Bùi Tấn Trường dường như đã được dự báo từ trước thì việc “thầy phù thủy” gọi lại thủ thành người xứ Nghệ sau sự cố “mất hộ chiếu” đem lại nhiều bất ngờ. Trong lần trở lại đội tuyển này, thủ môn từng được bầu là “cầu thủ xuất sắc nhất AFF Cup 2008” lại vấp phải sự cạnh tranh rất lớn từ Bùi Tấn Trường, người đang có những bước tiến chóng mặt trong thời gian qua.

Ở thời điểm hiện tại, cả hai chính là những “người gác đền” nội xuất sắc nhất của BĐVN. Nếu so về cái Tài, họ được xem là “một 9, một 10”. Vậy trong trận giao hữu với Eintracht Frankfurt và xa hơn là chặng đường chuẩn bị cho chiến dịch AFF Cup cuối năm nay, Hồng Sơn và Tấn Trường, ai sẽ là “người nhện” đích thực để đứng trong khung gỗ của ĐTVN?

1. Dương Hồng Sơn

Thủ thành xứ Nghệ này chỉ thực sự bước ra ánh sáng tại VCK Asian Cup 2007 diễn ra tại Việt Nam. Khi đó, đang từ vị thế của kẻ chuyên “làm cảnh” cho người đồng nghiệp Quang Huy. Sơn “milu” đột nhiên được vị HLV người Áo A. Riedl trao cho cơ hội bắt chính cả bốn trận tại giải đấu này.

Sau sự cố hộ chiếu, liệu Hồng Sơn còn được thầy Tô trọng dụng? (Ảnh: Quang Minh) 

Và tất nhiên, trước cơ hội có một không hai đó, Sơn “milu” đã tận dụng rất tốt rồi hiện thực hóa mình trở thành người gác đền số 1 của BĐVN. Một năm sau, sự nghiệp của chàng thủ môn sinh năm 1982 này còn được tô điểm thêm “màu vàng” bằng chức vô địch cùng ĐTVN tại AFF Cup 2008, giải đấu mà riêng cá nhân Hồng Sơn đã nhận được danh hiệu cầu thủ xuất sắc nhất.

Tuy không có được thể hình lý tưởng của một thủ môn (cao 1m76), nhưng bù lại, Sơn “milu” lại sở hữu khả năng phản xạ tuyệt vời, trong đó có pha cứu thua xuất thần khiến người hâm mộ bóng đá Việt Nam không thể quên. Phút 29, trong trận đấu giữa ĐTVN gặp UAE tại Asian Cup 2007, tiền đạo Khalid (11) có pha phản công nhanh, anh dùng tốc độ và kỹ thuật loại bỏ Huy Hoàng để xâm nhập vòng cấm, sau đó tung ra cú sút rất uy lực đưa bóng đi về góc xa khung thành ĐTVN, nhưng bằng phản xạ nhanh nhạy của mình, Hồng Sơn đã bay người hết cỡ dùng 5 đầu ngón tay đẩy bóng ra cứu thua cho tuyển Việt Nam.

Pha cứu thua này đã chỉ ra những phẩm chất tốt nhất của thủ thành xứ Nghệ, nó thể hiện khả năng sức rướn, sự phán đoán cùng phản xạ tuyệt vời. Tuy nhiên, ngoài những ưu điểm trên, thì nhược điểm cố hữu mà Hồng Sơn luôn mắc phải là các tình huống ra vào trong vòng cấm. Đã có rất nhiều lần thủ môn này mắc sai lầm nghiêm trọng, kể cả khi khoác áo CLB Hà Nội T&T lẫn ĐTQG.

2. Bùi Tấn Trường

Khác hẳn với đàn anh của mình, Tấn Trường lại sở hữu thể hình khác hẳn với chiều cao tới 1m88. Chính điều này đã giúp cho thủ môn người Đồng Tháp luôn tỏ rõ những lợi thế trong việc ra vào và tranh chấp bóng bổng dù đối thủ là nội binh hay ngoại binh.

Lợi thế chiều cao, chiều dài sải tay là lợi thế nổi bật nhất của Tấn Trường. (Ảnh: Quang Minh) 

Không chỉ vậy, khả năng phán đoán tình huống cùng độ nhạy bén trong phản xạ cũng là những tố chất thiên bẩm của Tấn Trường. Còn nhớ, tại gải đấu Merdeka Cup 2008 diễn ra tại Malaysia, Tấn Trường chính là người đã hai lần cản phá thành công trong loạt luân lưu với Sierra Leone ở Bán kết, vô số lần cứu thua trong trận chung kết và đặc biệt là pha cản phá cú sút penalty thứ 6 của ĐTQG Malaysia, giúp U22 Việt Nam lên ngôi vô địch.

Hay tại đấu trường SEA Games 25 năm ngoái, chính sự có mặt của thủ thành xứ bưng biền này trước khung thành U23 Việt Nam đã thực sự đem lại một cảm giác rất yên tâm cho tất cả, từ người hâm mộ,  Ban huấn luyện cho đến các đồng đội. Ngoài những tố chất trên, Tấn Trường còn được biết đến với tinh thần thi đấu dũng cảm, không ngại va chạm và rất lỳ đòn trong các pha vào bóng.

Tuy nhiên, điểm yếu của “sếu vườn” này chính là ở những tình huống một đối một với tiền đạo đối phương cũng như trạng thái tâm lý khi thi đấu. Điều này được bộc lộ rõ nét nhất trong trận chung kết SEA Games 25, khi vẫn gắng thi đấu dù đã bị chấn thương rất nặng ở bả vai. Nhưng với tuổi đời còn rất trẻ, Tấn Trường vẫn còn nhiều thời gian để khắc phục những yếu điểm trên để ngày càng hoàn thiện mình hơn.

3. Ai hơn ai?

Để đánh giá về các thủ môn, phải dựa trên khá nhiều những tiêu chí. Trong đó có những điểm mà chúng ta có thể nhận thấy rõ ở họ như khả năng bật nhảy, phản xạ, phát bóng bằng (chân, tay), phán đoán tình huống cũng như bản lĩnh thi đấu,…Với những tiêu chí này nếu đem “áp” vào Hồng Sơn và Tấn Trường, hẳn chúng ta cũng có thể đưa ra những phán xét của riêng mình.

Bật nhảy: Điểm này, Hồng Sơn không hề thua kém Tấn Trường dù thấp hơn tới 12cm. Trái lại, anh chính là người có sức bật cùng độ rướn với bóng tốt nhất của bóng đá Việt Nam hiện nay. Tuy nhiên, do có thể hình thấp hơn nên thủ thành xứ Nghệ có phần thua sút ở các pha bóng bổng.

Phản xạ: Sự nhanh nhạy cùng phản xạ tuyệt vời chính là những tố chất bẩm sinh của cả hai thủ thành xuất sắc nhất của bóng đá Việt Nam hiện tại. Nhưng về mặt này, dường như Hồng Sơn được đánh giá nhỉnh hơn so với Tấn Trường. Đây cũng chính là yếu tố mà thủ môn Đồng Tháp phục nhất người đàn anh của mình qua lời phát biểu trước báo chí trước đây.

Tấn Trường trội hơn hẳn Hồng Sơn nhờ khả năng tung bóng và ngả người rất dẻo. (Ảnh: Quang Minh) 

Phát bóng bằng chân và tay: Trong các tình huống phát động tấn công bằng chân, Tấn Trường trội hơn hẳn Hồng Sơn nhờ khả năng tung bóng và ngả người rất dẻo, điều đó giúp anh luôn có những đường chuyền trúng địa chỉ cho các đồng đội. Còn ở những quả ném bóng bằng tay, cả hai được đánh giá là “một chín, một mười” khi điểm rơi của trái bóng luôn có độ chuẩn xác cao.

Phán đoán tình huống: Dù tình huống bóng ở trên không hay tầm thấp, Tấn Trường vẫn cho thấy sự ổn định và đem lại cảm giác yên tâm hơn so với Hồng Sơn. Bởi đây chính là “tử huyệt” của thủ thành người xứ Nghệ. Ở vòng 10 V.League, chính sự phán đoán thiếu chính xác của mình khi lao ra đấm hụt bóng, Hồng Sơn đã gián tiếp giúp chủ nhà LS Thanh Hóa có được chiến thắng ở những phút bù giờ của trận đấu.

Bản lĩnh thi đấu: Với kinh nghiệm về tuổi đời cũng như tuổi nghề, chàng thủ môn 27 tuổi rõ ràng nhỉnh hơn cậu em “sếu vườn”. Tuy nhiên, nếu được thi đấu thường xuyên hơn ở đấu trường Quốc tế, Tấn Trường sẽ không mấy khó khăn để vượt qua Hồng Sơn về điểm này.

Và để thay cho lời kết về chuyện “ai hơn ai” giữa Hồng Sơn và Tấn Trường, xin được trích dẫn lời nhận xét của HLV Trần Văn Khánh dành cho thủ môn người Đồng Tháp: “Tấn Trường là thủ môn duy nhất ở Việt Nam bây giờ, mà tôi tin rằng có thể đạt đến một đẳng cấp rất khác so với phần còn lại. Tất nhiên, cậu ấy phải tiếp tục nỗ lực, phấn đấu, rèn giũa những ngón nghề độc, chứ không chỉ biết thừa hưởng về lợi thế hình thể”.


Minh Quân

Theo bạn, giữa Hồng Sơn và Tấn Trường, ai là người xuất sắc hơn và thi đấu toàn diện hơn? HLV Calisto nên tin dùng Hồng Sơn, người đã khẳng định được tên tuổi, hay trao cơ hội cho Tấn Trường, người được xem là tương lai của bóng đá Việt Nam? Hãy gửi bình luận của bạn cho VTC News qua hộp thảo luận cuối bài (Gõ tiếng Việt có dấu)! Trân trọng!

Bình luận
vtcnews.vn