Hồng sâm Hàn Quốc ngàn năm bán trả góp 'tấn công' miền quê

Sức khỏeThứ Sáu, 18/12/2015 09:30:00 +07:00

Trưởng công an xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bức xúc về việc nhóm người tiếp thị sản phẩm nhân sâm ngàn năm không khai báo với chính quyền sở tại.

Chuyện nhân sâm ngàn năm được bán trả góp tại nhiều trường học của huyện Ứng Hòa đang khiến nhiều thầy cô giáo lo lắng.

Với chiêu thức sản phẩm dùng thử nên được giảm 50%, nhóm tiếp thị “hồng sâm ngàn năm Hàn Quốc” đã gõ cửa từng cổng trường làng của các xã thuộc huyện Ứng Hòa (Hà Nội). Không ít thầy giáo làng đang hoang mang về sản phẩm thần dược ngàn năm nhưng được bán … trả góp!

 

Thực trạng trên diễn ra gần một tháng trở lại đây. Hàng loạt trường mầm non, tiểu học, trung học cơ sở thuộc các xã sâu, xa của huyện Ứng Hòa (Hà Nội) đang trở thành “đích ngắm” tiếp thị “hồng sâm ngàn năm” của Hàn Quốc.

Tự xưng là nhân viên của một công ty do người Hàn Quốc sáng lập, được cấp phép hoạt động tại Việt Nam, nhóm tiếp thị sản phẩm “nhân sâm ngàn năm” đến các trường “thuyết trình” với các thầy, cô giáo làng.

Ngoài việc quảng bá về công dụng, hiệu quả “bách bệnh” của “nhân sâm ngàn tuổi”, nhóm tiếp thị còn cho biết, đây là cơ hội “ngàn năm có một” để các thầy cô được tiếp cận với sản phẩm quý. Một tháng tới, công ty này sẽ tổ chức hội chợ triển lãm chuyên về nhân sâm nên họ đang trong chiến dịch mang hàng đi tiếp thị để các thầy cô giáo dùng thử.

Giá tiền của một hộp sản phẩm (gồm hai lọ “hồng sâm ngàn tuổi” dạng cao, dung tích 250ml/lọ) có giá… 9,6 triệu đồng. Do chương trình khuyến mại nên giá còn 4,8 triệu. Các thầy cô giáo sẽ được trả góp trong vòng 10 tháng, mỗi tháng 480 ngàn đồng.

Thời điểm người của công ty về trường Tiểu học Hòa Xá tiếp thị, 5-6 thầy cô đã không ngần ngại ký hợp đồng.


Thông tin đến phóng viên, trưởng công an xã Phù Lưu (huyện Ứng Hòa, Hà Nội) bức xúc về việc nhóm người tiếp thị sản phẩm nhân sâm ngàn năm không khai báo với chính quyền sở tại.

Trưởng phòng Giáo dục, Trưởng phòng Y tế huyện cũng bất ngờ với thông tin “nhân sâm ngàn năm” đang được bán nhiều ở các trường học trên địa bàn.


Đặc biệt sản phẩm này được tiếp thị mà không hề xin phép các ban, ngành sở tại của huyện Ứng Hòa.
Trưởng phòng Y tế huyện Ứng Hòa Lưu Văn Duyên cho hay, UBND huyện đã có văn bản số 168 ngày 26/4/2013 về việc tất cả sản phẩm liên quan đến các lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, dược phẩm, thực phẩm chức năng… đều phải thông qua UBND huyện.


“Chúng tôi chưa nhận được bất kỳ ý kiến chỉ đạo nào của UBND huyện Ứng Hòa. Như vậy, việc tiếp thị sản phẩm hồng sâm hay nhân sâm tại các trường trên địa bàn huyện là việc làm không phép. Chúng tôi sẽ báo cáo UBND huyện và khuyến cáo tới các thầy cô giáo” - ông Duyên nói.

Lãnh đạo trung tâm y tế huyện cũng ngạc nhiên khi biết có rất nhiều người ở Ứng Hòa đã mua hồng sâm này về dùng.
 

 “Nếu họ muốn bán sâm, họ phải được UBND huyện Ứng Hòa hoặc trung tâm y tế, phòng y tế huyện cho phép. Chúng tôi cũng chỉ cho phép khi có sự chỉ đạo của Sở Y tế Hà Nội. Trung tâm Y tế huyện chưa hề biết và không chỉ đạo việc bán sâm này”, đại diện Trung tâm Y tế huyện Ứng Hòa nói.

Cũng theo vị này, khi chưa có ý kiến của cơ quan chuyên môn, người dân không nên dùng sâm tùy tiện. Bởi sâm thường dùng để thanh nhiệt cơ thể nhưng dùng quá liều, không đúng cách có thể gây liệt ruột và tử vong. Việc người dân tự ý mua về dùng là nguy hiểm.

Việc các trường trực thuộc “bị” tiếp thị sản phẩm nhân sâm trả góp, ông Bùi Thanh Sơn, Trưởng phòng Giáo dục huyện Ứng Hòa cũng lấy làm bất ngờ: “Tôi chưa được hiệu trưởng các trường báo cáo sự việc này. Phòng GD chưa gặp bất cứ cá nhân nào đến liên hệ để xin phép tiếp thị sản phẩm tại trường”.

“Lãnh đạo các trường sai nguyên tắc!”

Trường Tiểu học Phù Lưu - nơi nhóm tiếp thị “hồng sâm ngàn năm” về bán sản phẩm vào đầu tháng 12 vừa qua nằm cách trụ sở UBND xã Phù Lưu gần 1km. Tuy nhiên, lãnh đạo xã Phù Lưu cũng không hề biết việc này.

“Trước đó tôi có thấy trường Tiểu học Phù Lưu có băng rôn, khẩu hiệu, cứ ngỡ trường tổ chức văn nghệ. Việc họ tuyên truyền bán sản phẩm mà không xin phép chính quyền cơ sở là sai nguyên tắc, nhất là có cả người nước ngoài về tuyên truyền”  phó công an xã Nguyễn Văn Liên nói.
 

 Ông Nguyễn Văn Dũng, trưởng công an xã Phù Lưu nói: “Nếu họ làm từ thiện cũng phải xin phép chứ nói gì đến bán hàng. Nếu họ báo cáo, thấy việc làm của họ tốt, chúng tôi còn có thể bố trí người giúp họ. Việc trường tiểu học Phù Lưu cho phép người lạ vào thuyết trình rầm rộ, rồi bán sâm cho giáo viên là sai nguyên tắc. Tôi sẽ có ý kiến về vấn đề này”.

Theo bà Phạm Thị Tuyết, Hiệu trưởng trường tiểu học Phù Lưu, mặc dù không có văn bản hay giấy tờ gì của chính quyền địa phương cho phép nhưng vì tin những người bán sâm nên bà đã đồng ý cho vào trường.

“Theo lời quảng cáo thì sâm của họ đã được chứng nhận chất lượng. Họ cũng chỉ mới lấy trước 200 nghìn đồng. Nhiều trường trước đó đã mua nên tôi tin tưởng. Họ cũng bảo cứ dùng thử, nếu không tốt hoặc có vấn đề gì thì trả lại. Khách hàng có thể mang sâm đi kiểm nghiệm hay hỏi các chuyên gia. Việc làm của họ là chăm sóc sức khỏe, tôi nghĩ không vấn đề gì”, bà Tuyết nói.

Cũng theo bà Tuyết, người đàn ông Hàn Quốc cho biết, họ đang phối hợp với phía Việt Nam, từ tháng 8/2016 sẽ bán loại hồng sâm này rộng rãi trên thị trường. Hiện tại, họ mới chỉ đi mời khách hàng dùng thử.

Theo tờ giấy được xem như là hợp đồng mua bán mà những giáo viên trường Phù Lưu cung cấp, đơn vị đứng ra bán sâm là công ty TNHH nhân sâm nghìn năm Hàn Quốc. Địa chỉ: căn hộ B102 khu BT1C dự án khu nhà ở để bán, phường Mễ Trì, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Giấy phép hoạt động ngày 2/10/2015 và người đại diện pháp luật là ông Lee Jong Min.

Trao đổi với phóng viên ngày 16/12, đại diện công ty này cho biết: Các sản phẩm của họ là chính hãng, có nguồn gốc rõ ràng. Công ty có tổ chức giới thiệu sản phẩm vào ngày 6/12 nhưng chỉ có 20 người đăng ký mua.

Ông Woo Kwon Yong - phụ trách kinh doanh của công ty TNHH nhân sâm nghìn năm Hàn Quốc cho biết: Công ty đã có sai sót khi chưa xin ý kiến chính quyền sở tại để nhân viên giới thiệu sản phẩm tại một số trường trên địa bàn huyện Ứng Hòa (Hà Nội).

“Chúng tôi có sai sót khi không xin phép chính quyền địa phương vì sơ suất không biết điều này. Chúng tôi đã được các cơ quan của Bộ Y tế cấp phép, có giấy phép, nguồn gốc xuất xứ của sản phẩm nên chúng tôi nghĩ như vậy là đã đầy đủ. Khi vào các trường để thông tin sản phẩm, chúng tôi cũng được sự cho phép của các hiệu trưởng” - ông Yong nói.


Nguồn: Vietnamnet

Bình luận
vtcnews.vn